Số hóa công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng
Các cơ quan chuyên môn của TP HCM sẽ đẩy mạnh việc số hóa công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
Ngày 22-2, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phạm Đức Hải cho biết từ năm 2018 đến năm 2022, Thành ủy TP HCM đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử từ nguồn ngân sách thành phố, với tổng số 59 ấn phẩm sách. Các công trình này có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và thực tiễn, có giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết những kinh nghiệm mang giá trị thực tiễn đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra.
Hội nghị cũng nghe các đại biểu trình bày tham luận về cách làm hay, giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Theo bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cần Giờ, để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng thì các cấp, các ngành liên quan phải phối hợp đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất cao về nội dung và hình thức trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; đổi mới các phương thức tuyên truyền, giáo dục và giảng dạy lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng của dân tộc, của địa phương; đa dạng hóa các ấn phẩm lịch sử cho phù hợp với từng đối tượng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn, cho hay thời gian qua Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện đã đưa nội dung giảng dạy lịch sử Đảng bộ huyện Hóc Môn vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở như lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, các lớp sơ cấp lý luận chính trị.
Các trường học trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch lồng ghép tổ chức giảng dạy lịch sử Đảng bộ địa phương trong giờ học chính khóa hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa; bảo vệ, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP Hồ Chí Minh huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn.
Đổi mới công tác tuyên truyền
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng thời gian qua. Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở tiếp tục triển khai Chỉ thị 20. Đẩy mạnh đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể với nhiều hình thức phong phú, sinh động nhằm xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngoài ra, các cấp ủy chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng kết, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, cập nhật kết quả nghiên cứu mới; bổ sung những quan điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào các công trình nghiên cứu, các chuyên đề chuyên sâu, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian tới như chuyên đề về phòng chống dịch COVID-19, về truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh...
"Các cơ quan chuyên môn của thành phố, nhất là Ban Tuyên giáo Thành ủy cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học và Cục Khoa học chiến lược và Lịch sử Công an trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện đề án về công tác sưu tầm tư liệu, phỏng vấn nhân chứng lịch sử, số hóa tư liệu của Ban Thường vụ Thành ủy" - ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị.
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tặng bằng khen cho 26 tập thể, 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20.
Vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn
Chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện Chỉ thị 20, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM, cho hay Đảng ủy - Bộ Tư lệnh thành phố đã tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, đẩy mạnh vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Tích cực, chủ động mở rộng quan hệ, hợp tác, trao đổi nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học để có thêm nguồn tư liệu quý phục vụ công tác biên soạn. Đổi mới và thực hiện có hiệu quả việc phối hợp trong thực hiện các công trình, đề tài, hội thảo, trao đổi, nghiên cứu, tổng kết lịch sử nhằm bảo vệ tính đúng đắn, khách quan của thực tiễn lịch sử, tạo sự thống nhất trong quá trình đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm xuyên tạc, phủ nhận lịch sử truyền thống dân tộc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.