Số người chết do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria có thể tăng gấp đôi
Quan chức Liên Hợp Quốc dự báo số người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 có thể 'tăng hơn gấp đôi', trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát dù đã qua 'khoảng thời gian vàng'.
Guardian đưa tin, ông Martin Griffiths, Điều phối viên Cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc, ngày 11/2 dự đoán trong những ngày tới sẽ có thêm hàng chục nghìn người chết được báo cáo sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
“Tôi nghĩ rất khó để ước tính chính xác vì chúng ta cần phải tìm kiếm dưới đống đổ nát, nhưng tôi chắc chắn (con số thương vong) sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn thế nữa”, ông Griffiths cho biết.
CNN dẫn thông báo của Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết tính đến ngày 11/2 (giờ địa phương), tổng số người thiệt mạng ở hai quốc gia đã lên tới 28.192 người, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ có 24.617 người thiệt mạng. Tại Syria, số người thiệt mạng được xác nhận là 3.575 người, trong đó có 2.167 người ở các khu vực do phiến quân kiểm soát ở phía tây bắc.
"Thật là sốc khi nghĩ rằng trong những ngọn núi đổ nát này vẫn còn rất nhiều người bị mắc kẹt, một số người trong đó có thể vẫn còn sống. Chúng tôi chưa thực sự thống kê số người thiệt mạng", ông Griffiths nói.
Quan chức này nói thêm rằng khoảng thời gian 72 giờ sau thảm họa thường là “khoảng thời gian vàng” để giải cứu. Mặc dù hiện tại đã qua thời gian này, nhưng những người sống sót vẫn đang được kéo ra khỏi đống đổ nát.
“Vô cùng khó khăn để quyết định khi nào nên dừng giai đoạn giải cứu này", ông nói, đồng thời cho biết đang phát động một chiến dịch kéo dài 3 tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ trang trải chi phí cho các hoạt động giải cứu.
Về tình hình cứu trợ ở Syria, ông bày tỏ hy vọng các hoạt động giải cứu và viện trợ sẽ tiếp cận cả các khu vực do chính phủ và phe đối lập nắm giữ, nhưng mọi thứ "vẫn chưa rõ ràng".
Trước đó, ngày 11/2, ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, cho biết các cuộc đàm phán đang tiếp tục để tiếp cận nhiều khu vực hơn ở Syria và kêu gọi “đoàn kết” trong nỗ lực cứu trợ.
“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng, đã đến lúc gạt mọi vấn đề chính trị sang một bên. Chỉ cần tập trung vào những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang rất cần sự giúp đỡ ở Syria và miền nam Thổ Nhĩ Kỳ", ông Dujarric tuyên bố.
“Tại những khu vực chúng tôi tiếp cận, chúng tôi đều phải làm việc với cơ quan chức năng. Đó là quy định về cách viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, tại các vùng lãnh thổ do phiến quân nắm giữ, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền ở đó; còn trong các khu vực do chính phủ nắm giữ, chúng tôi làm việc với chính phủ", quan chức này cho biết.
Trong một diễn biến liên quan, giới chức Áo, Đức cho biết lực lượng cứu hộ của hai nước này tạm ngừng hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ do "tình hình an ninh xấu đi".
Người phát ngôn quân đội Áo Michael Bauer ngày 11/2 cho biết đã có xô xát giữa các nhóm không xác định tại tỉnh Hatay - khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo BBC, hàng chục nhân viên của Đơn vị Cứu trợ Thảm họa Lực lượng Áo phải tìm nơi trú ẩn trong một trại dã chiến cùng với các tổ chức quốc tế khác.
Trong khi đó, Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật Liên bang Đức (TSW) và ISAR Germany, tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ nạn nhân trong các thảm họa thiên nhiên, cũng đưa ra quyết định tương tự với lý do lo ngại về an ninh.
"Ngày càng có nhiều báo cáo về các cuộc đụng độ giữa các phe phái và đã có tiếng súng", người phát ngôn ISAR Germany Stefan Heine cho biết.
Ông Steven Bayer, Giám đốc điều hành của ISAR Germany, dự đoán tình hình an ninh sẽ xấu đi khi nguồn cung cấp thực phẩm và nước trở nên khan hiếm hơn. Tuy nhiên, các nhóm cứu hộ của Đức cho biết sẽ tiếp tục hoạt động ngay khi các cơ quan bảo vệ dân sự Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá "tình hình đủ an toàn".