Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo trường học chủ động phối hợp nhà xuất bản cung cấp SGK cho học sinh

Liên quan việc phụ huynh gặp khó khăn khi tìm mua sách giáo khoa (SGK) cho con trước thềm năm học mới, sáng 2-8, tại buổi tập huấn triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 7 và 10, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) yêu cầu các nhà trường có trách nhiệm phối hợp với nhà xuất bản cung cấp SGK đầy đủ, kịp thời cho học sinh.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên SGK triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 7 và 10. Các nhà xuất bản đã khẩn trương trong công tác tổ chức in ấn, phát hành, tuy nhiên để sách đến tay người học cần thời gian chuẩn bị của các nhà sách, đơn vị phát hành.

Trước thực tế đó, lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng, ngành giáo dục cần chủ động tạo điều kiện để phụ huynh và học sinh yên tâm trong việc tiếp cận nguồn SGK.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường có trách nhiệm phối hợp với các nhà xuất bản cung cấp SGK đầy đủ, kịp thời cho người học. Do đó, các đơn vị trường học cần xác định rõ nhu cầu, số lượng đặt mua từng loại sách đối với từng môn học của học sinh đơn vị, từ đó làm việc với các nhà xuất bản và đơn vị phát hành để kịp thời có nguồn cung SGK cho học sinh.

Trường hợp phụ huynh muốn tự mua SGK bên ngoài, nhà trường cần giải thích cho phụ huynh hiểu do năm nay SGK lớp 7, 10 là ấn phẩm lần đầu tiên phát hành nên việc phụ huynh tự mua có thể gặp khó khăn.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, các đơn vị trường học không tổ chức phát hành mà chỉ phối hợp với các nhà xuất bản, hỗ trợ phụ huynh tiếp cận nguồn SGK đảm bảo 3 tiêu chí gồm đúng giá quy định, đầy đủ và kịp thời phục vụ cho nhu cầu sử dụng của học sinh trong năm học mới.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tập huấn SGK lớp 7 và 10 triển khai CT GDPT 2018.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tập huấn SGK lớp 7 và 10 triển khai CT GDPT 2018.

Để giải quyết trường hợp học sinh gặp khó khăn trong tiếp cận SGK, giáo viên cần chú ý đổi mới hình thức tổ chức dạy học thông qua kế hoạch bài dạy. Cụ thể, giáo viên sẽ hướng dẫn, tổ chức cho học sinh làm quen các hoạt động học tập trên hệ thống quản lý học tập trước khi bước vào giờ học chính thức theo thời khóa biểu trên lớp.

Như vậy, trước các tiết dạy, giáo viên sẽ cung cấp tài liệu bài học để học sinh tiếp cận trước, qua đó giúp học sinh phát triển kỹ năng tự học, mở rộng không gian và thời gian tổ chức hoạt động học tập trên lớp, hướng đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Ông Lê Duy Tân nhận định, năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên triển khai ở lớp 7 và 10. Do đó, kỳ vọng của xã hội đặt ở nhà trường rất lớn. Bản thân các trường phổ thông phải tạo được sự tin tưởng, an tâm cho người học và phụ huynh học sinh.

Trưởng phòng Giáo dục trung học đề nghị các trường phổ thông công bố đầy đủ phương án lựa chọn SGK cho phụ huynh và học sinh cũng như các yêu cầu cần đạt, nội dung chương trình, quy định về kiểm tra, đánh giá trong từng môn học (số bài kiểm tra, cách thức tổ chức các hình thức kiểm tra, đánh giá).

Song song đó, cơ sở giáo dục cần trang bị SGK cho thư viện trường học. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của năm học mới hướng đến 2 mục tiêu: cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn sách sử dụng để đảm bảo quá trình học tập trong suốt năm học, đồng thời trang bị đầy đủ các đầu SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt giúp giáo viên có thêm nguồn ngữ liệu xây dựng kế hoạch bài dạy.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng khuyến khích các đơn vị trường học đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thư viện trường học nhằm tạo điều kiện cho học sinh thực hiện tra cứu tài liệu học tập.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//so-gddt-tphcm-chi-dao-truong-hoc-chu-dong-phoi-hop-nha-xuat-ban-cung-cap-sgk-cho-hoc-sinh-831571.html