Sở Công Thương TP.HCM cấp tập xử lý vụ hàng trăm nhãn sữa giả
Trước tình trạng hàng trăm loại sữa giả bị phát hiện buôn bán tràn lan trên thị trường, Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã cấp tập kiểm tra và xử lý.

Một hộp sữa nằm trong danh mục sữa giả. Ảnh: VTV.
Phát biểu tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 24/4, ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết hiện tại, trên địa bàn TP.HCM, các đội quản lý thị trường chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu sản xuất hoặc buôn bán sữa giả như phản ánh tại một số địa phương khác.
Tuy nhiên, Chi cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các đội QLTT chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, y tế, chính quyền địa phương, tập trung tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra đột xuất đặc biệt tại các điểm tập kết hàng hóa, kho lạnh, tuyến phân phối và kênh bán hàng trực tuyến – nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, đơn vị này thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định xử lý đối với các hành vi vi phạm có liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ là thực phẩm.
"Sữa giả có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em. Chúng tôi luôn xác định kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng sữa nói riêng và thực phẩm nói chung là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của lực lượng nên hàng năm đều xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch và văn bản chỉ đạo về công tác kiểm tra đối với mặt hàng thực phẩm", ông Huy cho biết.
Theo đó, kết quả triển khai kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng sữa, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 7 vụ, tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại và 40 kg bột sữa, tổng trị giá hơn 188 triệu đồng, xử phạt trên 165 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm với các hành vi vi phạm chủ yếu gồm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng...
Ngoài ra, trong năm 2024 và quý I năm nay, Chi cục QLTT đã tiến hành kiểm tra, xử lý 590 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, tạm giữ hơn 332.657 đơn vị sản phẩm thực phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ với trị giá hơn 12,1 tỷ đồng, xử phạt trên 11,2 tỷ đồng.
Để tiếp tục ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng sữa nói riêng và các mặt hàng thực phẩm, ông Huy cho biết Chi cục QLTT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp như bám sát chỉ đạo của Sở Công Thương; đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, liên tục, đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm...