Số hóa kho dự trữ quốc gia trong kỷ nguyên mới
Trong những năm qua, mặc dù đã quan tâm cải tạo, xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia (DTQG), nhưng các điểm kho chứa hàng vẫn còn lạc hậu về cơ sở hạ tầng, thiếu công nghệ bảo quản hiện đại..., gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả lưu trữ và ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, cấp bách. Do đó, việc số hóa hệ thống kho DTQG là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên mới của Dân tộc.
Hệ thống kho DTQG và những thách thức đặt ra
Trong những năm qua, hệ thống kho DTQG đã từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa để sẵn sàng thực hiện mục tiêu DTQG.
Theo Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), đến nay, các bộ, ngành đã xây dựng mới được 39 điểm kho DTQG theo quy hoạch được phê duyệt. Công suất của các kho chứa lương thực, vật tư, hàng hóa là 961.545 m2 kho; kho chứa xăng dầu, thiết bị y tế là 1.551.000 m3 tấn.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2011-2020 đã được Quốc hội, Chính phủ bố trí khoảng 1.890 tỷ đồng.

Công suất của các kho chứa lương thực, vật tư, hàng hóa là 961.545 m2 kho.
Theo Quyết định số 383/QĐ-BTC ngày 26/02/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục DTNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025, số lượng điểm kho của các chi cục DTNN khu vực không quá 171 điểm kho.
Qua thực tiễn cho thấy, nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng, cải tạo, sửa chữa hệ thống kho DTQG còn thấp. Thực trạng này dẫn tới hệ thống kho DTQG hiện nay chưa đồng bộ, nhỏ lẻ, dàn trải, nhiều kho đã xuống cấp; một số bộ, ngành phải tận dụng nhiều kho cũ để chứa hàng DTQG. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bảo quản hàng DTQG tại các điểm kho.
Hiện nay, phần lớn các kho DTQG được xây dựng từ nhiều năm trước đây bằng vật liệu truyền thống như tường gạch, mái bê tông, chỉ đáp ứng chức năng "che nắng, che mưa" đơn thuần, chưa được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ, kiểm soát độ ẩm hay công nghệ bảo quản tiên tiến.
Vào mùa hè, nhiệt độ trong kho có thể lên đến 35°C - 37°C, trong khi mùa đông có thể giảm xuống dưới 15°C, gây biến động lớn đến chất lượng vật tư, hàng hóa bảo quản như lương thực, vật tư cứu hộ, thiết bị y tế… Nhiều loại hàng hóa có yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường lưu trữ rất dễ bị hư hỏng, mất chất lượng khi không được bảo quản đúng quy chuẩn.
Độ ẩm trong kho cũng là vấn đề đáng lo ngại khi thường xuyên dao động theo môi trường bên ngoài. Nhiều khảo sát cho thấy, độ ẩm trong các kho dự trữ thường xuyên vượt ngưỡng 80%, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gạo, ngũ cốc, thiết bị điện tử, dệt may và các vật tư nhạy cảm với ẩm mốc.
Không chỉ vậy, hệ thống thiết bị phục vụ xuất nhập hàng chủ yếu vẫn là thủ công, tốn nhiều nhân công, mất thời gian và tiềm ẩn nguy cơ sai sót cao. Các thiết bị cân, đo, kiểm tra chủ yếu vận hành bán tự động hoặc hoàn toàn thủ công, chưa được tích hợp vào hệ thống quản lý dữ liệu. Điều này dẫn đến tình trạng khó kiểm soát chính xác tồn kho, mất nhiều thời gian trong kiểm kê, thiếu tính linh hoạt khi cần ứng phó khẩn cấp.
Ngoài các yếu tố trên, việc chậm cải tiến hạ tầng và công nghệ trong hệ thống kho DTQG sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trước hết là nguy cơ mất mát, suy giảm chất lượng hàng hóa, dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng trong các tình huống cấp bách như thiên tai, dịch bệnh, hoặc các biến động thị trường lớn.
Một yếu tố khác là việc thiếu công nghệ giám sát và cảnh báo sớm khiến quản lý kho kém hiệu quả, không phát hiện kịp thời sự cố (nhiệt độ, độ ẩm quá cáo, nấm mốc, hỏa hoạn, côn trùng...), làm tăng rủi ro an toàn và suy giảm chất lượng hàng hóa.
Đặc biệt, hệ thống vận hành thủ công không thể đáp ứng yêu cầu cấp phát nhanh, chính xác và minh bạch trong những tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh, khả năng truy xuất nguồn gốc tức thời và độ chính xác cao – điều mà các phương pháp thủ công không thể đảm bảo.
Số hóa kho DTQG để nâng cao năng lực dự trữ và quản lý nguồn lực
Để khắc phục những bất cấp nêu trên, cũng như phù hợp với tình hình mới, việc số hóa kho DTQG là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực dự trữ, tính linh hoạt và hiệu quả sử dụng nguồn lực DTQG. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần triển khai các nội dung sau:
Một là, ứng dụng công nghệ bảo quản hiện đại. Cần đầu tư hệ thống điều hòa không khí, điều chỉnh nhiệt độ - độ ẩm tự động, ứng dụng công nghệ bảo quản khí trơ (như nitơ), công nghệ sấy - hút ẩm tuần hoàn, để đảm bảo ổn định môi trường lưu trữ theo từng loại hàng hóa.
Đồng thời, nên triển khai hệ thống cảm biến IoT để theo dõi, ghi nhận và cảnh báo điều kiện kho dự trữ theo thời gian thực.

Sơ đồ: Đề xuất mô hình kho lạnh bảo quản gạo.
Hai là, tự động hóa quy trình xuất - nhập hàng DTQG. Trang bị các hệ thống băng tải, xe nâng tự động (AGV), cần trục trượt ray, cân điện tử thông minh và hệ thống camera nhận diện để đảm bảo an toàn, chính xác, tiết kiệm nhân lực và thời gian. Việc này giúp tăng năng suất lao động, giảm thiểu sai sót và tổn thất trong quá trình vận hành.
Ba là, số hóa quản lý kho DTQG. Áp dụng các phần mềm quản lý kho (WMS), tích hợp dữ liệu với hệ thống ERP cho phép theo dõi chính xác từng mã hàng, hạn sử dụng, vị trí lưu trữ và trạng thái hàng hóa. Ngoài ra, công nghệ blockchain có thể được xem xét để đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Bốn là, kết nối cơ sở dữ liệu liên ngành. Các kho dự trữ cần được kết nối dữ liệu với cơ quan điều phối Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, y tế, công ạn, quốc phòng để sẵn sàng phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh, chiến lược an ninh.
Một số kiến nghị, đề xuất
Để quá trình số hóa hệ thống kho DTQG đạt hiệu quả cao, đồng bộ, cần có chính sách đầu tư dài hạn và quy hoạch tổng thể từ cấp Trung ương đến địa phương. Để làm được điều này, tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau:
- Ưu tiên bố trí ngân sách cho việc đầu tư hiện đại hóa các điểm kho dự trữ theo tiêu chí công nghiệp, hiện đại, số hóa.
- Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc trong thiết kế, xây dựng và vận hành các kho DTQG.
- Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, vận hành và phân tích dữ liệu cho đội ngũ cán bộ kho.
Kết luận
Trong thời đại kinh tế số và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, kho DTQG không còn là không gian cất trữ đơn thuần, mà cần được xem là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái logistics - an ninh - phản ứng khẩn cấp của quốc gia.
Việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa hệ thống kho DTQG không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn hàng DTQG, mà còn giúp tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất ứng phó trong mọi tình huống. Đây không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà là chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực, y tế và quốc phòng trong bối cảnh toàn cầu đang biến động mạnh mẽ.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/so-hoa-kho-du-tru-quoc-gia-trong-ky-nguyen-moi.html