Số phận bi đát của huyền thoại quyền Anh bị Mike Tyson cắn đứt tai: Nửa tỷ đô bốc hơi, phải bán nhà, bán nhẫn, bán cả huy chương trả nợ
Thật khó tin, huyền thoại quyền Anh Evander Holyfield đã từng kiếm được tới nửa tỷ USD trong sự nghiệp. Và cũng thật khó tin, chỉ trong một thời gian ngắn, anh ta đã mất cả để rồi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Ngay cả những người không thích quyền Anh cũng biết đến cái tên Evander Holyfield, tay đấm huyền thoại một thời được mệnh danh là "người đàn ông đáng sợ nhất hành tinh", đồng thời cũng là nạn nhân nổi tiếng của Mike Tyson trong cuộc so găng năm 1997.
Trận đấu tại Las Vegas hôm ấy kết thúc chỉ sau 9 phút, bởi sự cố Mike Thép cắn đứt tai phải Holyfield, dứt ra một miếng thịt và phun xuống đất. Các bác sỹ không thể gắn mảnh tai bị đứt rời ấy, và nó cũng biến mất đẩy bí ẩn. Song lúc đó Holyfield cũng chẳng để ý làm gì. Thiệt thòi một chút, bù lại ông nhận đai vô địch WBC cùng số tiền thưởng 35 triệu USD.
Phải nhiều năm sau, Holyfield mới cảm thấy hối tiếc. Giá mà có thể giữ lại mẩu tai rồi ngâm nó trong formaldehyd thì 15 năm sau, ông đã có thể mang nó ra bán đấu giá và thu về một khoản kha khá.
Năm 2012, ở tuổi 50, Holyfield mang mọi tài sản mà ông có lên sàn đấu giá California. Trong đó bao gồm Huy chương Đồng Olympic 1984, Huy chương Bạc Pan-Am Games 1983 cùng các đai vô địch WBC, WBA và IBF.
Chưa hết, nó còn cả 25 chiếc áo choàng mà Holyfield từng mặc, 27 đôi găng mà ông đã mang ở các trận đấu nổi tiếng và vô số nhẫn vô địch cùng chiếc nhẫn kỷ niệm 3 lần vô địch quyền Anh hạng nặng. Ngoài ra nhiều trang sức cá nhân cùng chiếc xe Chevrolet Corvette màu đỏ sản xuất năm 1962, năm sinh của Holyfield, cũng được mang ra rao bán.
Toàn bộ chúng không có giá quá 5 triệu USD và Darren Julien, Chủ tịch sàn đấu giá California đùa rằng nếu có mẩu tai đã bị Tyson cắt đứt, Holyfield có thể đã thu về nhiều tiền hơn.
Vì vậy, dù bán tất cả những kỷ vật vô giá, Holyfield vẫn không đủ trả số nợ gần 20 chục triệu USD, bao gồm các khoản nợ thuế. Trước đó, nhà vô địch boxing đã thế chấp biệt thự rộng 16.000 mét vuông ở quận Fayetteville, Georgia để nhận lấy 10,9 triệu.
Biệt thự này ban đầu có giá 30,8 triệu USD, được xây dựng vào năm 1994 với 109 phòng, bể bơi cỡ đại, sân chơi bowling và phòng ăn có sức chứa 100 người. Nhưng vì ông không có khả năng trả nợ khoản vay, ngân hàng đã mang ra bán đấu giá và thu về chỉ 5 triệu USD.
Làm thế nào Holyfield đã phung phí gia tài khổng lồ lên đến gần nửa tỷ USD đã gây dựng trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, sau đó lâm vào cảnh phá sản và sống trong căn hộ chật hẹp 2 phòng ngủ?
Đó là kết quả của một chuỗi sai lầm của người theo chủ nghĩa vô địch. Giống như Tyson, đối thủ đã lấy đi một phần tai, Holyfield cảm thấy tiền quá dễ kiếm sau các chiến thắng liên tiếp, vì vậy đã tiêu xài theo kiểu ném tiền qua cửa sổ.
Suốt thời gian dài, Holyfield chơi quên mình ở các sòng bài Las Vegas và Atlantic. Tiếc là tiền không đẻ ra tiền, mà cứ lần lượt đội nón ra đi. Khi nhìn lại, ông nhận ra đã đốt cả trăm triệu vào những canh bạc đỏ đen.
Ngoài ra, Holyfield cũng mua sắm vô tội vạ và mắc kẹt với những món đồ xa xỉ. Biệt thự ở Georgia chính là một ví dụ. Sau khi bỏ ra khoản tiền lớn để mua và xây dựng lại, mỗi năm ông còn phải chi nhiều hơn 1 triệu đô để duy trì hoạt động.
Khi bắt đầu thấy tiền vơi đi đáng kể, Holyfield lại đen đủi lao vào kinh doanh theo cánh tư vấn tài chính. Ông đầu tư khá nhiều vào một hãng thu âm, xây dựng các thương hiệu như bình chữa cháy Knockout 360 và bếp nướng, nước sốt BBQ "Real Deal". Tất cả đều thất bại thảm hại.
Không chỉ đám kền kền trục lợi từ danh tiếng của Holyfield, chính những người thân cũng tìm cách kiếm tiền từ ông. Ba cuộc hôn nhân của ông đều kết thúc bằng thủ tục li dị, và mỗi lần như vậy, tài sản lại vơi đi một ít.
Người vợ thứ 3 còn tệ hơn, đã kiện ông chồng với các tội danh đánh đập trước mặt con cái. Để không phải vào tù, Holyfield phải đền một số tiền lớn kèm theo khoản hỗ trợ nuôi cả vợ cũ lẫn đám con. Lưu ý là ông có tới 11 người con với 6 người phụ nữ khác nhau, và phải nuôi tất cả.
Để kiếm tiền trả nợ và nuôi con, người đàn ông khốn khổ đã phải gắng gượng thi đấu đến năm 2015, khi đã… 52 tuổi. Khoảng cuối sự nghiệp, Holyfield thua nhiều hơn thắng và thậm chí, chơi trong sự dè bỉu từ công luận. Nhưng biết làm sao được, khi ông phải trả giá cho những tháng năm phí hoài tiền bạc.