Sở, ngành TP.HCM đề xuất cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM
Nhiều dự án ở cấp quận không thể thực hiện do không thể chủ động bố trí vốn, các sở ngành TP.HCM đề xuất cơ chế tài chính đặc thù cho TP trong nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54.
Chiều 27-9, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát về tình hình thực hiện nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch- Đầu tư TP.HCM.
Nhiều dự án dang dở do không thể chủ động bố trí vốn
Tại đây, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận không còn là cấp ngân sách, mà trở thành đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, làm giảm tính chủ động trong điều hành quản lý ngân sách của cấp quận phường, tăng áp lực rất lớn lên Sở Tài chính và UBND cũng như HĐND TP.
Trong khi đó, các bộ, ngành Trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị.
Trường hợp phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận, phường thuộc quận phải đề xuất UBND, HĐND TPHCM xem xét, giải quyết.
Sở Tài chính cho hay, sở này phải giải quyết một lượng công việc khổng lồ, điều chỉnh dự toán ngân sách với hơn 1.400 đơn vị sử dụng ngân sách thuộc UBND 16 quận. Cán bộ, công chức của sở cũng gặp nhiều áp lực về khối lượng công việc.
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai nói thêm, với khó khăn về ngân sách như trên, các quận không thể chủ động bố trí vốn được cho các dự án. Hiện nay, nhu cầu đầu tư của các quận hơn 1.600 tỉ đồng, trong đó các dự án chuyển tiếp là gần 1.000 tỉ đồng.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, việc thực hiện nghị quyết 131 khiến các quận không chủ động được nguồn vốn để bố trí cho các dự án đầu tư công thuộc ngân sách quận trước đây, đã được quyết định đầu tư và đang triển khai thực hiện, có thể dẫn đến nguy cơ làm các dự án bị chậm tiến độ do không được bố trí vốn kịp thời.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư của các quận hơn 1.600 tỉ đồng, trong đó các dự án chuyển tiếp là gần 1.000 tỉ đồng.
Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù
Trước những khó khăn đã nêu ra, cả hai sở đề xuất, trong nội dung nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54, cần bổ sung nội dung cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế tài chính đặc thù.
Cụ thể, UBND quận là đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TP.HCM có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách.
Bên cạnh đó, UBND quận thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Phòng Tài chính – Kế hoạch quận thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tài chính cấp huyện.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng lưu ý, dù có khó khăn thì trong lĩnh vực đầu tư các sở phải đảm bảo các quy trình thực hiện, khi làm rồi thì triển khai thực hiện sao cho có kết quả.
Ông Dũng nói, thời gian tới, các dự án ở cấp cơ sở đã được duyệt, cấp vốn mà chạy không ổn thì sẽ rất kẹt.
“Ngày xưa kẹt còn có HĐND cấp quận để gỡ, nhưng giờ kẹt mà chạy lên tới HĐND TP trên này thì quy trình sẽ lâu và dài hơn, bước đi cũng dài hơn, khoảng cách cũng dài hơn”- ông nói và nhấn mạnh thêm, quá trình dự toán cho từng dự án một cũng phải làm cho chặt chẽ, bài bản hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư, chủ đầu tư, người thi công thực hiện các dự án đảm bảo năng lực như thế nào, kể cả quyết toán các dự án.
Ông Dũng cũng cho rằng, hai sở cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho địa phương trong việc sử dụng vốn trong đầu tư, thực hiện tốt hơn nữa nghị quyết này.
Nguồn PLO: https://plo.vn/so-nganh-tphcm-de-xuat-co-che-tai-chinh-dac-thu-cho-tphcm-post700540.html