Số hóa nông nghiệp: Kinh tế tập thể không đứng ngoài cuộc

Chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi lớn cho nền nông nghiệp Thái Nguyên, thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại, năng suất cao và thân thiện với môi trường. Những cách làm mới và thành quả hiện hữu là minh chứng cho hướng đi đúng đắn mà các hợp tác xã, tổ hợp tác đang triển khai.

Năm 2024, Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô (huyện Phú Lương) dưới sự dẫn dắt của anh Hoàng Văn Tuấn đã vinh dự giành danh hiệu “Vua chuyển đổi số nông nghiệp lần thứ nhất năm 2024” do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ Nông nghiệp - PTNT) trao tặng. Danh hiệu này đến từ sự tiên phong của anh Tuấn trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất chè tại Hợp tác xã ngay từ những ngày đầu.

Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô được thành lập ngày 22/2/2022, với 7 thành viên và hơn 20 hộ liên kết. Hợp tác xã hiện có 15ha chè, trong đó có 10,32ha chè VietGAP, tại nhiều xã của huyện Phú Lương như Yên Lạc, Tức Tranh… Hiện, Hợp tác xã đang sản xuất hơn 10 loại sản phẩm, với giá bán dao động từ 200 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/1kg. Riêng năm 2023, thu hoạch chè tươi của đơn vị đạt 30 tấn, tạo thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng cho mỗi hộ liên kết.

Ngay từ khi thành lập HTX, anh Hoàng Văn Tuấn bắt đầu tìm hiểu và đưa vào sử dụng nhật ký sản xuất điện tử Facefarm. Đây là một ứng dụng số giúp người dùng quản lý, truy xuất nguồn gốc, quy trình, chất lượng sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác. Anh Tuấn cùng các thành viên cập nhật lên hệ thống nhật ký điện tử quy trình sản xuất, quá trình chăm sóc, phát triển, thu hoạch trên diện tích chè của Hợp tác xã.

Nhờ đó, khi quét mã QR trên bao bì sản phẩm của Hợp tác xã, người mua có thể tìm được thông tin chi tiết vị trí các thửa đất trồng chè trên Google Map, nhật ký sản xuất của nông trại hiển thị bằng cả hình ảnh và video… Khi thông tin được minh bạch, khách hàng sẽ có trải nghiệm và niềm tin tốt đối với sản phẩm.

Anh Hoàng Văn Tuấn quả quyết: Đối với chiến lược phát triển sản phẩm, chúng tôi hướng đến không thay đổi về giá bán, nhưng gia tăng giá trị sản phẩm. Trong đó, chuyển đổi số là một nội dung giúp gia tăng giá trị sản phẩm về truy xuất nguồn gốc điện tử, giá trị nhận được của khách hàng sẽ tăng lên. Là một thanh niên trẻ trên địa bàn có diện tích chè lớn, tôi rất mong muốn có nhiều người trẻ, các hộ sản xuất khác có thể áp dụng nhật ký điện tử Facefarm hay các ứng dụng nhật ký điện tử khác vào sản xuất, để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Không chỉ các đơn vị mới thành lập, các HTX lâu năm và có tên tuổi cũng lựa chọn hướng chuyển đổi số từ sớm. Đơn cử như tại HTX chè Hảo Đạt, đơn vị đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói đến kinh doanh sản phẩm.

Quẹt thẻ chấm công, tính lương tự động, trả lương qua tài khoản không chỉ giúp HTX tiết kiệm thời gian và tăng độ chính xác trong quy trình làm việc, mà còn đảm bảo công bằng, minh bạch cho người lao động.

Cùng với ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, HTX còn đưa tất cả sản phẩm lên website: chetancuonghaodat.vn; hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn để tự giới thiệu sản phẩm và tiếp cận khách hàng.

Bán hàng theo phương thức hiện đại đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của đơn vị tăng từ 20% - 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%. Việc chuyển đổi số của Hợp tác xã cũng đem lại sự yên tâm cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm.

Bắt kịp xu thế phát triển, mỗi sản phẩm, loại hình nông nghiệp đang tự tìm hướng “số hóa” cho mình. Đối với anh Đinh Xuân Lợi, quyết định đầu tư gây dựng vườn lan hồ điệp khoảng 2 nghìn m2 tại phường Lương Sơn, TP. Sông Công, không chỉ là đam mê mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tế và mong muốn đổi mới hướng phát triển sản phẩm.

Anh Lợi chia sẻ, trước khi bắt tay vào trồng lan, anh đã mất 3 năm để đi khắp các vựa lan từ Nam ra Bắc, tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, ứng dụng số trong quản lý, chăm sóc lan. Anh cho rằng nhiều vùng khí hậu lân cận Thái Nguyên như Văn Giang (Hưng Yên), Hà Nội… có thể trồng lan hồ điệp thì mình cũng có thể.

3 tỷ đồng đầu tư ban đầu anh chủ yếu dùng xây dựng nhà lưới, trạm điện, máy làm lạnh, hệ thống điều hành, giống… Nhờ tỉ mỉ chăm sóc, đảm bảo điều kiện tốt nhất nên vụ hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, vườn lan của anh đã cung ứng ra thị trường 1,2 vạn chậu lan Hồ Điệp, tạo doanh thu trên 1,2 tỷ đồng.

Anh Lợi cho rằng chăm hoa đòi hỏi sự khéo léo, nhẹ nhàng và kiện nhẫn. Anh tâm niệm: “Muốn có những thứ người khác không có thì phải làm những thứ người khác không làm, đôi khi cũng chấp nhận thất bại”. Anh Lợi kỳ vọng mở rộng quy mô thêm khoảng 2-3 nghìn mét vuông, cung cấp ra thị trường khoảng 6 vạn hoa mỗi năm, doanh thu dự kiến khoảng 6-9 tỷ đồng một năm.

Không chỉ với hợp tác xã chè, tổ hợp tác hoa, việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp nhiều hợp tác xã nông nghiệp nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã miến Việt Cường là đơn vị mạnh dạn, chủ động đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP lên các sàn thương mại điện tử; đăng tải sản phẩm lên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo…, qua đó nâng cao khả năng sản xuất, doanh số kinh doanh, mở rộng quảng bá sản phẩm.

Năm 2023, doanh thu của Hợp tác xã đạt gần 16 tỷ đồng và tạo việc làm cho 30 lao động. Đơn vị cũng đã xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Lào… nhờ vào sự nỗ lực và chuyển đổi số của mình. Kinh doanh trên nền tảng số gặt hái được nhiều thành công, giúp Miến Việt Cường ngày càng mở rộng thị trường, có mặt tại 63 tỉnh, thành và trở thành nhà cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và nhà nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục khẳng định quan điểm “ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” trong phát triển kinh tế tập thể.

Từ những chủ trương lớn, Thái Nguyên, địa phương luôn trong top đầu của cả nước về chuyển đổi số, đặc biệt quan tâm đến số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương, đơn vị luôn đồng hành với hơn 760 HTX, hơn 4.500 tổ hợp tác trong chuyển đổi số.

Truy xuất nguồn gốc qua QR là cần thiết trong bối cảnh minh bạch hóa thông tin và hướng đến người tiêu dùng. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023 đã thực hiện hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc nông sản đối với sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đây chỉ là một trong số nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành với kinh tế tập thể trong chuyển đổi số.

Tuy nhiên, số hóa nông nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Tại Hội nghị “Thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, những rào cản và thách thức trong công cuộc số hóa nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương đang đối mặt đã được thẳng thắn đề cập như: nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, nông dân còn chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý…

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, kinh tế tập thể, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh, làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của chuyển đổi số. Trong đó tập trung chuyển đổi số gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Thông qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và xây dựng được các thương hiệu sản phẩm tốt, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202406/so-hoa-nong-nghiep-kinh-te-tap-the-khong-dung-ngoai-cuoc-edf227d/