Số người chết trong vụ núi lửa phun trào ở Indonesia tiếp tục tăng

Thiệt hại về người trong vụ núi lửa Semeru trên đảo Java, Indonesia phun trào tiếp tục tăng, trong khi chính quyền nỗ lực công tác cứu hộ.

Tính đến sáng 7/12, Indonesia đã ghi nhận 22 người thiệt mạng, 22 người vẫn mất tích và 56 người bị thương sau vụ núi lửa Semeru phun trào tại tỉnh Đông Java. Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia (BNPB) cho biết có tới hơn 5.200 người dân chịu ảnh hưởng từ vụ núi lửa phun trào, trong đó có hơn 2.000 người phải sơ tán khỏi nhà và hiện sống tạm tại 19 khu lán trại cứu hộ.

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể người gặp nạn ra khỏi hiện trường. Ảnh: Reuters

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể người gặp nạn ra khỏi hiện trường. Ảnh: Reuters

Sau thảm họa, Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Indonesia Tri Rismaharini đã có mặt tại huyện Lumajang – nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất – để chỉ đạo hoạt động cứu trợ lương thực, cung cấp đồ dùng thiết yếu, mở các bếp ăn công cộng cho người dân mất nhà cửa. Quân đội, cảnh sát, Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai địa phương cùng các tình nguyện viên ưu tiên sơ tán người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ mang bầu... tới những nơi an toàn hơn.

Chính quyền huyện Lumajang đang chuyển đổi thêm nhiều trường học thành nơi sơ tán tạm, nhằm tránh tình trạng quá tải người trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Các bệnh viện, trung tâm y tế tại tỉnh Đông Java tiếp tục nỗ lực cứu chữa người bị thương, trong khi Tổng cục Điện lực Indonesia đang cố gắng khôi phục đường điện tại nhiều khu vực.

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa Vật lý Indonesia (BMKG) triển khai hàng loạt thiết bị giám sát thời tiết, môi trường để phòng ngừa khả năng núi lửa Semerun phun trào trở lại, cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Dự kiến ngày 7/12 nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng sẽ có mặt tại tỉnh Lumajang để thị sát tình hình.

Ngày 4/12, núi lửa Semeru – ngọn núi cao nhất trên đảo Java – đã “tỉnh giấc”, phun khí nóng và mưa tro bụi khiến người dân hoảng loạn, một số người thiệt mạng vì bỏng. Vụ phun trào cũng gây tổn thất lớn về nhà cửa và cơ sở hạ tầng giao thông công cộng ở huyện Lumajang, trong đó cây cầu nối huyện này với thành phố Malang bị phá hủy hoàn toàn.

Núi lửa Semeru đã phun trào từ năm 1818 nhưng chưa từng gây thiệt hại về người.

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động và thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất, phun trào núi lửa./.

Võ Giang/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/so-nguoi-chet-trong-vu-nui-lua-phun-trao-o-indonesia-tiep-tuc-tang-909949.vov