Số hóa kho tàng di sản, cần thêm nguồn lực xã hội

Việt Nam có kho tàng di sản đồ sộ gồm 3.500 di tích quốc gia, 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống...để có thể số hóa di sản, đưa công nghệ vào trải nghiệm văn hóa sẽ cần nhiều sự góp sức từ các nguồn lực xã hội.

Sáng 26/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức "Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch" với sự tham gia của hơn 120 đại biểu, lãnh đạo các cơ quan quản lý trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số gồm: Xây dựng nền tảng số và hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ; dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch; xây dựng bản đồ số về hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL. Ảnh: BTC

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL. Ảnh: BTC

“Chúng ta có một kho tàng di sản đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, hy vọng, thời gian tới, sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời, dựa vào đó để bảo tồn, duy trì", ông Cương nói.

Về vấn đề số hóa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với các ngành khác vì ngành này không chỉ phục vụ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn cơ hội phục vụ cho khoảng 8 tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới.

“Công nghệ thực tế ảo cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Đây cũng là sứ mệnh của ngành về bảo tồn di sản, đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Đưa di sản lên các nền tảng số

Chia sẻ về cách làm của tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải cho biết trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”; ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ

Trung tâm cũng phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số; Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...

Ứng dụng công nghệ quảng bá các di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bảo tàng. Ảnh: Thảo Ngân.

Ứng dụng công nghệ quảng bá các di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bảo tàng. Ảnh: Thảo Ngân.

Thư viện Tổng hợp tỉnh đã Scan, số hóa các tài liệu Hán nôm được sưu tầm với hơn 400.000 trang tài liệu có giá trị, tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại tại 187 làng, 923 họ tộc, 18 phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh.

Cần nhiều hơn đóng góp từ các nguồn lực xã hội

Ủng hộ cách làm của Thừa Thiên Huế, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục di sản văn hóa nhận xét, việc chuyển đổi số và đổi mới nội dung trưng bày bằng công nghệ là một xu thế tất yếu, đồng thời cần sự tham gia của các nguồn lực xã hội.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục di sản văn hóa. Ảnh: Thảo Ngân.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục di sản văn hóa. Ảnh: Thảo Ngân.

"Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số các di sản, Bộ VHTT&DL đang sửa đổi một số điều trong Luật Di sản để trình Quốc hội xem xét vào năm 2024. Trong đó, nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số về di sản văn hóa sẽ có quy định cụ thể hơn về những nội dung khuyến khích các nguồn lực xã hội để tham gia vào công cuộc số hóa di sản", bà Hiền cho biết.

"Tới đây, Bộ cũng sẽ ra một số bộ tiêu chí cho việc đưa các di sản lên môi trường số tuy nhiên vẫn đang trong lộ trình xây dựng và dự kiến thực hiện trong năm 2023", bà Hiền nói.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về các quyền lợi cụ thể của các nguồn lực xã hội khi tham gia bảo tồn, tôn tạo các di tích, bà Hiền cho biết: "Trong tương lai sẽ có quy định rõ hơn. Ví dụ có đề xuất khi doanh nghiệp tham gia tu bổ di tích hay hồi hương bảo vật sẽ được miễn một số loại thuế".

Số hóa tài nguyên trong bảo tàng

Từ thực tế huy động nguồn lực xã hội tham gia số hóa tài nguyên văn hóa, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết bảo tàng đã thành công ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật với Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA sau 2 năm ra mắt ứng dụng.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân.

Ông Minh cho biết đó là dự án hợp tác công - tư đầu tiên trong lĩnh vực số hóa bảo tàng, dự án xã hội hóa đầu tiên trong lĩnh vực di sản.

Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng trăn trở, trong khi chưa có chính sách ưu đãi nào nhằm thu hút nhà đầu tư công nghệ vào các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực di sản, thì thời hạn ký kết hợp đồng 5 năm/lần đối với một dự án xã hội hóa như dự án của Bảo tàng là quá ngắn. Do đó, rất cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, đặc biệt trong lĩnh vực phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên nền tảng số.

Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA

Đây là ứng dụng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết), kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông qua thiết bị định vị iBeacon.

Ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR hoặc mã số định danh tác phẩm. Khách tham quan có thể khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp và trực tuyến.

Thời lượng cho mỗi lần sử dụng iMuseum VFA là 8 giờ, với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha và Ý.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/so-hoa-kho-tang-di-san-can-them-nguon-luc-xa-hoi-post13277.html