'Sở GD&ĐT nhận tiền biên soạn sách thì không có quyền tham gia lựa chọn sách'
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia trước việc Nhà xuất bản Giáo dục chi tiền cho Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn bộ sách giáo khoa phổ thông mới.
“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Cô giáo Lê Hoàng Oanh, giảng dạy tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM cho rằng, việc Nhà xuất bản phối hợp với đơn vị nào để biên soạn sách là không sai, nhưng vấn đề là thiếu minh bạch. Tại sao gần 5 năm qua không công bố, để đến khi Bộ GD&ĐT chốt quyết định đơn vị cơ sở được chọn sách mới để lộ thông tin này ra.
Sở GD&ĐT đứng ra biên soạn sách, giáo viên là người chọn sách, chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng các trường ở địa phương đồng loạt chọn sách do Sở mình làm ra. Rõ ràng, điều đó làm mất đi tính cạnh tranh trong giáo dục ngay từ khâu chính sách.
“Tôi mong rằng, trong lần chọn sách tới đây, các trường, các giáo viên và ban đại diện cha mẹ học sinh cần thật sự công tâm, chú trọng sự phong phú trong kiến thức truyền dạy, lấy học sinh làm trung tâm và vận dụng linh hoạt nhiều bộ sách. Đừng vì cả nể mà 'nhắm mắt chọn bừa' làm giảm tinh thần đổi mới giáo dục”, cô Oanh nói.
Theo thầy giáo Lê Anh Tuấn, trường Tiểu học Pan Chải (Điện Biên), việc Sở GD&ĐT TP.HCM đứng ra cùng Nhà xuất bản Giáo dục biên soạn sách là kém trung thực. Một đơn vị đóng vai trò cốt cán trong lựa chọn sách giáo khoa phổ thông mới tới đây mà lại viết sách để dạy, chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thỏi còi”, gây thiệt thòi cho các nhà xuất bản khác trong việc cạnh tranh.
Thử đặt một bài toán, mỗi tháng nhà xuất bản trả thù lao cho người lãnh đạo cao nhất trong ban soạn thảo sách giáo khoa ở TP.HCM là 6 triệu đồng, một năm là 72 triệu và 4 năm sẽ là 218 triệu, cùng với các chức danh khác cũng phải đến 2 tỷ. Vậy 2 tỷ đó có đủ để ra một bộ sách chất lượng và tinh hoa đúng như Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM từng đăng đàn ca tụng trước đó.
"Đó chỉ là phép tính nhẩm của cá nhân, nhưng tôi hy vọng trong lần chọn sách giáo khoa phổ thông mới tới đây, yếu tố minh bạch, chất lượng, tất cả vì học sinh thân yêu sẽ được các nhà chính sách đặt lên hàng đầu", thầy Anh Tuấn nói.
Không được để người soạn sách đi chọn sách
Ông Lê Văn Hưng, một cán bộ nhiều năm trong ngành giáo dục cho rằng, bắt đầu từ 1/7/2020 việc chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và chắc chắn trong Hội đồng chọn sách của tỉnh cũng không thể thiếu sự tham gia của các lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT.
Bên cạnh đó, trong các bản thảo SGK được phê duyệt thì có tới 24/32 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, và trực tiếp 1 trong 5 bộ sách do Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn. Vậy ai đảm bảo rằng sẽ không có thiên vị, minh bạch trong khâu tuyển chọn, kiểm định sách giáo khoa trước khi đưa vào giảng dạy ở địa phương.
Do đó, để đảm bảo khách quan sau này khi UBND thành lập hội đồng tuyển chọn, địa phương không đưa vào danh sách người có lợi ích liên quan, tránh những nghi vấn trong dư luận vào hội đồng tuyển chọn.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Anh, hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho rằng, NXB và Sở GD&ĐT làm như vậy là không đúng. Vừa soạn sách vừa chọn sách thì làm sao công tâm được. Cần thẳng thắn xem xét lại vai trò của Sở trong việc chọn sách dù ở bất kỳ hội đồng cấp cơ sở theo Nghị quyết 88 hay hội đồng cấp tỉnh theo luật Giáo dục sửa đổi tới đây.
"Nếu làm đúng như vậy, đồng nghĩa với việc Sở GD&ĐT TP.HCM đã mất đi quyền đứng trong hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phổ thông mới tới đây. Dù bất cứ ở hình thức chỉ đạo, kiểm tra hay đánh giá nào đều không được tham gia. Tuyệt đối tránh thiên vị “sách nhà” mà đánh thấp sách của nhà xuất bản khá", bà Kim Anh nhấn mạnh.
Mặt khác, luật sư Ngô Quang Lạc, Công ty Luật Tâm Phúc dẫn chứng, trong luật Cạnh tranh và luật Chống tham nhũng quy định rõ tại khoản 2 Điều 8 và điều 22: "Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.
"Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình".
Như vậy, thử đặt vấn đề nếu NXB khác cũng hành xử tương tự như NXB Giáo dục Việt Nam thì liệu các Sở GD&ĐT khác sẽ chọn sách ra sao và ai quản lý lỗ hổng này. Ở vấn đề này chưa được minh bạch, rất dễ khiến dư luận lầm tưởng rằng hai bên đang “áo gấm đi đêm” cùng nhau.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/so-gddt-bien-soan-sach-khong-co-quyen-tham-gia-lua-chon-sach-d514399.html