Sở Công Thương TP.HCM nói về việc bán rượu có làm tăng số ca Covid-19
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM đánh giá chưa có cơ sở để nói rằng việc tiếp xúc gần trong các nơi bán rượu bia làm tăng nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" ngày 3/12 diễn ra với chủ đề "Mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới". Khách mời gồm ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, BS Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (CDC TP.HCM) và bà Phạm Thi Vân - Trưởng Ban quản lý hệ thống bán lẻ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra).
BS Lê Hồng Nga cho biết số ca mắc Covid-19 tại TP HCM đang có xu hướng tăng nhưng tín hiệu lạc quan là số ca khỏi bệnh tăng cao. Tuy nhiên, bà cũng nhắc đến ý kiến thắc mắc của người dân về nguy cơ bị lây nhiễm khi đi mua sắm tại nơi đông người và giải pháp mua sắm an toàn trong giai đoạn cuối năm với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.
Đánh giá về vấn đề này, BS Nga cho biết thực tế, càng đến nơi có mật độ người đông thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao.
Do đó, để bảo vệ mình trước nguy cơ bị lây nhiễm, người dân cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về "thẻ xanh tiêm chủng" và 5K khi đi mua sắm.
Cho rằng Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất TP thí điểm mở lại hoạt động bán hàng cho ăn uống tại chỗ tại nhà hàng, quán ăn, quán bar…, một khán giả đặt câu hỏi về các giải pháp của Sở trong việc bảo đảm cho các địa điểm này hoạt động an toàn.
Trả lời, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết từ ngày 16/11, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP được mở lại, thí điểm cho một số địa bàn như TP Thủ Đức, quận 7 được bán bia rượu tại chỗ và đây là chỉ đạo nhằm là đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
"Đa số quận, huyện đều đánh giá việc mở cửa trở lại các dịch vụ ăn uống, kinh doanh đều đem lại những lợi ích nhất định. Đồng thời, chưa có cơ sở nào để khẳng định việc tiếp xúc gần trong không gian nhà hàng, cơ sở ăn uống làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các nơi bán rượu bia này", ông Trường đánh giá.
Tuy nhiên, do diễn biến dịch còn phức tạp nên sau thời gian thí điểm, từ ngày 1/12, TP tiếp tục có văn bản cho thí điểm đến ngày 30/12. UBND TP.HCM giao Sở Công Thương và các quận, huyện theo dõi để kết thúc đợt thí điểm thứ 2 thì sẽ có quyết định chính thức.
BS Lê Hồng Nga nói thêm số ca mắc mới tăng do 1 số F0 vẫn tiếp xúc với người khác hoặc uống rượu bia chung nhiều người. Nếu số ca F0 tăng cao, làm tăng cấp độ dịch thì TP bắt buộc phải đóng cửa các hoạt động bán rượu bia tại chỗ.
Vì vậy, ngành y tế kêu gọi người dân nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc việc cách ly để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, cũng là cách để góp phần sớm để TP khôi phục hoàn toàn mọi hoạt động kinh tế - xã hội.