Sợ người dân không sinh con, Trung Quốc siết chặt dịch vụ triệt sản
Mệt mỏi sau hai lần sảy thai và chăm sóc con trai hiện tại, Zhao Zihuan và chồng quyết định chỉ sinh một con và đi triệt sản. Tuy nhiên, họ bị hai bệnh viện từ chối làm thủ thuật.
Theo tờ Washington Post, bác sĩ cho hai vợ chồng Zhao biết rằng họ bị cấm thắt ống dẫn tinh cho nam giới theo quy định mới về kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc.
Suốt hơn 30 năm qua, giới chức Trung Quốc buộc người dân triệt sản để kiềm chế dân số tăng. Giờ đây, họ lại cố gắng làm ngược lại khi tỷ lệ sinh giảm mạnh, đe dọa ổn định xã hội và kinh tế. Các bệnh viện từ chối phục vụ nam giới muốn thắt ống dẫn tinh.
Trung Quốc ghi nhận 8,5 ca sinh/1.000 dân năm 2020, mức thấp nhất trong hơn 70 năm qua. Là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới (1,3 con/phụ nữ), tỷ lệ sinh của Trung Quốc còn dưới Nhật Bản. Dự báo dân số Trung Quốc có thể bắt đầu giảm sau vài năm nữa.
Dù vậy, các nỗ lực để đảo ngược xu hướng đều thất bại khi ngày càng nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc không muốn sinh con.
Luật kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc bảo vệ quyền sinh đẻ của công dân, trong đó có cả quyền tránh thai. Không có lệnh cấm chính thức về thủ thuật thắt ống dẫn tinh, nhưng bệnh viện thực hiện thủ thuật này cho nam giới và cả thủ thuật cho phụ nữ phải được sở y tế cấp huyện cho phép.
Một số cặp vợ chồng lo giới chức có thể dùng các biện pháp mạnh tay hơn với người muốn triệt sản. Theo hướng dẫn của Quốc vụ viện công bố hồi tháng 9, chính quyền địa phương cần cố gắng giảm số ca phá thai vì lý do không liên quan y tế.
12 bệnh viện công mà tờ Washington Post liên lạc phỏng vấn cho biết họ không còn cung cấp dịch vụ thắt ống dẫn tinh. Sáu bệnh viện cho biết họ vẫn thực hiện thủ thuật này, nhưng một bệnh viện không thực hiện cho nam giới chưa lập gia đình.
Các cặp vợ chồng và nam giới độc thân muốn triệt sản đều bị bác sĩ từ chối với lý do họ sẽ hối hận sau này. Một số cặp vợ chồng cần giấy đăng ký kết hôn và bằng chứng đã có con thì mới được làm thủ thuật triệt sản.
Zhou Muyun, 23 tuổi ở Quảng Châu, cho biết đã không thể triệt sản trong năm nay. Anh và bạn gái vừa dọn vào sống cùng nhau và muốn theo phong cách sống không con cái. Zhou cũng bị hai bệnh viện từ chối với lý do anh còn quá trẻ.
Trong thời kỳ áp dụng chính sách một con, thắt ống dẫn tinh phổ biến hơn ở các tỉnh mà chính quyền quyết liệt hơn.
Khi Trung Quốc nới lỏng quy định kế hoạch hóa gia đình, số người thắt ống dẫn tinh giảm từ 149.432 năm 2015 xuống 4.742 năm 2019.
Theo một số học giả Trung Quốc, triệt sản không bị cấm nhưng không được khuyến khích, đặc biệt là khi Trung Quốc cho phép vợ chồng sinh ba con từ tháng 5 vừa rồi.
Sau khi có chính sách ba con, vợ chồng Zhao cảm thấy càng cần phải sớm triệt sản vì sợ chính phủ có thể hạn chế phá thai hoặc tiếp cận biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, chồng Zhao đi khắp 6 bệnh viện ở Phúc Kiến và rồi sau đó tìm được một chỗ cách nhà gần 2.000km ở Tứ Xuyên đồng ý thực hiện thủ thuật. Khi chồng Zhao nằm trên bàn phẫu thuật, bác sĩ vẫn cố khuyên anh quyết định lại. Sau khi phẫu thuật xong hồi tháng 3, thì anh nghe nói bệnh viện này đã ngừng dịch vụ.
Với trường hợp của Zhou và bạn gái, khi họ muốn Zhou triệt sản thì bác sĩ lại gợi ý bạn gái anh đặt vòng. Theo Phó giáo sư Yue Quan tại Đại học British Columbia, điều này cho thấy quan niệm truyền thống rằng phụ nữ phải chịu gánh nặng trong tránh thai và đây là truyền thống gia trưởng từ lâu nay. Bà nói: “Đàn ông không bao giờ là trung tâm trong các vấn đề liên quan hôn nhân, gia đình, sinh đẻ, tránh thai”.