Số lượng sản phẩm được ứng dụng là 'thước đo thành công' của Nghị quyết 57

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển Đặng Huy Đông, 'phần thưởng quan trọng nhất' của giới trí thức khoa học và công nghệ là sản phẩm được sử dụng, thay vì nằm trên giấy. Số lượng sản phẩm khoa học và công nghệ được ứng dụng vào cuộc sống chính là 'thước đo' thành công của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Sáng 29.4, VUSTA tổ chức Hội thảo Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại hội thảo, các đại biểu đều bày tỏ tin tưởng, Nghị quyết số 57-NQ/TW sẽ tạo đột phá lớn cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới; điều quan trọng là phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống với các giải pháp, hành động cụ thể.

Sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu chuyên gia

Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học và hợp tác quốc tế VUSTA Lê Công Lương cho biết, VUSTA đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhằm quán triệt Nghị quyết và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chính; phân công rõ nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm với đánh giá thi đua.

 Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học và hợp tác quốc tế VUSTA Lê Công Lương phát biểu.

Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học và hợp tác quốc tế VUSTA Lê Công Lương phát biểu.

Cụ thể, trong năm nay, VUSTA sẽ xây dựng 4 đề án. Một là, Đề án Chuyển đổi số của Liên hiệp Hội Việt Nam, bao gồm: xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư thiết bị; triển khai Văn phòng điện tử (e-Office); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung, bao gồm cơ sở dữ liệu chuyên gia; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, điều hành; đào tạo nâng cao năng lực số; phát triển hệ thống điều hành trực tuyến.

Hai là, Đề án Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Liên hiệp Hội Việt Nam; theo đó, thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng chính sách thúc đẩy khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển; đổi mới giải thưởng, hội thi, Olympic; xây dựng thư viện số tri thức khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo.

Ba là, Đề án Thúc đẩy hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội Việt Nam, gồm các hoạt động: nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện; xây dựng cơ chế hỗ trợ tư vấn, phản biện; mở rộng mạng lưới chuyên gia; ứng dụng công nghệ số trong tư vấn; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đồng thời nhân rộng mô hình tư vấn hiệu quả.

Bốn là, Đề án Thúc đẩy hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ của Liên hiệp Hội Việt Nam, gồm các hoạt động: truyền thông chính sách khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; tổ chức chương trình "bình dân học vụ số"; phát triển mô hình truyền thông khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ số trong phổ biến tri thức; vinh danh cá nhân, tổ chức tiêu biểu...

Kinh phí thực hiện các đề án từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, lồng ghép từ nguồn các hoạt động hàng năm. Dự kiến, khi được thông qua, ngay trong năm 2025 VUSTA, sẽ triển khai Đề án về chuyển đổi số; 3 đề án còn lại sẽ triển khai trong giai đoạn 2026 – 2030.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tạo lập môi trường lành mạnh cho sản phẩm khoa học và công nghệ

Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA Phạm Văn Tân đề xuất, Đảng, Nhà nước cần thể chế hóa nhiệm vụ giao cho VUSTA. Đó là phổ biến kiến thức; tư vấn, phản biện; nghiên cứu ứng dụng, triển khai khoa học và công nghệ vào cuộc sống; tôn vinh trí thức; hợp tác quốc tế. “Phải sớm có văn bản chính thức của Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cụ thể, như thế mới có cơ hội tiếp cận nguồn lực để triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ”.

Cũng theo ông Tân, cần nghiên cứu ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và Luật Phổ biến kiến thức. Hiện, các nước ASEAN đều có Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp.

 Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA Phạm Văn Tân phát biểu.

Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA Phạm Văn Tân phát biểu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển Đặng Huy Đông cho rằng, “phần thưởng quan trọng nhất” của giới trí thức khoa học công nghệ là sản phẩm phải được sử dụng. Số lượng sản phẩm khoa học và công nghệ được ứng dụng vào cuộc sống, được tham gia thị trường chính là “thước đo” thành công của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Càng có nhiều nhà khoa học, nhà phát minh trở thành triệu phú, tỷ phú từ sản phẩm được thương mại hóa thì tất yếu đất nước sẽ cất cánh phát triển, ông Đông tin tưởng.

Muốn vậy, “không có gì ngoài thị trường, thị trường và thị trường; phải tạo lập thị trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng”. VUSTA cần có Chương trình thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ. Cùng với đó, cần có chính sách để khuyến khích nhà khoa học, trí thức, kể cả trong các cơ quan quản lý nhà nước, tinh thần đổi mới sáng tạo. Nếu mỗi sáng kiến chứng minh có hiệu quả sẽ được trích thưởng ở mức nhất định sẽ tạo thành phong trào làm giàu cho đất nước bằng trí tuệ, sự sáng tạo, ông Đông phát biểu.

Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao đề xuất, để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò của trí thức nhằm tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội; khơi dậy tinh thần tự hào và trách nhiệm của trí thức khoa học và công nghệ. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển và sử dụng trí thức; có các mô hình hợp tác 3 bên (viện, trường - doanh nghiệp - Nhà nước) để thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu khoa học; tránh tình trạng sử dụng trí thức mang tính hình thức.

Đặc biệt, theo ông Rao, cần phải xây dựng môi trường làm việc thuận lợi cho trí thức sáng tạo, thông qua phát triển các câu lạc bộ trí thức theo từng chuyên ngành để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại công nghệ, sàn giao dịch công nghệ. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức; xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp, kỹ năng thực hành trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật mới nổi...

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/so-luong-san-pham-duoc-ung-dung-la-thuoc-do-thanh-cong-cua-nghi-quyet-57-post411864.html