Số hóa để phục vụ thính giả tốt hơn

Theo kế hoạch, lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI - năm 2024 (do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp UBND tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thanh Hóa tổ chức) sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 11/7. Lễ bế mạc sẽ được tổ chức vào 20 giờ ngày 13/7 tại Nhà hát Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, từ ngày 24 đến 26/5, vòng sơ khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI đã được tổ chức trang trọng và chu đáo tại tỉnh Tuyên Quang. Kết quả, ban giám khảo đã lựa chọn được 228 tác phẩm (gồm: 53 tác phẩm phóng sự; 28 tác phẩm phỏng vấn, 30 câu chuyện truyền thanh, 48 chuyên đề phát thanh, 32 chương trình phát thanh tiếng dân tộc và 37 chương trình phát thanh trực tiếp) của 81 đơn vị lọt vào vòng chung khảo.

Số hóa ngành phát thanh là một nhu cầu cấp bách của báo chí hiện đại.

Số hóa ngành phát thanh là một nhu cầu cấp bách của báo chí hiện đại.

Còn nhớ, tháng 8/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV đã được tổ chức. Ở thời điểm đó, đất nước vừa trải qua đại dịch COVID-19 và những người làm phát thanh đã chứng minh được bất luận trong hoàn cảnh khó khăn nào họ vẫn đang ngày đêm giữ gìn và phát huy bản sắc của tiếng nói Việt Nam. Phóng viên các đài phát thanh vẫn lăn lộn trên mọi nẻo đường, cả trong những ngày đất nước thực hiện giãn cách bằng việc phát thanh trên các nền tảng, trên đa phương tiện, để thông tin vẫn không bao giờ gián đoạn, giúp chính quyền các địa phương ổn định tình hình xã hội, tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay với Nhà nước trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Ở Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI - năm 2024 này, một trong những điểm rất đặc biệt - đấy là năm đầu tiên hạng mục podcast được đưa vào để trao thưởng, với mong muốn khích lệ sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Điều này cho thấy: Podcast - một hình thức phát thanh online được nhiều đài phát thanh trên thế giới sử dụng, nhưng còn lạ lẫm với ngành phát thanh nước ta, thì nay đã được đưa vào ứng dụng để việc phục vụ thính giả ngày càng tốt hơn. Đó cũng là một minh chứng của quá trình hiện đại hóa nói chung, số hóa nói riêng, đang được tích cực triển khai mạnh mẽ trong ngành phát thanh của nước ta.

Thông tin trên nền tảng số phát triển ngày càng mạnh mẽ, các sản phẩm truyền thông tận dụng thế mạnh này để có được lượng công chúng lớn, báo chí cũng không ngoại lệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế báo chí đang là bài toán "nóng bỏng" mà báo chí trên toàn thế giới đang phải đối mặt.

Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Cùng với đó, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.

Riêng về phát triển các sản phẩm báo chí số, Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.

Ngay sau đó, đầu tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí (trực thuộc Cục Báo chí) với nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số trong Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đây là đầu mối quan trọng hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số.

Hiện đại hóa báo chí là một trong những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet".

Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đài phát thanh là loại hình báo chí chính thống được Nhà nước đầu tư phát triển. Ở thời điểm này và cả trong tương lai, phát thanh chắc chắn vẫn và sẽ là phương tiện thông tin đại chúng quan trọng vì tiện lợi, cơ động trong việc tiếp nhận; dễ dàng tương tác; công chúng có thể thể hiện mình trên sóng với cảm xúc chân thật.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/so-hoa-de-phuc-vu-thinh-gia-tot-hon-i737124/