Số lượng ĐH Việt Nam trên BXH thế giới chỉ 'loanh quanh' 5-6 trường
Từ năm 2018-2019 đến nay, số lượng các trường đại học Việt Nam trên BXH thế giới có tăng, nhưng không nhiều, 'loanh quanh' chỉ 5-6 trường.
Đây là kết luận được đưa ra từ kết quả nghiên cứu về chủ đề “Xếp hạng đại học: hướng đi nào cho Việt Nam” của nhóm tác giả Tiến sĩ Bùi Vũ Anh và Thạc sĩ Ngô Nhật Tiến (Viện Đảm bảo Chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tại Diễn đàn về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 do Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 27/10 tại Hà Nội, đại diện nhóm tác giả Thạc sĩ Ngô Nhật Tiến đã có những chia sẻ về kết quả nghiên cứu về xếp hạng đại học.
Cụ thể, nghiên cứu trình bày bức tranh tổng quan về kết quả xếp hạng đại học của các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới; so sánh với kết quả của một số nước trong ASEAN. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề ra một số kinh nghiệm góp ý giúp các trường đại học Việt Nam có cơ hội và nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng.
Theo đó, nhóm tác giả nghiên cứu đến từ Viện Đảm bảo Chất lượng cho rằng, xếp hạng đại học chỉ là một hình thức để đối sánh và so sánh chất lượng. Khi sử dụng kết quả hoạt động của các trường đại học để xếp hạng, nhóm chuyên gia nhấn mạnh tới tính trung thực trong công khai dữ liệu, tránh việc cố tình “make up” dữ liệu (làm đẹp dữ liệu - PV); đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý dữ liệu một cách khoa học, tạo thuận lợi cho quá trình tham gia các bảng xếp hạng.
Thạc sĩ Ngô Nhật Tiến chia sẻ, xếp hạng đại học là một cách giúp cho trường đại học giải trình với xã hội, qua đó có thể tạo dựng uy tín, danh tiếng và thu hút được nguồn lực cùng người học. Được kiểm định chất lượng hay xếp hạng, đối sánh cũng là một trong những phương pháp để các cơ sở dạy học so sánh mình với một bộ tiêu chuẩn hoặc so sánh mình với các đơn vị khác.
Về phân loại các bảng xếp hạng, nhóm nghiên cứu cho biết có hai hình thức phân loại là bảng xếp hạng tự động và bảng xếp hạng yêu cầu tham gia.
“Bảng xếp hạng tự động sử dụng các dữ liệu do tổ chức xếp hạng tạo ra hoặc dữ liệu từ bên thứ ba. Do đó, bảng xếp hạng tự động có ưu điểm là số lượng trường được xếp hạng rất là lớn. Tuy nhiên cũng có một nhược điểm là sẽ không tận dụng hết được các nguồn dữ liệu, trong đó có nguồn dữ liệu lớn nhất là do các cơ sở giáo dục đại học cung cấp.
Trong khi đó, bảng xếp hạng yêu cầu tham gia điển hình như QS, Times Higher Education, THE Impact Rankings - sử dụng nhiều nguồn dữ liệu hơn thông qua việc kết hợp các thông tin mà các trường công khai và những thông tin do chính các trường đăng ký tham gia gửi. Theo đó, các phương pháp đánh giá và tiêu chí đánh giá của các bảng xếp hạng này cũng rộng hơn, đánh giá được nhiều khía cạnh hơn về chất lượng của một cơ sở giáo dục”, Thạc sĩ Ngô Nhật Tiến khẳng định.
Chưa tới 10 trường đại học Việt Nam được xếp hạng trên các bảng đại học thế giới uy tín
Trình bày kết quả nghiên cứu về số lượng các trường đại học và vị trí của các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng như QS, Times Higher Education, THE Impact Rankings, đại diện nhóm tác giả cho biết: Từ 2018 - 2019, khi bắt đầu có các trường Việt Nam tham gia bảng xếp hạng thế giới dưới hình thức đăng ký tham gia, số lượng các trường đại học có tham gia có tăng, nhưng không nhiều.
“Loanh quanh chỉ có 5-6 trường, bao gồm 2 Đại học Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Duy Tân, Tôn Đức Thắng, và mới đây có thêm Đại học Huế”, Thạc sĩ Ngô Nhật Tiến nêu nhận định.
Ngoài ra, nhóm tác giả cũng thực hiện đối sánh về số lượng trường xếp hạng và vị trí của xếp hạng của Việt Nam so với một số trường trong khu vực.
Theo đó, Thạc sĩ Ngô Nhật Tiến cho biết trong cả 3 bảng xếp hạng (QS, Times Higher Education, THE Impact Ranking), ở Việt Nam đều có chưa tới 10 trường được xếp hạng.
“Trong khi đó, nhìn lại thì các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan đều có số lượng trường xếp hạng rất lớn. Với các quốc gia này, xếp hạng là một xu thế, không chỉ mang tính truyền thông, mang tính gia tăng uy tín mà còn là một hình thức để các trường của các quốc gia này giải trình với xã hội về vị trí của các cơ sở giáo dục đại học này trên bản đồ thế giới, khu vực”, đại diện nhóm tác giả Viện Đảm bảo Chất lượng bày tỏ.
Nhận định về nguyên nhân, nhóm tác giả cho rằng điều này xuất phát từ một phần nguyên nhân các trường đại học Việt Nam đều có tâm lý e ngại, cho rằng việc xếp hàng thế giới thường rất khó.
Phân tích chi tiết kết quả của các trường đại học Việt Nam được xếp hạng, nhóm tác giả cho biết tỷ lệ giảng viên, sinh viên hầu hết của các trường đều đang thấp hơn so với nhóm xếp hạng.
Nguyên nhân do 5 trường của Việt Nam đang được xếp hạng trong bảng QS đều là những trường có quy mô lớn - trên 12.000 người học nên việc cân đối tỷ lệ giảng viên sinh viên được cho là “khá vất vả” so với những trường quy mô nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, tỉ lệ người học quốc tế của Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với các nhóm trong khu vực và trên thế giới. Lý giải nguyên nhân, nhóm tác giả cho biết có một phần đặc thù do các chương trình đào tạo của các trường Việt Nam vẫn dùng tiếng Việt nên khó thu hút được người học ở nước ngoài đến.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng cho rằng, vẫn có khá nhiều điểm sáng trong kết quả xếp hạng. Ví dụ như kết quả về uy tín tuyển dụng hay kết quả tuyển dụng của các trường Việt Nam đều được đánh giá rất cao. Cùng với đó là những trường có truyền thống lâu đời như hai đại học quốc gia, các chỉ số về uy tín học thuật, mạng lưới nghiên cứu quốc tế được đều đánh giá khá tốt.
Chuyên gia đề xuất giải pháp giúp các trường tham gia bảng xếp hạng
Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã tổng kết một số kinh nghiệm, giải pháp nhằm tư vấn cho các trường có nhu cầu tham gia xếp hạng hoặc định hướng để gia tăng vị trí xếp hạng.
Thạc sĩ Ngô Nhật Tiến cho biết, các trường có quy mô đào tạo lớn là một lợi thế trong tăng cường uy tín, nhưng lưu ý cần đảm bảo về tỷ lệ giảng viên/người học.
“Những trường có quy mô lớn luôn có điểm về tỷ lệ giảng viên/sinh viên thấp hơn so với trường quy mô nhỏ. Tỉ lệ giảng viên quốc tế, người học quốc tế cũng tương tự. Với các trường có quy mô lớn hơn, việc tăng thêm một vài sinh viên quốc tế sẽ không có ảnh hưởng nhiều, song với trường quy mô nhỏ thì những thay đổi này lại mang lại chỉ số gia tăng lớn hơn”, đại diện nhóm tác giả phân tích.
Từ đó, nhóm tác giả đến từ Viện Đảm bảo Chất lượng khuyến nghị, với các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ nên tập trung vào năng suất, chất lượng nghiên cứu và quốc tế hóa.
Với cơ sở giáo dục đại học có truyền thống, quy mô lớn thì nên thúc đẩy kết nối mạng lưới học giả và các nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, nhóm tác giả đề xuất cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng theo nhóm các trường đại học, tập trung lĩnh vực mũi nhọn để gia tăng xếp hạng theo lĩnh vực. Đa dạng trong lĩnh vực nghiên cứu cũng là lợi thế khi tham gia xếp hạng thế giới. Tham gia các bảng xếp hạng phát triển bền vững (THE Impact Rankings, QS Sustainability) là xu thế trong giải trình trách nhiệm xã hội.
Đề xuất giải pháp cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, Thạc sĩ Ngô Nhật Tiến chia sẻ 4 giải pháp lớn:
Thứ nhất, lựa chọn bảng xếp hạng căn cứ trên thực lực, thế mạnh.
Thứ hai, xây dựng chiến lược xếp hạng dài hạn, bền vững, không nên phát triển nóng vì có thể gây ra nhiều hệ lụy lâu dài.
Thứ ba, đảm bảo cơ cấu đào tạo sau đại học để nâng cao chất lượng đội ngũ cho tổng thể giáo dục Việt Nam.
Cuối cùng, quản lý dữ liệu đảm bảo chất lượng khoa học nhằm giảm thời gian, công sức cho hoạt động xếp hạng.
Cũng chia sẻ về chủ đề xếp hạng đại học tại diễn đàn, Tiến sĩ Mai Thị Quỳnh Lan - Trưởng phòng Đào tạo và bồi dưỡng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho biết, trên thế giới, các trường tham gia các bảng xếp hạng khác nhau theo tinh thần tự nguyện. Trong đó, với những bảng xếp hạng quốc tế lớn, Tiến sĩ Quỳnh Lan nhận định, chỉ nhóm các trường đại học hàng đầu thế giới, trường “top” như Harvard được xếp hạng.
Do đó, đưa ra khuyến nghị cho các trường đại học nhỏ như Việt Nam, chuyên gia nhận định không nhất thiết phải “ngồi” vào những bảng xếp hạng rất cao cấp, thay vào đó các trường có thể xem xét các bảng xếp hạng dành cho trường đại học trẻ, các bảng trường chuyên ngành để thấy được vị trí của cơ sở giáo dục so với khu vực và trên thế giới.