Số người chết vì Covid-19 tăng kỷ lục: Mỹ trước thử thách nghiêm trọng
Nước Mỹ đang đứng trước thử thách nghiêm trọng khi New York chứng kiến số người thiệt mạng vì dịch Covid-19 tăng kỷ lục.
Mỗi con số, một khuôn mặt
Chỉ riêng tại New York, số người mắc Covid-19 trong ngày 8/4 đã lên tới 150.000 người. Con số chính thức này dù đủ sức gây choáng váng cho cả nước Mỹ nhưng giới chức bang New York cảnh báo đây vẫn có thể là con số thấp hơn nhiều con số thực tế.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã ra lệnh để cờ rủ trên toàn bang để tưởng nhớ các nạn nhân của dịch Covid-19. Ông Cuomo nhấn mạnh: “Mỗi con số là một khuôn mặt. Covid-19 đã tấn công vào những người yếu ớt, dễ bị tổn thương nhất và nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ cho họ”.
Dù vậy, người đứng đầu bang New York vẫn lên tiếng trấn an người dân rằng, nhìn chung, tình hình vẫn khá khả quan. Ông Cuomo viện dẫn số người nhập viện mới và nhiều chỉ số khác cũng đã giảm như một bằng chứng cho thấy yêu cầu giãn cách xã hội đã có tác dụng trong việc “làm phẳng đường cong” và giúp kiểm soát tình hình lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Cuomo dự báo, số người tử vong vì Covid-19 sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới do có nhiều bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch và đã phải sử dụng máy thở trong nhiều ngày qua.
Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện ở New York, các bác sỹ và y tá cho biết, họ không khỏi đau buồn khi chứng kiến nhiều người già yếu và thậm chí cả một số thanh niên khỏe mạnh mắc Covid-19, ban đầu còn khá ổn nhưng chỉ một lúc sau đã tử vong.
Bà Diana Torres, y tá tại Bệnh viện Mount Sinai, chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân mới lúc trước còn rất ổn vậy mà khi chúng tôi vừa quay đi thì đã ngừng thở. Chúng tôi rất hoang mang và sợ hãi khi bước chân vào phòng bệnh nhân”.
Không chỉ tại New York, các bác sĩ tại nhiều bang khác của Mỹ cũng phải đối mặt với nỗi sợ hãi tương tự và một thực tế đáng buồn khác là nhiều người trong số họ vẫn phải điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 trong khi bản thân đã bắt đầu cảm thấy có dấu hiệu mắc bệnh nhưng không được xét nghiệm.
Tại Michigan, một trong số ít các bang đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng cho các bác sỹ, nhân viên y tế bị nghi ngờ mắc Covid-19 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, có tới hơn 700 trường hợp các y, bác sỹ được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng lo ngại hơn, con số này chiếm tới hơn 25% số y bác sỹ được xét nghiệm,
Chính vì thế, tình trạng thiếu hụt các kit xét nghiệm Covid-19 dành cho các y, bác sỹ trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh tại hầu hết các bang của Mỹ đã được Giáo sư Art Caplan tại Đại học New York Grossman mô tả là “một thảm họa” có thể đẩy các bệnh nhân mà họ đang chữa trị rơi vào vòng nguy hiểm.
Mỹ liệu có gượng dậy được?
Đáng lo ngại hơn, giới chức Mỹ đã cảnh báo, đây là tuần “chết chóc nhất” trong đợt dịch Covid-19 và dù các trường đại học ở Mỹ đã công bố mô hình mới về dịch bệnh này sau khi Mỹ tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội với số ca tử vong giảm tới 26% so với trước đó, con số 60.000 vẫn là “rất đáng quan ngại”.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, quan chức phụ trách nhóm công tác phòng chống dịch Covid-19, cảnh báo: “Chúng ta đang ở giữa tuần khó khăn nhất”. Dù vậy, ông Pence cũng lên tiếng trấn an rằng: “Chúng ta đã thấy những hy vọng dù là mong manh nhất đang le lói”.
Trong bức tranh đầy màu xám của Mỹ giữa đại dịch Covid-19, điều bất ngờ là Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang quan tâm đến một mục tiêu rất khác biệt. Thay vì đề cập đến các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh tiếp lục lây lan, ông chủ Nhà Trắng lại tuyên bố, ông muốn “mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ với “một vụ nổ Big Bang” ngay khi số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này bắt đầu có xu hướng giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, rất khó để có thể kết luật về thời điểm chính xác để ông Trump có thể làm điều này. Hơn thế nữa, tình hình dịch bệnh tại mỗi bang của Mỹ lại có những diễn biến khác nhau và kịch bản tươi sáng nhất chỉ có thể đến sau ít nhất từ 4-8 tuần tới.
Trong khi Thống đốc bang Louisiana John Bel Edwards tự tin cho rằng, bang này “bắt đầu nhận thấy đường cong dịch bệnh đang dần được làm phẳng” thì Thống đốc bang California Gavin Newsom lại đưa ra một thông tin không mấy khả quan rằng, “đường cong dịch bệnh tại California chỉ có thể phẳng dần” vào cuối tháng 5.
Đáng ngại hơn, tình hình ở bang New York đang trở nên cực kỳ khó đoán định khi các quan chức bang này cho biết, số người chết vì Covid-19 tại nhà riêng đang gia tăng chóng mặt trong khi con số này lại không hề được ghi nhận chính thức. Giới chức New York ước tính, mỗi ngày có ít nhất 200 trường hợp tử vong vì Covid-19 thuộc dạng này. Thống đốc bang New York Cuomo cũng đã thừa nhận: “Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra”./.