Sợ liên cầu lợn, nhiều người 'tạm biệt' món tiết canh

Trước thông tin nhiều địa phương gần đây liên tục ghi nhận các ca mắc liên cầu lợn, không ít người có thói quen thường xuyên ăn lòng lợn, tiết canh đã bắt đầu dè chừng với món ăn này.

Anh Hữu Danh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ăn sáng bằng lòng lợn, tiết canh, từ lâu đã trở thành thói quen của anh. Trung bình, tuần nào anh Danh cũng phải ăn 2-3 bữa cháo lòng hoặc bún lòng, kèm theo bát tiết canh cho "đỏ". Nhưng dạo gần đây, liên tục nghe tin nhiều người nhập viện, tử vong vì mắc liên cầu lợn do ăn lòng lợn, tiết canh, anh Danh thấy lo lắng.

"Thay vì ghé quán cháo lòng, tôi chuyển sang ăn bún riêu, bánh cuốn, miến gà, phở bò,… để tránh rủi ro. Có lần thèm quá, tôi đành vào quán lòng, nhưng dặn chủ quán nấu chín thật kỹ, thay vì chín tới hay tái như mọi lần", anh Danh nói.

Chủ quán lòng đảm bảo lòng chín kỹ mới đem ra cho khách. Ảnh: NVCC.

Chủ quán lòng đảm bảo lòng chín kỹ mới đem ra cho khách. Ảnh: NVCC.

Anh Danh cho hay, hiện bản thân rất hạn chế đến quán lòng lợn, vì sợ vào quán thì chủ quán lại mời mọc, bạn bè rủ rê "làm thêm bát tiết canh cho đỏ" thì lại không "kìm" được.

Giống với anh Danh, anh Hoàng Long (Hà Đông, Hà Nội) cũng nghiện cháo lòng, tiết canh, nhiều năm nay. Anh Long cho biết, bản thân anh một tuần không ăn cháo lòng, tiết canh 1-2 lần thì "thèm không chịu được".

"Bây giờ tôi còn hạn chế lắm rồi, vì bị gan nhiễm mỡ, trước đây còn đều đặn tuần 3-4 bữa cơ. Hiện tôi chỉ duy trì 1 hoặc cùng lắm là 2 bữa/tuần. Ngoài lòng thì tôi đặc biệt thích ăn tiết canh. Đây là sở thích từ bé, tôi có thể ăn bất kỳ loại tiết canh gì như lợn, vịt, dê, thậm chí tiết canh chó, gà.

Gần đây, thấy báo chí thông tin nhiều ca nhiễm liên cầu lợn nên tôi cũng thấy lo lắng. Nhất là khi vợ con liên tục khuyên ngăn, cảnh báo không ăn tiết canh, tôi cũng hạn chế nhiều. Dự định sẽ bỏ hẳn tiết canh trong thời gian tới. Nếu thèm thì chỉ ăn lòng lợn đã được nấu chín kỹ", anh Long chia sẻ.

Không chỉ anh Long, anh Danh, theo tìm hiểu, trước thông tin nhiều địa phương gần đây liên tục ghi nhận các ca mắc liên cầu lợn, nhiều người có thói quen thường xuyên ăn lòng tái, tiết canh đã bắt đầu dè chừng với món ăn này.

Chủ quán lòng khuyên khách hàng "không ăn tiết canh"

Chị Minh Hoa, chủ một quán lòng ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, mấy ngày gần đây quán có vẻ vắng khách hơn. Chị Hoa cho rằng lý do là vì thời gian gần đây nhiều ca mắc liên cầu lợn nên mọi người có tâm lý lo lắng.

Một quán có các món ăn từ lòng lợn, tiết canh ở Hà Nội đang trong tình trạng vắng khách. Ảnh: Quỳnh Mai.

Một quán có các món ăn từ lòng lợn, tiết canh ở Hà Nội đang trong tình trạng vắng khách. Ảnh: Quỳnh Mai.

"Quán tôi bán đã lâu năm, nên chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Trước kia lòng lợn thường được luộc theo cách trần, luộc chín tới, nhưng vài năm gần đây thì đã được luộc theo cách khác. Lòng được nấu trong thời gian lâu nhưng vẫn giữ được độ giòn, ngon. Chính vì vậy khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm sẽ không có chuyện ăn phải lòng chưa chín. Riêng tiết canh thì quán có bán tiết canh hấp, ăn cũng rất đảm bảo", chị Hoa giải thích.

Chị Hoa cũng cho hay, gần đây khách vào quán chị thường có thói quen nhắc "lòng chín kỹ nhé". Cũng chính vì lý do này mà chị luôn chú trọng vào khâu chế biến, kể cả gan lợn cũng được luộc chín kỹ.

Còn chị Hà, chủ một quán ăn sáng lâu năm ở Cầu Giấy, nói: "Bây giờ khách hàng có vẻ sợ tiết canh nên từ lâu quán không còn bán món ăn này, chỉ tập trung vào các món lòng chín như lòng luộc, lòng rán, lòng xào,… Bản thân tôi là chủ quán cũng nhận thức được tiết canh tiềm ẩn nguy cơ như thế nào, nên dù ngon quán cũng nhất quyết không bán nữa".

Theo chị Hà, hiện một số khách hàng khi vào quán vẫn gọi món tiết canh, nhưng chị cũng thẳng thắn trả lời khách rằng không bán món này và cũng khuyên khách không nên ăn vì tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-lien-cau-lon-nhieu-nguoi-tam-biet-mon-tiet-canh-169250717123638127.htm