Sơ cứu vết thương phần mềm bị chảy máu đúng cách
Một vết thương chảy máu nhỏ nếu không được xử lý ban đầu đúng cách có thể bị nhiễm trùng, gây nguy hiểm đến sức khỏe. Dưới đây là hướng dẫn sơ cứu vết thương đúng cách.
Thiếu niên đắp vết thương ở tay bằng lá cây bị nhiễm trùng
Thiếu niên 17 tuổi bị mảnh kính vỡ rơi vào tay không đến bệnh viện xử lý vết thương, mà lại bôi mật gấu, bôi rượu ngâm và nhai lá cây để đắp. Vài ngày sau vết thương nặng hơn, sưng nề chảy mủ… nên phải vào Bệnh viện E. Tại đây các bác sĩ khám thấy vết thương vùng cẳng tay, ngón I và III bàn tay phải của bệnh nhân dính nhiều dị vật lá cây, nhiễm trùng, có nguy cơ hoại tử. Bệnh nhân đã được làm sạch vết thương, sau đó điều trị theo phác đồ chống nhiễm khuẩn.
Khuyến cáo đối với vết thương chảy máu thì nên dùng khăn, vải hoặc quần áo sạch băng bó, sau đó cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Tránh dùng những vật liệu bẩn (lá cây, thuốc lào, cát) đắp vào vết thương, vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, có thể phải cắt cụt chi, nguy hiểm tính mạng. Đã có trường hợp bị bỏ sót tổn thương gân, mạch máu, thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.
Nhận biết và phân loại vết thương
Vết thương phần mềm là những tổn thương có gây ra tổn thương rách da hoặc niêm mạc.
Phân loại vết thương phần mềm
- Vết thương mài da: Chỉ có sự tổn thương lớp thượng bì, có thể kèm theo trung bì nông. Loại vết thương này không chảy máu nhiều, nhưng cần được làm sạch kỹ để tránh nhiễm trùng.
- Vết thương rách da: Tổn thương hết các lớp của da. Loại này có thể sắc gọn hoặc dập nát tùy vào tác nhân gây tổn thương. Loại vết thương này có vết cắt sâu gây chảy máu, ngoài ra có thể kèm theo tổn thương cơ, gân, xương, mạch máu, thần kinh…
- Vết thương đâm chọc nhỏ: Thường do kim, đinh hoặc động vật cắn… Tổn thương không đáng kể nhưng có thể có dị vật bên trong vết thương và dễ bị nhiễm trùng.
- Vết thương lóc da: Là tình trạng da bị lóc ra khỏi tổ chức bên dưới, da có thể rời hẳn ra hoặc không. Lóc da rộng có thể làm lộ các tổ chức quan trọng được che phủ ở bên dưới vết thương, loại này có nguy cơ gây choáng và nhiễm trùng rất cao.
- Vết thương dập nát: Thường do chấn thương nặng nề như máy cuốn, bị tai nạn ở tốc độ cao. Tổn thương nặng nề mắt thường có thể thấy được vì dập nát lan rộng ở các tổ chức bên dưới da. Nguy cơ chảy máu trong, mất máu, choáng, nhiễm trùng rất cao.
Các vết thương nhỏ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, các vết thương sâu và nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và cần được chăm sóc y tế chuyên sâu hơn. Việc sơ cứu đúng cách cho vết thương có thể đẩy nhanh quá trình lành thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương.
Xử trí vết thương phần mềm đúng cách
Khi sơ cứu vết thương, điều quan trọng là phải luôn đảm bảo vệ sinh để tránh nhiễm trùng. Sau đây là 7 bước sơ cứu ban đầu:
Bước 1. Rửa tay: Bằng nước sạch và xà phòng trước khi xử lý vết thương, tránh dùng tay trần chạm trực tiếp vào vết thương và nên sử dụng găng tay cao su dùng 1 lần.
Bước 2. Tháo nữ trang: Với những vết thương lớn, cần tháo bỏ nữ trang như nhẫn, vòng tay ở ngoại vi của tổn thương, để tránh tình trạng phù nề gây ảnh hưởng đến sức sống của phần ngọn chi.
Bước 3. Cầm máu: Vết những vết thương sâu chảy máu nhiều thì ưu tiên hàng đầu là cầm máu. Ép nhẹ nhàng bằng băng gạc hoặc miếng vải sạch. Nâng cao phần chi tổn thương để hạn chế chảy máu.
Bước 4. Rửa sạch vết thương: Sau khi đã cầm máu thì cần rửa vết thương bằng dung dịch nước muối sinh lý vô trùng, nếu không có thì thay bằng rửa dưới vòi nước chảy, điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu vết thương bẩn, rửa vùng da lành xung quanh bằng xà phòng, nhưng không để xà phòng vào vết thương. Không sử dụng oxy già và dung dịch sát khuẩn, vì có thể gây ra kích ứng vết thương. Loại bỏ dị vật bụi bẩn bằng dụng cụ đã được sát khuẩn bằng cồn.
Bước 5. Băng vết thương: Vết thương sạch cần được che kín bằng băng gạc vô trùng hoặc vải sạch. Nếu là vết cắn hoặc vết kim tiêm bẩn đâm thì phải để vết thương hở.
Bước 6. Giảm đau: Có thể sử dụng thuốc giảm đau nếu đau nhiều.
Bước 7. Đến cơ sở y tế: Khám và điều trị sớm đúng cách sẽ giúp hạn chế các biến chứng có thể gặp như nhiễm trùng, uốn ván và hạn chế việc hình thành sẹo xấu về sau.
Tóm lại: Trong sinh hoạt, lao động có thể sẽ xảy ra những thương tổn, nếu chẳng may có vết thương chảy máu, nên dùng khăn, vải hoặc quần áo sạch băng bó, sau đó đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Tránh dùng những vật liệu bẩn (lá cây, thuốc lào, tro….) đắp vào vết thương, vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đã có nhiều trường hợp nhiễm trùng lan rộng phải cắt cụt chi, nguy hiểm tính mạng. Thậm chí có trường hợp bị bỏ sót tổn thương gân, mạch máu, thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.