Sợ có tội thì phải lặn lội cùng dân
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 4 đã quyết rất nhanh cho Chính phủ gấp rút triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để kịp đến tay những người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19.
Nhưng đến nay sau 4 tháng chính sách đi vào cuộc sống, vẫn thấy đâu đó trong dư luận rộ lên thông tin nơi này, nơi khác người dân chưa được nhận.
Hai từ “mòn mỏi” thường được nhiều người lao động nhắc tới về gói hỗ trợ này. Mòn mỏi là bởi đã có sẵn tiền hỗ trợ nhưng chính quyền các cấp ở một số nơi chưa nhiệt tình triển khai, họ sợ “tội”, nếu rà soát không kỹ sẽ lập tức xảy ra kiện tụng thắc mắc vì hỗ trợ “nhầm” đối tượng.
Thực tế, đã có những cán bộ mắc sai phạm khi triển khai gói này. Hồi tháng 5/2020, UBND huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) đã ban hành kết luận xác minh nội dung tố cáo lãnh đạo, cán bộ xã Yên Thọ sai phạm trong thực hiện triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Kết luận này chỉ rõ nhiều hộ gia đình có quan hệ họ hàng với lãnh đạo, cán bộ thôn, xã Yên Thọ, cụ thể là 3 hộ thuộc diện khá giả nhưng vẫn nằm trong diện hộ cận nghèo và được hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19; trong khi có 6 hộ hoàn cảnh khó khăn nhưng lại không thuộc diện được hỗ trợ. Tương tự ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) có 3 hộ là cán bộ, công chức nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng gói an sinh xã hội…
Tất cả các trường hợp sai phạm đều đã bị xử lý nghiêm. Nhưng tâm lý “sợ tội” thì không có cách nào giải tỏa được mà chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và tình cảm của cán bộ với dân. Cũng có thể cảm thông được nỗi khó khăn của chính quyền các cấp trong việc xác minh đầy đủ thủ tục để hỗ trợ đúng người, bởi nếu không thật cẩn thận, tỉ mỉ, về sau này khi xem xét lại các thủ tục giải ngân, không may gặp phải cảnh “tình ngay lý gian” thì họ cũng mắc tội.
Dù vậy, lẽ ra, càng sợ mắc tội thì càng phải lặn lội cùng dân để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, tận tình cùng dân tháo gỡ các vướng mắc về giấy tờ thủ tục, chứ không phải là ngồi một chỗ cho chân gầm bàn chờ người dân đến… báo cáo, đủ giấy tờ thì hỗ trợ, không đủ thì thôi, trả tiền về cho Nhà nước là xong việc.
Nhìn về Trung ương, khi vừa bắt đầu triển khai các chính sách hỗ trợ, Chính phủ đã thúc các bộ, ngành cung cấp ngay lên Cổng Dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Người dân, doanh nghiệp không cần chạy đôn chạy đáo, chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, chỉ cần đăng nhập vào tài khoản trên Cổng dịch vụ công là có thể hoàn thành các thủ tục.
Các dịch vụ công được cung cấp như hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…
Bộ Tài chính là một trong những Bộ “nhanh chân” nhất trong hỗ trợ khi đã hoàn thành nâng cấp ứng dụng thuế điện tử (eTax) tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đăng nhập một lần thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia để nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Hiện nay, có 763.141 doanh nghiệp (chiếm 99,91%) và 83.701 hộ/cá nhân kinh doanh đã có tài khoản khai thuế điện tử trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Cổng Dịch vụ công quốc gia…
Như vậy, có thể thấy rõ rằng, ở Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất sốt sắng trong quyết cho chính sách được ra mắt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất nóng ruột, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương trong thu xếp có đủ nguồn tiền để triển khai. Địa phương không thể phụ lòng Trung ương và phụ lòng Nhân dân.