Số hóa giúp doanh nghiệp ngành dược vượt qua thách thức theo tiêu chuẩn mới
Theo các chuyên gia, tiêu chuẩn mới của ngành dược đang thiên về hướng quản lý rủi ro, sự chính xác của các quy trình, mức độ áp dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, một trong những vấn đề là làm thế nào để tuân thủ đúng quy trình đặt ra bên cạnh áp lực lớn mà doanh nghiệp đang đối diện về thị trường, giá cả, sử dụng vật tư hiệu quả, tiết kiệm năng lượng… Và số hóa quy trình sản xuất, vận hành đang được xem là giải pháp cấp thiết cho ngành dược để vượt qua thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chia sẻ tại hội thảo “Số hóa ngành dược – Giải pháp cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng FPT và Intel tổ chức sáng 7-7, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn BCIS, FPT IS cho biết người dân ngày càng lo ngại về việc di truyền bệnh tật và quan tâm nhiều hơn về vấn đề sức khỏe. Đây là một trong những động lực phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm Việt
Theo ông Sơn, năm 2019, số tiền bình quân người dân chi cho thuốc khoảng 75 đô la Mỹ, đến năm 2021 con số này đã tăng lên 95 đô la Mỹ. Bên cạnh đó, dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2045 đã tạo cơ hội cho ngành dược mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.
Mặt khác, việc sử dụng ngày càng nhiều trí tuệ nhân tạo trong việc nghiên cứu bệnh tật và phát triển một cách ồ ạt các loại thuốc mới đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành dược.
Đồng quan điểm, ông Trần Đức Trung, chuyên gia tư vấn cao cấp về sản xuất thông minh FPT IS, cho rằng càng ngày tiêu chuẩn mới của ngành dược đang thiên về hướng quản lý rủi ro, sự chính xác của các quy trình, áp dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, một trong những vấn đề là làm thế nào để tuân thủ đúng quy trình đặt ra bên cạnh áp lực lớn về thị trường, giá cả, sử dụng vật tư hiệu quả, tiết kiệm năng lượng… mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Ông Võ Anh Kiệt, Giám đốc IT phụ trách khu vực thị trường mới nổi Công ty dược phẩm STADA, cho rằng khi chuyển đổi số từ những cái có sẵn của doanh nghiệp, yếu tố quan trọng là sự tương thích, trong đó cần quan tâm đến con người. Con người có chấp nhận chuyển đổi không? Làm gì để chuyển đổi từ số hóa giấy tờ, đến quy trình sản xuất, vận hành. Cùng với mức độ cam kết của con người là những điều tác động đến chuyển đổi số.
Còn theo ông Nguyễn Đức Quế, Giám đốc Kênh đối tác, Intel Việt Nam, các công nghệ hiện nay đã có sẵn và đang ở mức độ “trưởng thành”. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có một tầm nhìn rõ ràng và chiến lược cụ thể trước khi bắt tay vào chuyển đổi số. Bởi sau khi xác định mục tiêu, các chuyên gia mới có thể khảo sát hiện trạng nhà máy, cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện có của nhà máy để từ đó vạch ra kế hoạch chuyển đổi và mức độ đầu tư tương ứng.
Ở góc độ chuyên gia cao cấp (dược học), PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết khoảng 10% số nhà máy sản xuất dược ở Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quản lý, thúc đẩy sản xuất, tối ưu chi phí. Doanh nghiệp cần tiên phong, lên tiếng đề xuất để các cấp quản lý nắm rõ nhu cầu và tạo điều kiện.