Số liệu tăng trưởng của Trung Quốc bị nghi ngờ
Báo cáo tăng trưởng của Trung Quốc từ lâu đã quá tốt đẹp. Liệu có thể tin vào các số liệu thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ như vậy không?
Số liệu tăng trưởng của Trung Quốc thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Getty
Không cần phân tích phức tạp cũng thấy Trung Quốc đang có mô hình hồi phục kinh tế tốt hơn hầu hết các nước khác hiện nay. Chỉ cần nhìn vào các trung tâm mua sắm nhộn nhịp, những con đường kẹt cứng vào giờ cao điểm và những địa điểm du lịch đông đúc trong những ngày lễ.
Nhưng nếu chỉ cần những quang cảnh đông đúc là đủ để khẳng định rằng Trung Quốc đang làm tốt, thì đó là chủ quan và vội vàng. Câu hỏi cần được làm rõ: chính xác là tốt như thế nào? Như thường lệ khi xem xét dữ liệu của Trung Quốc, câu trả lời thường gây tranh cãi. Cục thống kê quốc gia Trung Quốc thường báo cáo chỉ số GDP quý III vào ngày 19 tháng 10.
Các nhà phân tích kỳ vọng mức tăng trưởng khoảng 5% so với một năm trước, sự phục hồi mạnh mẽ từ những khó khăn của quá trình kinh tế chững lại vì đại dịch, và đáng nể hơn khi phần lớn thế giới chìm trong suy thoái.
Tuy nhiên, một số người cho rằng dữ liệu tăng trưởng chính thức của năm nay quá lạc quan, đặc biệt khi mà Trung Quốc đã áp dụng kế hoạch phong tỏa thuộc hàng nghiêm ngặt nhất trên thế giới trong quý đầu tiên. Rất may, những bí ẩn vẫn có thể được giải đáp. Nghiên cứu được công bố trong những tuần gần đây đã làm sáng tỏ những gì đang thực sự diễn ra.
Sự nghi ngờ đối với dữ liệu của Trung Quốc là điều không hề mới mẻ: có lẽ công bằng mà nói ít có nhà kinh tế nghiêm túc nào lại tin tưởng vào số liệu tăng trưởng chính xác của quốc gia này. Thay vào đó, họ chia làm hai nhóm.
Một nhóm nghĩ rằng dữ liệu chính thức quá mức trơn tru, nhưng bức tranh toàn cảnh thì không quá sai lệch, bởi vì chính phủ đôi khi phóng đại GDP và đôi khi lại thu nhỏ nó. Nhóm thứ hai lại cho rằng có sự thao túng một chiều khi mà các nhà nghiên cứu của Trung Quốc liên tục thổi phồng quy mô nền kinh tế.
Nghiên cứu mới được cả hai phe đưa ra. Bắt đầu với những hoài nghi từ cả hai phía, được chứng minh rõ nhất trong một báo cáo của công ty tư vấn Capital Economics vào tháng 9. Các nhà phân tích của Capital Economics là Julian Evans-Pritchard và Mark Williams, cho rằng dữ liệu của Trung Quốc có vẻ không trung thực kể từ năm 2012. Trước đó, tăng trưởng thường xuyên vượt xa chỉ tiêu.
Kể từ năm 2012, chỉ số GDP đã được tinh chỉnh phù hợp với các mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Và các chuyên gia thống kê không còn sửa đổi đáng kể các ước tính ban đầu. Mọi thứ có vẻ hơi quá hoàn hảo.
Trong khi tăng trưởng thực tế (tức là tăng trưởng đã được điều chỉnh theo lạm phát) suôn sẻ một cách đáng ngờ, thì tăng trưởng danh nghĩa lại biến động. Hơn nữa, những nhân tố cố định để tính toán tăng trưởng thực dường như đã được nâng lên.
Trong nhiều năm, thành phần xây dựng trong chỉ số GDP đã dịch chuyển tương ứng với ngành sản xuất xi măng. Nhưng từ năm 2014 đến năm 2018, một khoảng trống lớn đã xuất hiện vì việc xây dựng vượt lên trước.
Trong quý đầu tiên của năm nay, khi Trung Quốc bị phần nào bị hạn chế di chuyển, thành phần vận tải của GDP vẫn phục hồi bất chấp sự suy giảm về lưu lượng hàng hóa và hành khách. Vì vậy Capital Economics đã phát triển một mô hình “đại diện hoạt động của Trung Quốc” để đánh giá tốc độ tăng trưởng. Việc các nhà phân tích sử dụng các nguồn dữ liệu thay thế để đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đã là một truyền thống lâu đời.
Trong mô hình mới nhất của mình, Messrs Evans-Pritchard và Williams bao gồm đưa ra 8 chỉ số, từ doanh số bất động sản đến hàng hóa cảng biển. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Trong khi GDP chính thức tăng 48% theo giai đoạn cộng dồn từ năm 2014 đến năm 2019, họ đặt mức mở rộng thực sự ở mức 33%.
Các nhà nghiên cứu của Trung Quốc có thể nhìn về một hướng ít ai ngờ tới để nhận sự bào chữa: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
John Fernald, Eric Hsu và Mark Spiegel, các nhà kinh tế tại chi nhánh của Fed tại San Francisco, cũng đã xây dựng một mô hình đại diện cho sự tăng trưởng của Trung Quốc, sẽ được đưa ra trong thời gian sắp tới, trong đó sử dụng các chỉ số như kỳ vọng của người tiêu dùng và đầu tư tài sản cố định.
Họ cũng kết luận rằng tăng trưởng chính thức đã êm đềm một cách đáng kinh ngạc kể từ năm 2013. Nhưng họ nhận thấy rằng tốc độ tăng trưởng thực sự nhanh hơn trong khoảng một nửa thời gian và chậm hơn nửa thời gian còn lại.
Bài kiểm tra quan trọng đối với các mô hình đại diện này là liệu chúng có cung cấp thông tin chi tiết về quỹ đạo của Trung Quốc, điều đã không được đề cập trong dữ liệu GDP chính thức hay không. Cả hai mô hình đều vượt qua bài thử nghiệm. Những thăng trầm trong cách đánh giá của họ làm rõ những thay đổi định kỳ trong các chính sách tài khóa và tiền tệ của Trung Quốc hơn sự phát triển ổn định đến mức kỳ lạ của GDP chính thức.
Các nhà kinh tế của Fed đặt mô hình của họ cho một thử nghiệm khác, xây dựng nó phù hợp với số liệu nhập khẩu của Trung Quốc được đo lường bằng số liệu xuất khẩu báo cáo bởi các đối tác thương mại - hay nói cách khác, một nguồn dữ liệu hoàn toàn độc lập khỏi tiềm năng điều chỉnh của Trung Quốc.
Ở các quốc gia có số liệu thống kê đáng tin cậy, tăng trưởng nhập khẩu thường biến động chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng của GDP. Đó là đối với mô hình của họ - không phải với GDP chính thức.
Điều này nghĩa là dữ liệu của Trung Quốc là không trung thực? Không. Các nhà kinh tế của Fed nhận thấy rằng số liệu thống kê của Trung Quốc, ngoại trừ GDP thực, đã dần trở nên đáng tin cậy hơn.
Các nhà phân tích của Capital Economics kết luận rằng vấn đề chủ yếu xảy ra trong việc chuyển đổi các số liệu danh nghĩa thành các số liệu thực; các nhà thống kê dường như sử dụng tỷ lệ lạm phát thấp quá mức khi tính toán tăng trưởng thực tế để chính phủ có thể đạt được mục tiêu của mình.
Các phương pháp đánh giá danh nghĩa đáng tin cậy hơn và điều đó rất quan trọng trong việc đánh giá, chẳng hạn như, gánh nặng nợ của Trung Quốc hoặc quy mô nền kinh tế của nước này so với Mỹ.
Đáng tiếc là, các mô hình đưa ra những giải thích tương đối khác biệt về nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Capital tin rằng sự chậm lại trong quý đầu tiên rõ ràng hơn nhiều so với báo cáo của chính phủ, trong khi các tính toán của Fed cho thấy nó không nghiêm trọng như vậy.
Tuy nhiên, cả hai đều đồng ý về điểm nổi bật nhất: đã có một sự phục hồi lớn kể từ quý đầu tiên. Những con phố đông đúc và những cửa hàng ồn ào không hề nói dối.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-lieu-tang-truong-cua-trung-quoc-bi-nghi-ngo-post103753.html