Sở GD&ĐT công nhận trường đạt chuẩn quốc gia: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Công nhận trường đạt chuẩn quốc gia phải thực chất, tránh tình trạng 'chuẩn hình thức' hoặc làm theo phong trào...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho giám đốc sở GD&ĐT là phù hợp và giúp giảm tải công việc cho chủ tịch UBND tỉnh.
Đúng với chuyên môn ngành dọc
Ngày 10/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 22/2024 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư này đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo các Thông tư số 17, 18, 19 năm 2018.
Việc thành lập đoàn đánh giá ngoài và thẩm quyền cấp/thu hồi bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia thực hiện theo phân cấp tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, giám đốc sở GD&ĐT ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia thay vì chủ tịch UBND cấp tỉnh ký ban hành như trước đây.
Cô Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: “Trao quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho giám đốc sở GD&ĐT là hợp lý. Trong năm 2024, nhà trường vinh dự được Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ký quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 sau quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể sư phạm nhà trường”.
Cũng theo cô An, Hà Nội là địa phương thực hiện khá bài bản việc phân cấp công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tất cả quy trình, thủ tục để tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục cũng như công nhận đạt chuẩn đều có hướng dẫn triển khai cụ thể từ sở GD&ĐT. Đây là bước đi đúng đắn trong việc chuyên môn hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục ở nhà trường nói chung.
Việc ban hành Thông tư số 22/2024 thể hiện sự nhất quán về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông hướng đến tạo điều kiện dạy và học tập tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dân trí, nguồn lực để phát triển đất nước. Thông tư này được triển khai là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, yếu; phấn đấu xây dựng đạt chuẩn kiểm định và chuẩn quốc gia; thực hiện cải tiến chất lượng giáo dục theo yêu cầu mới.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Vũ Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Mỗ 3 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND tỉnh về cho giám đốc sở GD&ĐT là phù hợp, tránh việc quá tải cho lãnh đạo tỉnh; đồng thời tăng tính chủ động cho sở GD&ĐT. Hơn nữa, sở GD&ĐT là cơ quan quản lý về chuyên môn nên phân quyền như vậy là hoàn toàn chính xác.
“Ngoài ra, Thông tư số 22/2024 cho phép sử dụng minh chứng bằng hình thức văn bản điện tử trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các trường đáp ứng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư. Điều này phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số; giúp giảm thủ tục giấy tờ, đỡ tốn kém và thuận lợi cho việc lưu trữ đạt hiệu quả cao”, cô Vũ Thị Thìn tâm đắc.
Quan trọng là chất lượng
Tương tự, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhìn nhận, Thông tư số 22/2024 của Bộ GD&ĐT cụ thể hóa những gì mà trước nay các trường đã và đang làm. Bởi, cơ quan tiến hành thẩm định và tham mưu để chủ tịch UBND tỉnh ký công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vẫn là sở GD&ĐT.
Về tiêu chuẩn đánh giá, Thông tư số 22/2024 giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây để nếu nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ thấp thì sau ít nhất 1 năm kể từ ngày được công nhận sẽ đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn. Theo cô Hồng, điều này tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực và tập trung cải tiến nâng cao chất lượng.
Về tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, Thông tư đã đưa ra quy định nhà trường phải đảm bảo theo quy định chung của Chính phủ và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với quy định này, hiệu trưởng nhà trường sẽ chủ động đưa vào kế hoạch hằng năm để phân công giáo viên tham dự các khóa học nâng cao trình độ để đáp ứng quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) đánh giá cao những điểm mới tại Thông tư số 22/2024 của Bộ GD&ĐT như đã nêu. Đồng thời ủng hộ việc trao quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cũng như đạt kiểm định chất lượng giáo dục về cho giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh/thành.
“Tôi cho rằng, cơ quan nào quản lý về chuyên môn thì nên được giao toàn bộ các công việc liên quan đến ngành dọc vì họ là người nắm rõ nhất. Điều quan trọng phải đưa ra tiêu chuẩn và có cơ chế giám sát việc thực hiện những tiêu chuẩn ấy, đơn vị nào làm sai thì phải bị xử lý theo chế tài thật nặng. Thực tế đâu đó vẫn có trường dù đã được công nhận chuẩn quốc gia nhưng sự thật chưa đáp ứng tiêu chuẩn và đang… nợ chuẩn”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền trao đổi.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền đặc biệt nhấn mạnh, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia phải thực chất, tránh tình trạng “chuẩn hình thức” hoặc làm theo phong trào. Chất lượng giáo dục thực tế ở mỗi nhà trường chính là thước đo, minh chứng sống động nhất cho một ngôi trường đạt chuẩn kiểm định cũng như chuẩn quốc gia. Vì vậy khi được giao quyền, lãnh đạo sở GD&ĐT cấp tỉnh phải làm việc thật công tâm, trách nhiệm và hiệu quả.