Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016: Sửa đổi để phù hợp thực tiễn
Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016. Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí, Sở TT&TT các tỉnh, thành và các đơn vị liên quan đã có những chia sẻ về quá trình thi hành Luật Báo chí 2016.
Thuận lợi nhiều, khó khăn không ít
Trong Báo cáo tóm tắt Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016, ông Lưu Đình Phúc- Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Luật Báo chí 2016 đã tạo điều kiện cho báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Những nội dung của Luật Báo chí 2016 về cơ bản phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.
Luật Báo chí quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên. Các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí cho biết các cơ quan hành chính nhà nước đã bước đầu tích cực phản hồi thông tin của cơ quan báo chí…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn có không ít bất cập. Đó là các nội dung: Quy định về báo chí in và báo chí điện tử; về việc thỏa thuận bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; quy định về phóng viên; về thẻ nhà báo, thẻ cộng tác viên; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; về cải chính trên báo chí….
Báo cáo nêu rõ một số tồn tại: Luật Báo chí quy định: “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Với định nghĩa này, chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa” tạp chí, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Luật Báo chí 2016 cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí…
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, hiện nay báo chí Việt Nam đang tồn tại một số vấn đề như: Lợi dụng chức vụ; quy định về việc trả lời báo chí của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với việc đưa thông tin một cách thời sự nhất; quy định về bản quyền thông tin còn nhiều bỏ ngỏ… Hiện nay mạng xã hội phát triển rất mạnh, có nhiều thông tin báo chí bị cắt gọn đưa lên mạng gây ảnh hưởng không nhỏ tới báo chí nói chung. Thực tế này cho thấy vấn đề bản quyền thông tin còn có nhiều lỗ hổng, cần được quy định cụ thể hơn.
Kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung
Cùng nêu ý kiến, ông Vũ Văn Tiến- Trưởng ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý về vấn đề mập mờ giữa nhân viên quảng cáo và phóng viên; trách nhiệm của Tổng Biên tập trong ký giấy giới thiệu; việc cấp thẻ nhà báo…
Ông Tiến cho rằng vấn đề rất cần xem xét hiện nay là việc các cơ quan báo chí mập mờ giữa nhân viên quảng cáo và phóng viên. Nhiều khi chính các nhân viên quảng cáo này đi xuống các xã, phường để gây khó dễ. Tổng Biên tập phải có trách nhiệm không được ký giấy giới thiệu cho nhân viên quảng cáo đi làm việc tại địa phương với vai trò phóng viên. Bên cạnh đó, việc công khai thẻ nhà báo lên mạng internet cũng là việc làm cần thiết. Qua đó có thể rà soát, nhận biết được đâu là người mạo dạnh, cũng như việc cấp thẻ nhà báo sai quy định. Đặc biệt, cần thu lại thẻ nhà báo của những người đã về hưu…
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đến từ các Sở TT&TT cũng đưa ra những vướng mắc, đồng thời đề xuất kiến nghị sửa đổi Luật Báo chí 2016. Sở TT&TT Hà Nội cho biết, Luật hiện nay có một số Nghị định ra đời trước năm 2016 nên còn có một số bất cập, chưa theo sát thực tiễn hiện nay, nên cần sớm sửa đổi, bổ sung. Việc quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, hay cấp phép bản tin cần có quy trình như thế nào cho phù hợp. Hiện nay, Sở TT&TT có vướng mắc trong việc thủ tục xin “họp báo”, cần có quy định cụ thể về thời gian trả lời…
Về phía Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cơ quan này cho biết TPHCM là đơn vị đầu tiên thành lập Trung tâm Báo chí, làm cầu nối giữa cơ quan báo chí với các cấp chức năng… Về thực hiện Luật Báo chí 2016, Sở TT&TT TPHCM kiến nghị việc cấp phép thẻ nhà báo cần được thông qua Sở để rà soát, nắm bắt tình hình; việc quy hoạch báo chí…
Một số địa phương cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định Điều 22 về văn phòng đại diện, phóng viên thướng trú cho chặt chẽ hơn. Có tình trạng nhiều văn phòng đại diện chỉ có Trưởng văn phòng ở tòa soạn Hà Nội và đưa các nhân viên hợp đồng làm nhân sự tại Văn phòng đại diện ở địa phương…
Sẽ có chế tài xử lý nghiêm
Qua thực tiễn quản lý, ý kiến của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các chủ thể khác có liên quan, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Bộ TT&TT nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động báo chí, phù hợp các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016; đặc biệt, đối với các vấn đề: Khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín báo chí và các địa phương; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đối với sai phạm của cơ quan báo chí; Tình trạng cơ quan, tổ chức, cá nhân của các cơ quan hành chính nhà nước cố tính “né” báo chí, không chịu cung cấp thông tin cho báo chí, không thực hiện trách nhiệm người phát ngôn hoặc cung cấp thông tin sai sự thật…
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, trong phần trao đổi với các đại diện nêu ý kiến cũng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ TT&TT có thể sẽ công bố danh sách thẻ nhà báo của các cơ quan báo chí để các cơ quan kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. “Trách nhiệm của các đồng chí Tổng Biên tập là rất quan trọng. Để xảy ra những trường hợp sai phạm, sắp tới có thể chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý cụ thể”…