Số lượt nghe sách nói và sách điện tử tăng 200%
Ngày 16-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, cùng Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024, đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025.
Năm 2024, số đầu xuất bản phẩm in ước đạt 41.000 (giảm 2,97% so với năm 2023); xuất bản phẩm điện tử tăng mạnh, đạt 4.050 đầu (tăng 120,7%), chiếm 8,9% tổng số xuất bản phẩm – vượt 2,3% so với chỉ tiêu năm. Đặc biệt, thị trường sách nói đạt quy mô doanh thu 102 tỷ đồng, với số lượt nghe sách nói và sách điện tử tăng 200% so với năm trước. Tổng doanh thu hoạt động xuất bản và phát hành sách năm 2024 ước đạt 8.700 tỷ đồng.
Hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong ngành xuất bản. Trước hết, một số cơ quan chủ quản chưa thực sự chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và giám sát nhà xuất bản. Điều này dẫn đến việc chậm phát hiện và xử lý các xuất bản phẩm vi phạm hoặc có nội dung nhạy cảm. Khi xảy ra sai phạm, sự phối hợp giữa các bên liên quan còn yếu, gây khó khăn trong khắc phục hậu quả.
Công tác quy hoạch nguồn nhân lực cũng chưa được quan tâm đúng mức. Một số nhà xuất bản thiếu sự chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo kế cận, dẫn đến tình trạng kiêm nhiệm hoặc không đủ nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn. Đội ngũ biên tập viên dù trẻ hóa nhưng còn nhiều hạn chế về trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện đại.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với các nhà xuất bản còn mờ nhạt, thậm chí bị xem nhẹ. Nhiều nơi coi nhà xuất bản như đơn vị in ấn mà không chú trọng vai trò xây dựng giá trị tri thức. Một số nhà xuất bản không được giao nhiệm vụ cụ thể, thiếu định hướng về đề tài, kinh phí và giám sát, dẫn đến hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài.
Sự đầu tư nguồn lực chưa tương xứng khiến các nhà xuất bản có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trụ sở xuống cấp, hoạt động chuyển đổi số còn chậm chạp. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình làm sách và quản lý xuất bản chỉ được thực hiện ở một số ít đơn vị, gây khó khăn trong cạnh tranh và phát triển bền vững.
Nguyên nhân của những hạn chế này bắt nguồn từ việc cơ quan chủ quản chưa gắn kết hiệu quả chức năng của nhà xuất bản với nhiệm vụ chung. Đồng thời, ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn của một số lãnh đạo nhà xuất bản còn chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi đội ngũ biên tập viên thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Hội nghị cũng đề xuất nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư và quản lý hiệu quả hơn trong công tác xuất bản, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời gian tới.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/so-luot-nghe-sach-noi-va-sach-dien-tu-tang-200-post778100.html