Sở Giao thông vận tải Hà Nội: Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% đảm bảo mục tiêu đề ra
Trả lời phóng viên Báo điện tử Xây dựng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: 'Hiện các dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đều đang thực hiện đúng tiến độ, tỷ lệ giải ngân dự kiến sẽ đạt trên 95% đáp ứng được mục tiêu đề ra theo Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 05/7/2024 của UBND Thành phố'.
Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, căn cứ các Nghị quyết của HĐND Thành phố, năm 2024 Sở Giao thông vận tải được giao làm chủ đầu tư 5 dự án với tổng kế hoạch vốn được giao là 125.000 triệu đồng. Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã giải ngân được 46.328/125.000 triệu đồng (đạt 37,02 %).
Trong 5 dự án đang triển khai: 1/5 dự án đã thi công hoàn thành (Dự án đầu tư, cải tạo, bổ sung kết nối tín hiệu giao thông đường bộ với đường sắt đảm bảo an toàn giao thông các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt); 2/5 dự án đang triển khai thi công (Lắp đặt 66 nút đèn tín hiệu giao thông (đợt 1), chế tạo 2 cầu dàn Benley (dự phòng xử lý sự cố về cầu, tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố); 2/5 dự án đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng; đang triển khai thi công xây dựng Dự án xây dựng cầu vượt cho người đi bộ qua đường Văn Khê (khu vực chung cư Victoria Văn Phú), quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội; Dự án xây dựng cầu vượt cho người đi bộ qua đường Đỗ Nhuận (khu vực công viên Hòa Bình), quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
“Hiện các dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đều đang thực hiện đúng tiến độ (do các dự án có tính chất quy mô nhỏ, không vướng GPMB) và tỷ lệ giải ngân dự kiến sẽ đạt trên 95% đáp ứng được mục đề ra tại Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 05/7/2024 của UBND Thành phố”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án có sử dụng vốn đầu tư công của Sở, ông Đỗ Việt Hải cũng cho biết: Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản gửi các chủ đầu tư để đôn đốc cũng như nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ triển khai các dự án. Thứ nhất là công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là khó khăn, vướng mắc trong công tác xác nhận nguồn gốc đất, xác định giá đất, quy đất tái định cư, quy nhà tái định cư, người dân không đồng thuận với phương án bồi thường, có khiếu nại, khiếu kiện.
Thứ hai là việc triển khai lập, thẩm định và phê duyệt chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường của một số dự án mất nhiều thời gian dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư.
Cùng với đó là giá vật tư, vật liệu có nhiều biến động, thông báo giá chưa sát với thực tế, đặc biệt là vật liệu cát, đất đắp ảnh hưởng đến một số dự án đã triển khai nhiều năm và thực hiện theo hợp đồng trọn gói dẫn đến các nhà thầu thi công tổ chức thi công cầm chừng.
Trên cơ sở rà soát, Sở Giao thông vận tải đã có các Báo cáo số 620/BC-SGTVT ngày 11/6/2024, số 894/BC-SGTVT ngày 22/08/2024 báo cáo UBND Thành phố, trong đó đề xuất nhiều nội dung quan trọng đối với Thành phố và các Sở, ban, ngành. Riêng với UBND Thành phố, Sở Giao thông vận tải kiến nghị Thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%): Làm rõ nguyên nhân, lý do chậm giải ngân và trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để xảy ra tình trạng chậm tiên độ. Qua đó, xây dựng kế hoạch cụ thể và dự báo khả năng giải ngân từ nay đến hết năm 2024 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 cho phù hợp.
Chia sẻ về tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, ông Đỗ Việt Hải cho biết, năm 2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trình xem xét 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong số đó 10 dự án đầu tư công, thực hiện nhiệm vụ UBND Thành phố giao, Sở Giao thông vận tải đã triển khai các thủ tục theo quy định (lựa chọn đơn vị tư vấn, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Còn với siêu dự án mở rộng đường Láng, quy hoạch đường Vành đai 2 trên cao; dự án cầu Tứ Liên, Sở Giao thông vận tải cũng đã có Tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Chia sẻ thêm về hướng khắc phục thực tế ùn tắc nghiêm trọng tại Đại lộ Chu Văn An – Nguyễn Xiển (nay là đường Phạm Tu), ông Đỗ Việt Hải cho biết: Hiện nay, tuyến đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, theo hình thức BT đang tạm dừng thi công do vướng mắc trong công tác GPMB. Trong giai đoạn trước mắt để xử lý ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng 2 cầu tạm dành cho xe thô sơ tại vị trí cống Yên Xá để tăng cường năng lực thông hành qua khu vực nút giao.
“Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đôn đốc UBND huyện Thanh trì và quận Hà Đông hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để thực hiện hoàn thành dự án”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho hay.