Số hóa truyền hình | Khoa học đời sống TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
1. Khi triển khai Đề án số hóa, thì hạ tầng mạng lưới của Truyền hình cáp tương tự có sử dụng được để truyền tín hiệu số không? Nếu được thì có cần đầu thu không?
Trả lời:
Đề án số hóa truyền hình chỉ thực hiện đối với phương thức truyền hình mặt đất (tín hiệu truyền hình truyền lan qua sóng mặt đất) và không áp dụng cho truyền hình cáp. Do đó, khi thực hiện số hóa truyền hình mặt đất, việc thu xem truyền hình thông qua hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình cáp (cả TH cáp số và TH cáp tương tự) của người xem không bị ảnh hưởng.
Truyền hình cáp tại Việt Nam đang sử dụng cả công nghệ truyền hình tương tự và truyền hình kỹ thuật số. Đối với truyền hình cáp kỹ thuật số, người xem cần trang bị đầu thu truyền hình cáp số thì mới thu xem được tín hiệu truyền hình (lưu ý là đầu thu truyền hình cáp số hoàn toàn khác so với đầu thu truyền hình số mặt đất).
2. Trong giai đoạn chuyển đối từ truyền hình tương tự sang truyền hình số, làm sao để biết được TV nào đó có tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất? Dấu hiệu nhận biết TV có tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất?
Trả lời:
Theo quy định, máy thu hình có tích hợp chức năng DVB-T2 phải được gắn nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và biểu trưng truyền hình số DVB-T2. Trong nhãn hàng hóa có ghi dòng chữ: "Hỗ trợ thu truyền hình số mặt đất DVB-T2".
Biểu trưng số hóa là hình con mắt cách điệu có 3 màu Đỏ, Xanh lá cây, Xanh lam là 3 màu cơ bản của truyền hình như hình sau đây.
Biểu trưng số hóa truyền hình của Việt Nam được gắn riêng hoặc chung với nhãn hàng hóa trên sản phẩm, bao bì thương phẩm (dán trực tiếp lên TV hoặc hộp đựng TV).
3. Truyền hình số là gì? Truyền hình số làm việc như thế nào?
Trả lời:
- Trong truyền hình số, tín hiệu hình ảnh và âm thanh được truyền dẫn, phát sóng dưới dạng dòng dữ liệu số đã được xử lý (tín hiệu truyền hình số).
Tại phần thu (đầu thu truyền hình số DVB-T2 hoặc Tivi có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2), tín hiệu truyền hình số được chuyển đổi ngược lại thành hình ảnh và âm thanh.
- Tín hiệu truyền hình số có thể truyền theo 3 phương thức: phát sóng mặt đất (sử dụng anten thông thường), phát sóng qua vệ tinh (sử dụng anten vệ tinh), hoặc cáp (CATV, IPTV). Truyền hình số sử dụng phương thức phát sóng mặt đất được gọi là truyền hình số mặt đất.
4. Sử dụng truyền hình số mặt đất có phải mất tiền thuê bao hàng tháng như truyền hình cáp không? Trả lời: Sử dụng truyền hình số mặt đất có thể thu xem miễn phí nhiều kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của các Đài Trung ương và địa phương và các kênh không khóa mã khác.
Ngoài ra, truyền hình số mặt đất còn cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền. Để truy cập được các dịch vụ truyền hình trả tiền thì người xem truyền hình phải ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ và trả tiền phí thuê bao hàng tháng.
5. Gia đình tôi đang sử dụng truyền hình cáp (hoặc truyền hình vệ tinh, truyền hình IPTV) rồi thì có phải chuyển sang truyền hình số không?
Trả lời:
Truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình IPTV không bị ảnh hưởng bởi quá trình số hóa truyền hình mặt đất. Các thuê bao vẫn thu xem bình thường và không phải chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất.
6. Tại sao phải số hóa truyền hình mặt đất?
Trả lời:
Quá trình số hóa truyền hình mặt đất là tất yếu vì các yếu tố sau đây:
- Quá trình số hóa truyền hình mặt đất đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới vì các lợi ích mà nó mang lại;
- Truyền hình số đem lại nhiều lợi ích cho người xem như chất lượng cao về hình ảnh và âm thanh; nhiều kênh chương trình truyền hình được truyền miễn phí; Ngoài ra, truyền hình số còn có thể cung cấp thêm nhiều dịch vụ tiện ích khác như lịch phát sóng điện tử, truyền hình tương tác…
- Nhờ công nghệ truyền hình số mặt đất, nhiều kênh chương trình, dịch vụ truyền hình mới, chất lượng cao được phát sóng; công nghiệp nội dung, sản xuất chương trình truyền hình có điều kiện để phát triển; lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng được phát triển theo hướng chuyên môn hóa, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với truyền hình tương tự;
- Chuyển sang truyền hình số mặt đất, nguồn tài nguyên tần số vô tuyến điện được sử dụng rất hiệu quả vì một kênh tần số có thể truyền được nhiều kênh chương trình truyền hình số. Sau khi kết thúc quá trình số hóa truyền hình, một phần của băng tần UHF đang sử dụng bởi truyền hình sẽ được giải phóng. Đây là nguồn tài nguyên tần số quan trọng để triển khai các dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng mới. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
7. Khi chuyển sang truyền hình số mặt đất, máy thu hình cũ đang dùng có còn sử dụng được nữa không?
Trả lời:
- Để xem được truyền hình số mặt đất, người xem truyền hình cần trang bị thiết bị thu phù hợp là máy thu hình có chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc trang bị đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 và đấu nối vào máy thu hình cũ để xem được các kênh chương trình truyền hình trên truyền hình số.
8. Xin cho biết lợi ích của người xem truyền hình khi chuyển sang sử dụng truyền hình số?
Trả lời:
- Truyền hình số có chất lượng âm thanh, hình ảnh trung thực và sắc nét; không còn hiện tượng "bóng ma", "muỗi" như truyền hình tương tự.
- Truyền hình số cung cấp nhiều kênh chương trình xem miễn phí cho nhân dân. Nhiều kênh chương trình mới được phát sóng, trong đó có các kênh chương trình truyền hình độ phân giải cao (HDTV). Người xem được hưởng thêm các tiện ích khác, ví dụ như dịch vụ Hướng dẫn chương trình điện tử (EPG), truyền hình tương tác…
9. Truyền hình số là gì? Truyền hình số làm việc như thế nào?
Trả lời:
- Truyền hình số là công nghệ truyền hình mới cho phép truyền 20 kênh truyền hình với chất lượng hình ảnh, âm thanh cao hơn trên một kênh tần số (công nghệ truyền hình tương tự chỉ truyền được 01 kênh chương trình có chất lượng hạn chế).
- Tín hiệu truyền hình số có thể truyền theo 3 phương thức: phát sóng mặt đất (sử dụng anten thông thường), phát sóng qua vệ tinh (sử dụng anten vệ tinh), hoặc cáp (CATV, IPTV). Truyền hình số sử dụng phương thức phát sóng mặt đất được gọi là truyền hình số mặt đất.
10. Khi nào các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình bán thẻ giải mã sử dụng Tivi tích hợp cổng CI+.?
Trả lời:
Trong số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại Việt Nam hiện nay chỉ có AVG là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. AVG có thể cung cấp mô-đun giải khóa mã (CAM) và thẻ cho các thuê bao có TV tích hợp khe cắm CI+ để thu xem các kênh truyền hình trả tiền của AVG.
Quý vị có thể gọi tổng đài dịch vụ 1900 1900 của AVG để biết thêm thông tin chi tiết.
11. Khi chuyển sang số hóa truyền hình, người dân có phải đóng thuê bao hàng tháng không? Nếu có là bao nhiêu tiền/ tháng. Loại đầu thu kỷ thuật số trước đây có còn sử dụng được không? ( Độc giả Lương Khánh Ngọc - xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk)
Trả lời:
Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, các kênh truyền hình thông tin tuyên truyền thiết yếu sẽ không bị khóa mã. Các kênh truyền hình thông tin tuyên truyền thiết yếu bao gồm các kênh truyền hình của Trung ương và các kênh truyền hình của tỉnh, thành phố được quy định tại Thông tư 09/2012/TT-BTTTT. Khi thực hiện số hóa, các hộ dân có đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc máy thu hình có chức năng thu truyền hình số DVB-T2 có thể thu xem hoàn toàn miễn phí các kênh truyền hình thiết yếu trên sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và không phải đóng phí thuê bao hàng tháng.
Vì bạn chưa nói rõ loại đầu thu truyền hình số trước đây là loại đầu thu gì nên chưa thể có câu trả lời cụ thể cho bạn được. Nói chung, để thu xem truyền hình số mặt đất DVB-T2, người dân cần trang bị đầu thu truyền hình số DVB-T2 (STB) hoặc Tivi tích hợp tính năng thu DVB-T2 (iDTV). Các chủng loại đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T sẽ không thu xem được các kênh chương trình đang phát trên sóng DVB-T2.