Sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp trong hội nhập
Sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp (DN) trong sản xuất hiện đại. DN dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dù ít hay nhiều đều liên quan đến SHTT, tuy nhiên một thực tế là rất nhiều DN lại chưa hiểu thấu đáo hoặc chưa quan tâm đến vấn đề này.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu sắc, các nền kinh tế lớn, tiên tiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề SHTT, đòi hỏi cộng đồng DN phải vượt qua rào cản này khi hợp tác làm ăn.
* SHTT giúp khẳng định năng lực DN
Theo các chuyên gia, SHTT được xem là một tài sản lớn, hữu ích của DN. Đặc biệt là quyền SHTT liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, nó có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Do đó, vai trò của quyền SHTT ngày càng được coi trọng hơn trong đời sống xã hội.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế VCCI chi nhánh TP.HCM lưu ý, không chỉ cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà ngay tại sân nhà, chúng ta cũng phải tính toán các giải pháp để giúp DN giữ thị phần trước các DN ngoại. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, để cạnh trạnh ngay trên “sân nhà”, sản phẩm Việt cần chú trọng tính minh bạch trong xuất xứ, cung cấp các thông tin liên quan đến sản phẩm trên nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, SHTT… Muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, DN trong nước cần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tái cấu trúc sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tăng cường tính kết nối giữa các DN, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương… là những giải pháp cần tính toán tới.
Theo ông Ngô Đắc Thuần (David Ngô), Phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ tại Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM, Chủ tịch Tập đoàn Ipplus thì trong quá trình phát triển, DN tạo ra và sử dụng rất nhiều quyền SHTT. SHTT liên quan đến nhiều công đoạn, từ phát triển đến thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến tiếp thị và thu hút nguồn vốn tài chính, xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh…
Trong khi các nước phát triển đặc biệt coi trọng SHTT, coi đó là tấm giấy thông hành để khẳng định năng lực DN thì ở Việt Nam lâu nay vẫn ngược lại. “Chúng ta vẫn thường đánh giá DN dựa trên tài sản hữu hình như: vốn, đất đai, tài sản… nhưng trên thế giới xu hướng đã thay đổi. Thực tế, nhiều DN khởi nghiệp hàng đầu của thế giới không đi lên bằng tài sản hữu hình như vậy mà bằng tài sản vô hình như: thương hiệu, phát minh sáng chế… Chính những tài sản vô hình này tạo nên sức sống, tương lai của DN và giúp họ phát triển rất nhanh” - ông David Ngô khẳng định.
Cũng theo ông David Ngô, do chưa có sự quan tâm thỏa đáng dẫn đến một thực trạng là chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm của chúng ta thuộc nhóm thấp nhất khu vực, mà R&D lại là chỉ số cho sự sáng tạo của nền kinh tế. Việc thiếu đăng ký quyền SHTT khiến cho sản phẩm sáng tạo của chính DN có khả năng bị “đạo nhái”. Đặc biệt là khi DN đã bắt đầu gặt hái được các kết quả thì phải đối mặt với những vấn đề khá nghiêm trọng như: sản phẩm, dịch vụ, giải pháp bị sao chép, làm giả, làm nhái nhưng không có cách nào bảo vệ. Nặng nề có thể dẫn đến thua lỗ, phá sản.
Câu chuyện “đạo, nhái” sản phẩm là trường hợp mà Công ty TNHH Ne Go (TP.Biên Hòa) vừa gặp phải. Anh Hoàng Văn Nguyên, Giám đốc công ty chia sẻ rằng DN của anh chuyên sản xuất chăn, drap, gối, nệm để cung cấp ra thị trường. Trong số các sản phẩm thì nhãn hàng nệm gối lông vũ mà công ty sản xuất được khách hàng rất ưa chuộng về kiểu dáng và chất lượng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng phản ánh cũng mua nệm gối lông vũ nhưng chất lượng không cao. Sau khi tìm hiểu thì phía DN mới nhận thấy đây không phải là sản phẩm của mình. Đối thủ cạnh tranh đã “mượn” kiểu dáng và tên gọi của sản phẩm để làm ra sản phẩm chất lượng thấp cung cấp cho thị trường. Vấn đề này khiến DN phải mất thời gian giải thích và trấn an khách hàng khi gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh như trên.
* Tấm giấy thông hành trong hội nhập
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương lớn nhất trên thế giới. Trong đó có nhiều thị trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề SHTT, nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực ngay từ đầu tháng 8 này.
EVFTA có mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực SHTT với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến trước đó, là thách thức rất lớn đối với DN Việt Nam trong quá trình thực thi.
Cam kết về SHTT trong EVFTA gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan đến dược phẩm, chỉ dẫn địa lý… Về cơ bản, các cam kết về SHTT của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành ở EU. Trong cam kết SHTT khi EVFTA có hiệu lực, về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan đến nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại các nước EU.
Về nhãn hiệu, Việt Nam và EU cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận, đồng thời cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm. Hiệp định này có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu nghi ngờ vi phạm quyền SHTT…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO & hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, quy định về SHTT cho thấy rất nhiều thách thức đối với DN Việt nhưng việc thực thi bảo hộ SHTT còn khó khăn hơn. Nếu DN không am hiểu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ khó nắm bắt hiệu quả các cơ hội đến từ hiệp định này.
* Cần sự nỗ lực chuẩn bị của DN và cơ quan quản lý
Những quy định khắt khe từ các hiệp định thương mại, chính sách bảo hộ của từng thị trường đòi hỏi từng DN, cộng đồng DN và cả nền kinh tế buộc phải thay đổi nhận thức về SHTT để có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình.
Đối với DN, ông David Ngô cho rằng cần tích cực chuẩn bị, thay đổi từ trong nhận thức lẫn hành động. Sự thiếu hiểu biết của DN về SHTT vô hình làm cho họ có thể gặp phải những sự cố đáng tiếc, nhất là vấn đề kiện tụng. Theo ông, với các sản phẩm thuộc sở hữu riêng của DN thì nên có bằng sáng chế hoặc các chứng nhận độc quyền được pháp luật quốc tế công nhận. Không cách nào khác DN phải tự đăng ký. Lời khuyên cho một dự án khởi nghiệp sáng tạo là trước khi bắt tay vào làm, hãy xem trước đó, nó đã được thế giới giải quyết như thế nào. Sau đó mới quyết định mua bản quyền sáng chế (licensing) và phát triển tiếp hay là tạo ra sáng chế mới dựa trên những sáng chế có sẵn rồi đăng ký bản quyền, biến nó thành tài sản hữu hình thuộc quyền sở hữu riêng của mình. DN nên xin bằng sáng chế của các nước phát triển, bởi nó sẽ là “giấy thông hành” cho sáng tạo Việt. Nếu có bằng sáng chế của Mỹ, châu Âu thì khả năng kinh doanh, kêu gọi vốn sẽ cao hơn, chuyện làm hàng nhái, hàng giả cũng khó xảy ra.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, trong EVFTA, các sản phẩm mang nhãn hiệu, sáng chế công nghiệp đến từ Việt Nam cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU. Tuy nhiên, mức chi phí khá cao và thủ tục đăng ký phức tạp nên đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm của DN.
Bên cạnh nỗ lực của DN thì để đảm bảo hỗ trợ DN thực thi có hiệu quả các cam kết về SHTT trong EVFTA, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách pháp luật phù hợp với các nội dung cam kết và tiếp tục triển khai các chính sách để nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT.