'Số hóa' để quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Đoàn ngày càng được phát triển. Một trong những công trình, phần việc thanh niên góp phần 'làm mới' các di tích lịch sử là việc 'số hóa' tại các di tích, giúp quảng bá, giới thiệu về các địa danh, khu di tích lịch sử đến với người dân, cũng như khách trong và ngoài tỉnh.
Học lịch sử qua cách tiếp cận mới
Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, anh Bùi Đình Huy (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) lại đưa cả nhà đến một địa điểm trên địa bàn tỉnh để vui chơi, giải trí. Anh Huy cho biết: “Trong lần ghé thăm Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, tôi bất ngờ khi nhìn thấy các bảng giới thiệu khu di tích có bảng mã QR, chỉ cần quét mã, các thông tin về khu di tích hiện lên, thế là chính tôi trở thành hướng dẫn viên cho con, giới thiệu chi tiết về khu di tích này, khiến con vô cùng thích thú. Theo tôi quan niệm “Dân ta phải biết sử ta”, việc đến tham quan địa chỉ đỏ là cách hữu hiệu giúp trang bị kiến thức lịch sử cho con”.
Việc trang bị bảng giới thiệu về khu di tích lịch sử qua mã QR là cách làm sáng tạo của Phường đoàn Phú Lợi (TP. Thủ Dầu Một) trong công tác Đoàn, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Còn tại phường Hiệp Thành, Phường đoàn cũng đã thực hiện công trình “Chuyển đổi số trong quảng bá tuyến đường mang tên nhân vật lịch sử”. Theo đó, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dân quét mã QR thì thông tin về các nhân vật lịch sử gắn với tên con đường sẽ được hiện trên màn hình.
Việc có thêm phần giải thích, nói rõ về tên nhân vật được đặt cho tuyến phố, tuyến đường không chỉ giúp người dân tìm hiểu thân thế nhân vật lịch sử được đặt tên cho tuyến đường mà ngay cả các du khách cũng có thể hiểu thêm về các đường phố của địa phương, về lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, công trình được thực hiện song ngữ Việt - Anh, nhằm giúp du khách nước ngoài tìm hiểu những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Anh Lý Ngọc Minh, Bí thư Phường đoàn Hiệp Thành, cho biết: “Nhiều người cho rằng, trước đây, mỗi khi có đường mới được đặt tên, chính quyền thường hay tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh công cộng. Nhưng lâu nay, công tác này không được chú trọng. Vì vậy, cần thay đổi phương thức tuyên truyền, nội dung chú giải tên các tuyến đường cũng phải khác biệt với các công trình công cộng khác. Hiện tại, việc giới thiệu, quảng bá thông tin nhân vật lịch sử được đặt tên cho các tuyến đường trên địa bàn phường đang được thí điểm để tham khảo ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân và đoàn viên, thanh niên. Nếu được ủng hộ, Phường đoàn sẽ tiếp tục tham mưu triển khai trên tất cả các đường trên địa bàn phường”.
Cách làm sáng tạo
Chị Nguyễn Thanh Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết gắn với chủ đề công tác năm 2023, “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch chương trình công tác; trong đó chỉ đạo 100% các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc phối hợp xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ đặt trước các địa danh, di tích lịch sử. Các công trình nhằm tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch.
Hiện nay, Thành đoàn Thủ Dầu Một, Thị đoàn Bến Cát, Thành đoàn Tân Uyên là những đơn vị đi đầu trong công tác số hóa tại các địa chỉ đỏ. Cụ thể, Thị đoàn Bến Cát thực hiện công trình “Số hóa các di tích lịch sử” đặt tại Nhà truyền thống thị xã, Công viên văn hóa Đoàn Thị Liên, Chùa tổ Long Hưng, Di tích Bót Cầu Định, Di tích Địa đạo Tam giác sắt… Thành đoàn Tân Uyên thực hiện công trình “Số hóa địa chỉ đỏ” tại 12 di tích trên địa bàn như: Di tích cù lao Rùa, di tích Hưng Long Tự (chùa Bà Thao), di tích Nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa; di tích đình Tân Trạch; di tích Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên; di tích Chiến khu Vĩnh Lợi; di tích đình Vĩnh Phước; di tích đình Dư Khánh; di tích đình Bưng Cù; di tích miếu Ông (nơi hoạt động trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương); di tích đình Nhựt Thạnh; di tích Nhà cổ ông Dương Văn Hổ…
Ở cấp cơ sở, Phường đoàn Dĩ An (TP.Dĩ An) đã ra mắt công trình thanh niên “Số hóa địa chỉ đỏ” tại đình thần Dĩ An; Phường đoàn Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) thực hiện công trình “Bảng mã QR song ngữ giới thiệu về Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi”; Phường đoàn Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) có công trình “Chuyển đổi số trong quảng bá tuyến đường mang tên nhân vật lịch sử”…
Theo chị Nguyễn Thanh Thảo, việc số hóa tại các di tích, địa chỉ đỏ giúp đoàn viên thanh niên, người dân cũng như du khách đến với Bình Dương dễ dàng tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống. Qua đó, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ mai sau”…
Chị Nguyễn Thanh Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết gắn với chủ đề công tác năm 2023, “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch chương trình công tác; trong đó chỉ đạo 100% các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc phối hợp xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ đặt trước các địa danh, di tích lịch sử…