Số phận Ant Group, Grab - Gojek và những câu hỏi năm 2021
Tương lai của Ant Group, vụ sáp nhập Grab - Gojek và việc 'Thái tử Samsung' có thể lên nắm quyền lãnh đạo tập đoàn hay không là những vấn đề kinh doanh lớn tại châu Á năm 2021.
Nền kinh tế châu Á vừa trải qua một năm đầy khó khăn vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, căn bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) không làm gián đoạn các thương vụ chuyển nhượng, sáp nhập và kế hoạch lên sàn lớn tại châu Á.
Theo Nikkei Asian Review, sự thay đổi chóng mặt của thị trường châu Á buộc giới đầu tư khu vực phải cân nhắc kỹ về cơ hội kinh doanh trong 2021. Câu hỏi lớn nhất là "Đâu là cơ hội kiếm tiền tốt nhất trong 12 tháng tới?".
Nhiều vấn đề lớn của nền kinh tế châu Á trong năm 2020 vẫn chưa được giải quyết. Một số gây nhiều hoang mang và nghi ngại cho giới doanh nhân và các nhà đầu tư.
Nikkei nhận định dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó dự đoán trong năm 2021, những sự kiện kinh doanh lớn dưới đây sẽ tiếp tục được quan tâm trong 12 tháng tới.
Ant Group sẽ IPO trong năm 2021?
Từng là biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, Alibaba giờ đối mặt với áp lực cực lớn từ chính quyền Trung Quốc. Mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa tỷ phú Jack Ma và Bắc Kinh khiến đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 35 tỷ USD của Ant Group bị hoãn lại vô thời hạn hồi tháng 11/2020.
Giới quan sát nhận định cơ hội để tập đoàn fintech của Jack Ma IPO trong năm 2021 rất mong manh. Hồi tháng 12/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc yêu cầu Ant Group "trở lại với mảng thanh toán cốt lõi". Tập đoàn này sẽ phải gói các dịch vụ tài chính trong một công ty holding và thực thể này sẽ bị quản lý như một ngân hàng truyền thống.
Như vậy, công ty của tỷ phú Jack Ma sẽ phải "đại tu" kế hoạch phát triển để tuân thủ quy định và nhận được sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc. Một số chủ ngân hàng và nhà đầu tư dự báo đợt IPO của Ant Group có thể bị đẩy sang năm 2022, với quy mô nhỏ hơn nhiều so với trước đây.
Các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi IPO thành công, Ant Group cũng chỉ có thể đạt mức định giá dưới 200 tỷ USD, thay vì con số 320 tỷ USD như dự báo trước đây.
Chuyên gia Francis Chan của Bloomberg Intelligence đánh giá tốc độ tăng trưởng của Ant Group sẽ chậm lại đáng kể vì sự thay đổi này. Thậm chí, định giá của tập đoàn có thể lao dốc xuống dưới 153 tỷ USD, tương đương con số 2 năm trước đây.
Xe tương lai sẽ "thông minh" đến mức nào?
Cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường xe tự lái ngày càng căng thẳng. Trong năm 2021, các nhà sản xuất sẽ tung hàng loạt mẫu xe mới với chức năng lái tự động tiên tiến. Các công ty như Google và Baidu đang thử nghiệm mô hình taxi robot không người lái ở quy mô lớn hơn.
Trong cuộc đua thương mại hóa công nghệ lái xe tự động, Nhật Bản đang là quốc gia dẫn đầu. Honda Motor dự kiến ra mắt mẫu xe "level 3" đầu tiên trên thế giới vào tháng 3. Model này có thể tự lái trên đường cao tốc tắc nghẽn. Công nghệ tự lái đã được chính phủ Nhật Bản phê duyệt vào tháng 11/2020.
Tại Trung Quốc, những "tay chơi" hàng đầu như Baidu, Pony.ai, WeRide, AutoX và Didi Chuxing đều đã triển khai dịch vụ taxi robot dù tài xế vẫn có mặt để đảm bảo an toàn. Tháng 12, chính quyền Bắc Kinh cấp phép cho Baidu chạy thử ôtô tự lái hoàn toàn trên đường cao tốc.
Trong khi đó tại thị trường Mỹ, nơi có công nghệ lái xe tự động phát triển mạnh nhất, các cuộc tái cơ cấu sẽ tiếp tục diễn ra. Trong đó, gã khổng lồ gọi xe Uber Technologies sẽ bán mảng xe tự hành để tập trung vào mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.
Grab và Gojek sẽ sáp nhập trong năm nay?
Trong vài tháng qua, thông tin hai hãng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á sáp nhận đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Giới quan sát dự đoán sau khi về chung nhà, Grab - Gojek sẽ thực hiện một đợt IPO "bom tấn".
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến mảng gọi xe cốt lõi của Grab và Gojek trong năm 2020 và đây là một động lực để startup Singapore và Indonesia hợp lực.
Tuy nhiên, nếu hợp nhất, Grab và Gojek có thể đối mặt với sự phản đối của cơ quan quản lý chống độc quyền Indonesia. Đến nay, Indonesia vẫn là thị trường rộng lớn nhất của cả Grab và Gojek trong phân khúc gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán kỹ thuật số.
Theo nguồn tin từ Bloomberg hồi đầu tháng 12/2020, hai startup đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đàm phán. Nhiều chuyên gia dự đoán năm 2021 có thể là thời khắc hai bên đưa ra quyết định cho kế hoạch sáp nhập.
"Thái tử Samsung" sẽ trở thành chủ tịch tập đoàn?
Một kỷ nguyên của Samsung Electronics kết thúc khi cố Chủ tịch Lee Kun-hee qua đời vào tháng 10/2020. "Thái tử Samsung" Lee Jae-yong được cho là sẽ tiếp tục tiếp quản vị trí của cha mình. Tuy nhiên, con đường tiến đến vị trí chủ tịch tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc của ông Lee Jae-yong vẫn còn đầy rẫy những trở ngại về pháp lý.
Trong phiên tòa ngày 30/12, các công tố viên Hàn Quốc đề nghị Tòa án Cấp cao Seoul tuyên án 9 năm tù đối với ông Lee Jae-yong vì bê bối hối lộ quan chức cấp cao. Năm 2017, "Thái tử Samsung" từng bị kết án 5 năm tù vì tội đề nghị hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và một trợ lý của bà 8,6 tỷ won (7 triệu USD), đổi lại chính quyền Seoul sẽ ủng hộ ông củng cố quyền kiểm soát Samsung.
Ngoài ra, hồi tháng 9, các công tố viên Hàn Quốc truy tố ông Lee tội thao túng giá cổ phiếu, vi phạm các quy định kiểm toán liên quan đến vụ sáp nhập giữa hai chi nhánh của Samsung vào năm 2015. Trong cả hai trường hợp, ông Lee có thể đối mặt với án tù kéo dài.
Hiện tại, ông Lee vẫn là cổ đông lớn nhất tại Samsung C&T, qua đó kiểm soát Samsung Life Insurance - cổ đông lớn nhất tại Samsung Electronics. Mặt khác, truyền thống "cha truyền con nối" tại các tập đoàn gia đình Hàn Quốc càng củng cố niềm tin "Thái tử Samsung" sớm muộn cũng sẽ kế vị. Tuy nhiên, con đường đi lên của ông Lee có thể không dễ dàng.
Huawei và khả năng tồn tại trong năm 2021
Trong năm 2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cấm vận các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là Huawei Technologies. Tập đoàn công nghệ số một Trung Quốc lao đao vì những cú đòn từ Washington.
Huawei đã tích lũy kho dự trữ chip và các vật liệu khác suốt năm qua để chống lại các hạn chế thương mại từ Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp chính của Huawei, bao gồm Qualcomm và Sony, đã được cấp phép để nối lại một số hợp đồng mua bán với Huawei. Điều này hứa hẹn "ánh sáng sau đêm tối" cho gã khổng lồ điện tử Trung Quốc trong năm 2021.
Ngoài ra, Huawei còn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ trong nước, và Huawei là chìa khóa của giấc mơ công nghệ đó. Điều này khiến sự tồn vong của Huawei trở thành một vấn đề mang tầm quan trọng quốc gia.
Huawei Technologies không chỉ là công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc mà còn là đơn vị cung cấp các trạm gốc viễn thông 5G quan trọng nhất, nền tảng cho kế hoạch triển khai công nghệ không dây thế hệ tiếp theo của Trung Quốc. Do vậy, chính quyền Trung Quốc chắc chắn không thể Huawei "chết" vì sức ép của Mỹ.
Nên đặt cược vào vàng hay Bitcoin?
Những ngày cuối năm, giá Bitcoin và vàng tăng mạnh. Nỗi e ngại về sự bất ổn của thị trường tài chính khiến giá vàng và giá Bitcoin đều đạt mức cao kỷ lục trong năm 2020. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, khi thị trường trở nên lạc quan nhờ vaccine chống Covid-19, liệu vàng và Bitcoin có tiếp tục duy trì đà tăng trưởng?
Giá vàng tăng 23% trong năm 2020. Nhiều chuyên gia dự đoán dù khó có khả năng lặp lại phong độ trong năm mới, kim loại quý này vẫn giữ vai trò là kênh tài sản trú ẩn an toàn của giới đầu tư thế giới.
Mỹ đã triển khai tiêm chủng vaccine chống Covid-19, nhưng chính phủ Washington vẫn đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề vì liên tục tung ra các gói kích thích trong năm qua. Theo giới phân tích, như vậy đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2021, qua đó hỗ trợ giá vàng đứng vững. Bên cạnh đó, xu hướng quay trở lại thị trường vàng ở châu Á cũng giúp vàng tăng giá.
Trong khi vàng vẫn ổn định, giá Bitcoin có khả năng tiếp tục tăng mạnh. Giá Bitcoin vọt lên 300% trong năm 2020. Các chuyên gia dự báo giá Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác sẽ còn tăng hơn nữa trong năm 2021 bất chấp những nghi ngại về khả năng lưu trữ giá trị của chúng.
Chiến lược gia Miyoko Nakashima của hãng Mizuho Securities (Nhật Bản) khẳng định: “Mặc dù vàng có sự ổn định hơn và giữ vai trò là tài sản trú ẩn an toàn, Bitcoin lại có khả năng mở rộng thị trường hơn về lâu dài”.
Phân ly chuỗi cung ứng Mỹ - Trung tiếp diễn?
Trong hai năm qua, chính phủ Mỹ nỗ lực "phân ly" chuỗi cung ứng công nghệ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Và trong năm 2021, xu thế này sẽ tiếp tục. Đến nay, hàng loạt nhà cung cấp công nghệ đã di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Nguồn tin Nikkei cho biết các khách hàng lớn như Apple, Google, Microsoft hay Sony đều đồng ý với kế hoạch di dời này. Hơn nữa, dịch Covid-19 cho thấy những rủi ro lớn của tình trạng quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Nhiều nhà cung cấp đã di dời nhà máy đến Đông Nam Á và Ấn Độ, một số xây cơ sở ở Đài Loan và Nhật Bản.
Nhiều khả năng sự phân ly hoàn toàn sẽ không xảy ra, bởi Trung Quốc vẫn sở hữu hạ tầng sản xuất mạnh và là thị trường tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ không hủy các chính sách của ông Trump và Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt công nghệ sản xuất chip tiên tiến.