Sở hữu hai cảng hàng không, Đà Nẵng hướng tới mục tiêu 'thành phố thông minh'
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn, việc phát triển cảng hàng không Đà Nẵng, Chu Lai phải hướng tới mục tiêu biến Đà Nẵng thành một thành phố thông minh và bền vững, tích hợp các giải pháp như giao thông thông minh và chuyển đổi năng lượng xanh.
Hàng không phát triển song hành cùng du lịch
Sáng 11/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn làm việc với UBND TP Đà Nẵng về phương án quy hoạch, phát triển sân bay Đà Nẵng và sân bay Chu Lai.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Đà Nẵng từ lâu đóng vai trò, vị thế quan trọng, trung tâm của khu kinh tế trọng điểm Trung. Giờ sáp nhập Quảng Nam, Đà Nẵng, đón cơ hội "hợp lực để vươn xa", phải rà lại quy hoạch phát triển chung. Trong đó, có xem xét các lĩnh vực kinh tế, các trụ cột của thành phố như khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, phát triển du lịch.
Thứ trưởng nhấn mạnh, hàng không phải phát triển song hành với du lịch. Du lịch mà không phát triển thì hàng không khó có bứt phá dù còn nhiều lĩnh vực khác như kinh tế đối ngoại, an ninh, quốc phòng…
Theo Thứ trưởng, cảng hàng không Đà Nẵng được định hướng đến năm 2023 đón 25 triệu lượt và 30 triệu lượt khách đến 2050. Còn cảng hàng không Chu Lai có định hướng mở hơn. Do đó, cần nghiên cứu để cảng hàng không Đà Nẵng hoạt động hiệu quả, hành khách đến đây thấy thuận lợi khi kết nối từ sân bay đến các khu du lịch.
Hai tỉnh về một nhà, Đà Nẵng muốn nâng công suất các nhà ga sân bay
Tại buổi làm việc, ông Trần Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất mở rộng, nâng công suất nhà ga sân bay Đà Nẵng. Cụ thể mở rộng nhà ga T1 (quốc nội), nâng công suất từ 6 triệu/năm lên 10 triệu khách/năm. Nhà ga T2 (quốc tế) từ 4 triệu lên 6 triệu khách/năm.

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc.
“Hiện Đà Nẵng đang triển khai ga hàng hóa 100.000 tấn hàng. Tuy nhiên, khi nhu cầu địa phương tăng trưởng, chỉ cần thay đổi công nghệ, cùng một diện tích có thể khai thác 200.000 tấn 300.000 tấn hàng. Do vậy không cần phải mở rộng diện tích đất quá lớn”, ông Vũ nói.
Ông Vũ cho rằng, với quy hoạch hiện nay nên điều chỉnh quy hoạch sân bay Chu Lai và ACV đề xuất tài trợ để thuê đơn vị tư vấn nước ngoài đánh giá tổng thể hai sân bay trên cơ sở mục tiêu chung của TP Đà Nẵng mới, đảm bảo điều kiện phát triển của địa phương đến 2050. Ông Vũ cho biết chỉ mất 70 – 80 ngày sẽ có sản phẩm quy hoạch.
Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thống nhất việc mở rộng nhà ga T1 và T2 sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Theo ông Nam, quy hoạch của hai sân bay Đà Nẵng và Chu Lai có khác nhau. Riêng sân bay Đà Nẵng đã triển khai rất sớm nên có một số nội dung không còn phù hợp, cần điều chỉnh.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, quan điểm của thành phố trước mắt ưu tiên cho khách quốc tế về sân bay Đà Nẵng. Nhưng về lâu dài cần sự chia sẻ từ sân bay Chu Lai. Sau sáp nhập, địa phương sẽ rà soát lại và có đề xuất thực hiện đồ án quy hoạch. Đồng thời, nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối giữa hai sân bay.

Một góc sân bay Đà Nẵng.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thống nhất và hoan nghênh ACV tài trợ hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và cảng hàng không quốc tế Chu Lai.
Thứ trưởng giao ACV trong tháng 9 trình lên Bộ Xây dựng.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển sân bay Đà Nẵng và Chu Lai phải hướng tới mục tiêu biến Đà Nẵng thành một thành phố thông minh và bền vững, tích hợp các giải pháp như giao thông thông minh và chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các bên liên quan phối hợp, tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai trong việc phát triển hai sân bay, xây dựng chính sách để thu hút đầu tư và phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và logistics.
Sau sáp nhập, Đà Nẵng là địa phương duy nhất có hai sân bay quốc tế đang vận hành. Theo định hướng, sân bay Đà Nẵng sẽ được nâng cấp lên sân bay cấp 4E, còn sân bay Chu Lai được định hướng thành sân bay cấp 4F (cấp cao nhất).
Hiện tại cả hai sân bay này đều là sân bay lưỡng dụng.