Số hóa an toàn thực phẩm

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vui khi nhiều loại thủ tục hành chính liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) đã được thực hiện trực tuyến trên các website, ứng dụng số, thay vì phải trực tiếp như trước đây.

Sở ATTP TP Hồ Chí Minh tiếp nhận đăng ký, yêu cầu và trả kết quả trực tuyến. Tương tự, đơn vị này triển khai hàng loạt thủ tục, dịch vụ công khác trên nền tảng số, như: Gắn công nghệ số vào quản lý chuỗi cung ứng, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cấp đăng ký sản phẩm thực phẩm (nhận dạng, so sánh các sản phẩm cùng tên, cùng thành phần...), thông báo thông tin, khuyến cáo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến ATTP tới người dân và doanh nghiệp... Đơn vị này xác định chuyển đổi số, số hóa trong hoạt động quản lý là mũi nhọn, nền tảng để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, trở thành công cụ hữu hiệu thể hiện vai trò giám sát, xử lý vi phạm trong quản lý ATTP.

 Ảnh minh họa: Sở ATTP TP Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa: Sở ATTP TP Hồ Chí Minh

ATTP hiện đang trở thành một yêu cầu thiết thực của mỗi người dân, cộng đồng và cũng là đòi hỏi, yêu cầu, thách thức đổi mới đối với cơ quan quản lý về ATTP ở các địa phương. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển, hội nhập mạnh mẽ, ATTP là một đòi hỏi tất yếu, nhất là trong việc hình thành các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ người dân và xuất khẩu. Đòi hỏi này chỉ có thể giải quyết được bằng đẩy nhanh chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, quy trình, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm an toàn. Những kinh nghiệm và kết quả bước đầu của Sở ATTP TP Hồ Chí Minh đã khẳng định được tính hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn, xu hướng lấy công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm nền tảng, nâng cao hiệu quả quản lý và điều quan trọng là mang lại nhiều thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi vì, thực tế tồn tại lâu nay trong vấn đề quản lý ATTP luôn nóng ở nhiều địa phương là do lĩnh vực ATTP liên quan đến nhiều ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, nhiều loại mặt hàng, sản phẩm lương thực, thực phẩm; truy xuất sản phẩm trong chuỗi cung ứng chưa gắn với nền tảng số... Khi thực hiện các thủ tục, giải quyết các vướng mắc liên quan đến ATTP đòi hỏi phải liên hệ nhiều cơ quan, đầu mối quản lý, gây nên nhiều khó khăn, phức tạp. Khi xảy ra vi phạm, cơ quan quản lý về ATTP thường khó xử lý vì không chủ động nắm sát được quy trình sản xuất, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm...

Đẩy mạnh số hóa trong quản lý ATTP sẽ giúp cơ quan quản lý nắm rõ được luồng sản phẩm, chất lượng sản phẩm, quản lý chặt chẽ; ngược lại, các đơn vị trong chuỗi cung ứng có nhiều thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính. Số hóa ATTP cũng cần sự bắt tay, tham gia của chính doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong minh bạch thông tin, nguồn gốc, chất lượng trên dữ liệu số của cơ quan quản lý, giúp nâng cao giá trị thương hiệu, niềm tin đối với khách hàng, đối tác. Mặt khác, chính quyền địa phương trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số cần chú trọng, quan tâm hỗ trợ ngành quản lý ATTP chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo hiệu quả thiết thực, toàn diện phục vụ cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn sức khỏe nhân dân và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ, chất lượng cuộc sống ở địa phương mình.

ĐẶNG TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/so-hoa-an-toan-thuc-pham-783597