Sở NN&PTNT Lâm Đồng lên tiếng về vụ 237 con bò sữa chết sau khi tiêm vaccine
Loại vaccine này được UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở NN&PTNT tổ chức mua sắm thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Gói thầu có tổng trị giá hơn 13,6 tỷ đồng.
Ngày 13/8, tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã thông tin chính thức tình hình bệnh tiêu chảy ở bò sữa khiến hàng trăm con bò sữa bị chết.
Theo đó, từ cuối tháng 7 đến ngày 12/8, trên địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà có 5.350 con bò phát bệnh và 237 con bị chết.
Trong đó, ở huyện Đơn Dương có 2.923 con phát bệnh, 172 chết; huyện Đức Trọng có 2.392 con phát bệnh, 63 chết; huyện Lâm Hà 35 con phát bệnh, 2 chết.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước đó chiều 11/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã thông tin việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-Lpvac của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương có ảnh hưởng đến bò bị bệnh tiêu chảy.
Loại vaccine này được UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở NN&PTNT tổ chức mua sắm thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Gói thầu có tổng trị giá hơn 13,6 tỷ đồng.
Liên danh 5 nhà thầu trúng thầu cung ứng 8 loại hàng hóa (6 loại vaccine, 2 loại hóa chất), trong đó có vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-Lpvac do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương cung ứng.
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, thời gian tiêm vaccine trên đàn bò tại Lâm Đồng từ ngày 7/7 đến 2/8.
Ngày 26/7, các cơ quan chuyên môn đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên. Các triệu chứng bất thường đồng loạt xuất hiện trên đàn bò từ 7 đến 10 ngày sau khi tiêm vaccine nhược độc đông khô Naver-Lpvac của Công ty CP thuốc thú y Trung ương.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên đàn bò, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã phối hợp với UBND các huyện, xã, kiểm tra tình hình bệnh để sớm xác định nguyên nhân.
Công tác tiêm phòng vaccine Navet- Lpvac được tạm dừng trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng.
Cơ quan chuyên môn cũng đã triển khai một số biện pháp phòng chống bệnh tạm thời trên đàn bò sữa. 1.800 lít hóa chất đã được chuyển tới các địa phương để khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã huy động 12 chuyên gia của Cục Thú y, 25 người thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 24 bác sĩ thú y, thú y viên của các địa phương và 13 người thú y viên của các đơn vị chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn, trực tiếp hỗ trợ các hộ dân có bò bị bệnh thực hiện điều trị.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng tiếp tục huy động đảm bảo đầy đủ lượng thuốc điều trị cần thiết để hỗ trợ người dân.