Sở GTVT Phú Thọ nhận định nguyên nhân ban đầu làm sập cầu Phong Châu
Cầu Phong Châu được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, tải trọng thiết kế H18 - X60, tải trọng người đi 0,3T/m2 và được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1995.
Cầu không giới hạn tải trọng
Báo cáo sơ bộ về tình hình sập cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C vào sáng nay 9/9, Sở GTVT Phú Thọ cho hay, cầu Phong Châu tại km18+300 QL 32C, tỉnh Phú Thọ được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu, tải trọng thiết kế H18 - X60, tải trọng người đi 0,3T/m2 và được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995.
Cầu có phần đường xe chạy rộng 7,0m; lề người đi mỗi bên 1,0m; tổng bề rộng mặt cầu 9,50m. Cầu gồm 8 nhịp, gồm các nhịp 33m là nhịp dầm bê tông cốt thép và các nhịp dàn thép (N5, N6, N7). Các trụ cầu (T1 đến T7) bằng bê tông cốt thép M250.
Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa với quy mô thay 4 dầm nhịp 8 - T21m bê tông cốt thép thường bằng 4 dầm nhịp T21m bê tông cốt thép dự ứng lực có chiều cao dầm tương đương; Dán sợi thủy tinh và sợi cacbon gia cường dầm T33 các nhịp 1,2,3,4;
Thay thế bu lông cường độ cao bị đứt gãy, han gỉ, tẩy gỉ bằng phun cát sau đó quét sơn chống gỉ cho phần hạ bộ của hệ dàn thép; Sửa chữa mặt cầu bằng bê tông cốt thép 35Mpa, thảm BTN C12,5 dày 5cm;
Thay thế các khe co giãn cũ tại các vị trí mố M1, M2 và trụ T1, T2, T3 bằng khe co giãn răng lược; Thay thế những thiết bị điện trên cầu đã hỏng bằng các thiết bị điện mới; tẩy gỉ và sơn lại cột đèn chiếu sáng của cầu. Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.
Sau đó, tới năm 2019, cầu Phong Châu được sửa chữa với quy mô xử lý xói lở trụ T7; Tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê tông cốt thép C30, đường kính D1200mm; mũi cọc ngàm trong tầng đá gốc; Kết hợp mở rộng bệ trụ bằng bê tông cốt thép C30; Tháo dỡ thu hồi trụ va xô hư hỏng trước trụ T7; Gia cường khả năng chống va xô bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ T7, kết cấu bằng bê tông cốt thép C30, chiều cao 1,2m tính từ phần thân trên thân đặc trụ T7.
Năm 2023, cầu Phong Châu tiếp tục được sửa chữa quy mô nhỏ (tẩy gỉ, sơn lại toàn bộ các thanh mạ thượng, thanh đứng, thanh xiên, hệ liên kết ngang trên và hệ liên kết dọc trên của nhịp 66m, 64m và 80m; Thay thế khe co giãn trên trụ T5, T6, T8 bằng khe co giãn răng lược và sửa chữa phần bê tông phía trước khe đã bị nứt vỡ...) và kiểm định cầu.
Kết quả kiểm định cầu năm 2019 đánh giá, cầu khai thác được với tải trọng HL93. Cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng xe qua cầu.
Cũng theo báo cáo của Sở GTVT Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy siết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7) vào lúc 10h02 ngày 9/9/2024.
Có thể làm cầu phao tạm
Lien quan đến việc cứu hộ cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu, chiều nay, 9/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chủ trì họp với các Bộ, ngành và tỉnh Phú Thọ về công tác khắc phục sự cố.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho hay, trước mắt, cần đảm bảo vấn đề an toàn tìm kiếm cứu hộ. Chỉ khi điều kiện thời tiết cho phép thì có mới thể triển khai tìm kiếm cứu nạn.
Về phương án đảm bảo giao thông, trước mắt có 2 phương án là sử dụng phà, hoặc là cầu phao. Tuyến đường sông này ít phương tiện thủy qua lại nên Bộ đề xuất làm cầu phao cố định. Về lâu dài, chắc chắn phải làm cầu mới, không thể sửa chữa cầu cũ. Cầu Phong Châu là cầu huyết mạch, cần xây cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, GTVT, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đến hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Theo báo cáo, có khoảng 10 ô tô, 2 xe máy và khoảng 13 người dân mất tích liên quan vụ sập cầu Phong Châu.
Lực lượng chức năng đã có mặt đầy đủ tại hiện trường vụ sập cầu, các trang thiết bị cũng đãsẵn sàng nhưng do nước sông Hồng đoạn qua Phú Thọ đang chảy rất siết nên chưa thể triển khai tìm kiếm, cứu nạn dưới lòng sông.