Số hóa hoạt động xét xử: Người dân ngồi nhà cũng biết diễn tiến tố tụng
Sau khi triển khai triển khai thành công việc số hóa, chuyển đổi số và mô hình Tòa án điện tử, TAND quận 1 đẩy mạnh việc xét xử số hóa các vụ án dân sự, hình sự bằng việc sử dụng phần mềm tranh tụng.
Mới đây, TAND quận 1, TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ án mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy đối với người mẫu Đinh Nhikolai cùng 12 bị cáo khác với "format" của một phiên tòa số hóa. Trước đó, trong phiên xử nam tài xế đánh người gần Bệnh viện Từ Dũ, tòa cũng áp dụng mô hình này.
Đây là một trong những bước tiến lớn của TAND quận 1 nói riêng và ngành tòa án nói chung trong việc chuyển đổi số công tác xét xử để phục vụ người dân tốt hơn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh sử dụng phần mềm tranh tụng, TAND quận 1 còn triển khai và xây dựng thành công các ứng dụng sinh trắc học để người dân tra cứu thông tin, theo dõi quá trình tố tụng; xác minh độ chính xác của văn bản mà tòa ban hành…
Nhiều tiện ích cho người dân
Hiện nay, TAND quận 1 đang triển khai kênh thông tin "Tòa án nhân dân quận 1" trên Zalo để cung cấp thông tin, tra cứu hồ sơ, quá trình tố tụng; sao y, trích lục cho đương sự; tiếp nhận các thông tin khiếu nại, tố cáo về hoạt động của TAND quận 1.
Khi cần tra cứu thông tin, người dân không cần phải đến tòa mà chỉ cần nhắn tin qua Zalo "Tòa án nhân dân quận 1" và cung cấp số hồ sơ, thông tin họ tên, CCCD; thông tin ủy quyền… Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ tại TAND quận 1 sẽ tra cứu thông tin hồ sơ trên hệ thống quản lý nội bộ và phản hồi lại cho người dân được biết.

Mã QR zalo "Tòa án nhân dân quận 1" được TAND quận 1 cung cấp đến người dân. Ảnh: SONG MAI
Anh Nguyễn Sỹ Pháp (32 tuổi, đại diện ủy quyền) cho biết, anh đã đến tòa nộp đơn ly hôn cho khách hàng và được tòa nhận cung cấp giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện, kèm theo mã QR zalo "Tòa án nhân dân quận 1".
Thay vì phải đến tòa theo ngày hẹn (ít nhất 7 ngày) và đợi nhận kết quả xử lý đơn, anh Pháp chỉ cần quét mã QR để tra cứu thông tin. Sau khi được cán bộ tòa án thông tin đơn khởi kiện đã được thụ lý, anh liền đến tòa án để nhận thông báo.
"TAND quận 1 hỗ trợ người dân tra cứu thông tin giải quyết đơn rất tiện lợi. Thay vì phải chờ đúng ngày hẹn đến nhận kết quả xử lý đơn, tôi chỉ cần quét mã QR để hỏi thông tin và biết được sớm hơn tình trạng xử lý đơn. Trong trường hợp cần chỉnh sửa, bổ sung đơn khởi kiện cũng có thể nhanh chóng bổ sung. Tiết kiệm công sức, thời gian đi lại" - anh Pháp chia sẻ.

Người dân quét mã định danh trên văn bản để đối chiếu văn bản phát hành với văn bản gốc đã được lưu trong hệ thống. Ảnh: SONG MAI
Cạnh đó, tại trụ sở TAND quận 1 đã lắp đặt hệ thống quét mã định danh trên văn bản mà tòa này phát hành. Các văn bản do TAND quận 1 đều được tổ số hóa đính kèm theo mã định danh khi phát hành, đóng dấu và lưu văn bản gốc trên hệ thống.
Khi nhận được văn bản ghi thông tin TAND quận 1, để xác minh đúng văn bản đó là giả hay thật, người dân có thể mang văn bản đến quét mã tại máy hoặc chụp văn bản gửi đến tài khoản Zalo của TAND quận 1. Nếu đúng là văn bản của TAND quận 1, văn bản gốc sẽ được hiển thị trên máy để người dân dễ dàng đối chiếu.
Chuyển đổi số là nhu cầu cấp bách
Theo ông Nguyễn Quang Huynh, Chánh án - Trưởng ban chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử TAND quận 1, việc số hóa để tạo ra những dữ liệu có giá trị được thực hiện trên nền tảng là các chỉ đạo mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước nói chung, và của ngành tòa án nói riêng. Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu: "Dữ liệu là trung tâm của chuyển đổi số" tại sự kiện ra mắt Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia.
Bên cạnh đó, việc số hóa cũng được xuất phát từ nhu cầu cấp bách và thiết thực trong quá trình công tác của từng thẩm phán, thư ký tại đơn vị. Trung bình mỗi thẩm phán thụ lý khoảng 150-200 hồ sơ/năm nhưng lại thiếu biên chế thư ký. Trong khi số lượng án thụ lý ngày càng nhiều với tính chất phức tạp và việc quản lý cả tiến trình tố tụng là không hề đơn giản.
Thực tế này đặt ra nhu cầu tối thiểu hóa công tác soạn thảo văn bản tố tụng và cần có một công cụ như một trợ lý giúp thẩm phán quản lý tổng lượng hồ sơ và tiến trình cụ thể của từng hồ sơ.

Chánh án TAND quận 1 Nguyễn Quang Huynh phát biểu trong hội nghị Trao đổi, học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số và tòa án điện tử với TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TRẦN LINH
Ông Huynh cho biết, việc số hóa được thai nghén từ cuối năm 2022 và đưa vào vận hành từ tháng 10-2023. Đến nay, các thẩm phán, thư ký đã sử dụng Hệ thống quản lý thông tin nội bộ và khai thác dữ liệu hồ sơ số một cách thông thạo. Chỉ cần máy tính kết nối mạng, với một cú nhập chuột, họ có thể quản lý và nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án của mình.
Hệ thống này giúp thẩm phán có cái nhìn tổng quan về tỉ lệ giải quyết án định kì; theo dõi quá trình tác động của từng hồ sơ, các bước tố tụng đã thực hiện, các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc mà không phải trực tiếp xem tài liệu giấy.
"Có thể nói việc chuyển đổi số không những thay đổi cách thức làm việc từ truyền thống sang không gian số, mà còn là cơ sở để đơn vị tái cấu trúc toàn bộ quy trình hoạt động theo hệ thống khép kín, thống nhất, xuyên suốt quá trình tố tụng. Nâng cao năng lực quản trị của đơn vị trên nền tảng số phù hợp với quy định về tố tụng và không ảnh hưởng đến sự độc lập xét xử của thẩm phán", Chánh án Nguyễn Quang Huynh nói.
Cũng theo ông, việc thực hiện số hóa đã giúp người dân đã tiết kiệm thời gian trong việc trích sao bản án, quyết định. Thông qua phần mềm tranh tụng, người dân đã dễ dàng tiếp cận tài liệu, chứng cứ được trình chiếu trong quá trình xét xử.
Trong thời gian tới, TAND quận 1 tiếp tục số hóa hồ sơ lưu trữ từ năm 1976 đến 30-9-2023. Phát triển hệ thống quản lý thông tin nội bộ như tích hợp và nâng cấp chương trình máy học, trí tuệ nhân tạo AI vào quy trình xử lý, đề xuất giải quyết hồ sơ toàn diện và triệt để hơn; xây dựng phòng làm việc, phòng xét xử ảo trên không gian mạng…
Phiên tòa số hóa là gì?
Đối với một phiên tòa số hóa, toàn bộ hồ sơ vụ án sẽ được số hóa và đưa vào trong phần mềm tranh tụng. HĐXX, luật sư và thư ký được trang bị máy tính kết nối với các màn hình lớn trong phòng xử. Thay vì sử dụng tài liệu giấy, các bên sẽ truy cập tài liệu thông qua phần mềm.
Quá trình xét xử, các tài liệu, chứng cứ sẽ được trình chiếu trên màn hình theo quá trình tố tụng để những người tiến hành và tham gia tố tụng theo dõi.
TAND hai cấp tại tỉnh Tiền Giang tham quan phòng xét xử số hóa tại TAND quận 1. Ảnh: TRẦN LINH
Phần mềm tranh tụng được TAND quận 1 xây dựng sẽ chạy trên máy tính bảng, điện thoại, cho phép thẩm phán, thư ký, luật sư thao tác trực tiếp trên màn hình, đánh dấu, chú thích và so sánh tài liệu ngay tại phiên tòa. Những tài liệu mới có thể được quét và cập nhật ngay vào hệ thống.
Lợi ích mang lại từ phần mềm tranh tụng có thể kể đến như tiết kiệm thời gian và nâng cao khả năng tranh tụng; giúp thẩm phán, luật sư có thể tra cứu tài liệu ngay lập tức.