Sơ cứu đúng cách để cứu sống người bị đuối nước
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đến ngày 27/5, hai bé trai bị đuối nước đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định và đang tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

Ảnh minh họa: Bệnh viện Nhi Trung ương
Trưa 26/5, bệnh viện tiếp nhận hai bệnh nhân là T.M.T (12 tuổi, tạm trú phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) và N.P.T (13 tuổi, tạm trú ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) trong tình trạng bị đuối nước. Trong đó, em N.P.T bị ngưng tim được người nhà sơ cứu ban đầu có tim lại và nhập viện trong tình trạng kích thích, thở nhanh, lơ mơ.
Người nhà cho biết, khoảng 12 giờ ngày 26/5, hai em T.M.T và N.P.T chơi cùng một nhóm bạn ở khu vực hồ nuôi cá bỏ không. Sau đó, hai em không may bị đuối nước, được người dân vớt lên bờ và sơ cứu trong tình trạng bất tỉnh.
Người dân đã tiến hành sơ cứu ban đầu (ép tim ngoài lồng ngực) cho N.P.T; sau đó đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Tuy nhiên, em vẫn trong tình trạng lơ mơ, kích thích, môi tím, được đặt nội khí quản và chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Tại đây, em tiếp tục được điều trị tích cực bằng thuốc, thở máy và sau đó được chuyển vào Khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, các bác sĩ đang nỗ lực cấp cứu cho hai bệnh nhân bị đuối nước. Em T.M.T nhẹ hơn nhưng cũng bị tổn thương phổi, hiện đang được hỗ trợ thở CPAP, tình trạng đã ổn định. Em N.P.T bị tổn thương phổi và thận rất nặng nên các bác sĩ đã sử dụng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, thở máy với thông số cao và dùng kháng sinh. Hiện tình trạng của em tương đối ổn định. Rất may mắn em N.P.T dù bị ngạt nước trong thời gian khá dài (khoảng 6 phút) nhưng đã được người dân sơ cứu đúng cách nên đã có tim trở lại và ít tổn thương thần kinh, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi năm cứ vào thời điểm đầu mùa hè, số ca cấp cứu do trẻ bị đuối nước lại gia tăng. Nhiều trường hợp xảy ra khi trẻ chơi đùa ở những khu vực không có người lớn giám sát; đặc biệt là tại các sông, hồ, ao, nơi từng được khai thác đất hoặc hồ nuôi tôm cá, mùa mưa nước đọng lại sâu, nguy hiểm. Đáng lo ngại hơn, nhiều phụ huynh thường chủ quan với các hồ nước nhỏ gần nhà. Do đó, trẻ em chơi đùa vẫn cần phải có sự kiểm soát của người lớn. Các khu vực hồ bơi công cộng cần có đội ngũ cấp cứu, cứu hộ túc trực để kịp thời xử lý khi có tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, mọi người dân cần được trang bị kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu, đặc biệt là cách sơ cứu đuối nước để có thể can thiệp kịp thời và đúng cách trong những tình huống nguy hiểm.