Số phận của Boeing sau hàng loạt những sai phạm?

Boeing đang đàm phán với Bộ Quốc phòng Mỹ về những tác động tiềm tàng sau khi thừa nhận cáo buộc sai phạm.

Boeing 737 MAX đang được lắp ráp tại nhà máy Renton. Washington. Ảnh: Jennifer Buchanan

Boeing 737 MAX đang được lắp ráp tại nhà máy Renton. Washington. Ảnh: Jennifer Buchanan

Vào ngày 7/7, Bộ Tư pháp Mỹ trích dẫn hồ sơ tòa án cho biết Boeing đã đồng ý nhận sai về tội danh âm mưu gian lận hình sự trong hai vụ tai nạn của máy bay 737 MAX vào năm 2018 và 2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.

Việc nhận tội có khả năng đe dọa cơ hội của ông lớn ngành hàng không trong việc nhận được các hợp đồng lớn của chính phủ như Bộ Quốc phòng Mỹ và NASA. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ cũng có thể miễn trừ hạn chế dành cho Boeing. Các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận dự kiến sẽ được công bố vào ngày 19/7.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Không quân Patrick Ryder cho biết cơ quan này sẽ tiến hành đánh giá để quyết định tác động của việc nhận tội đối với các hợp đồng của Boeing. Ông không đề cập đến việc liệu cơ quan này có đang đàm phán với nhà sản xuất máy bay hay không.

"Bộ Quốc phòng sẽ đánh giá các kế hoạch khắc phục của công ty và thỏa thuận với Bộ Tư pháp để đưa ra quyết định về các bước cần thiết và phù hợp để bảo vệ lợi ích chính phủ liên bang", ông Ryder nói, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ hành động nào cũng sẽ tuân theo các quy định về ký kết hợp đồng của Chính phủ Mỹ.

Boeing và Bộ Tư pháp không đưa ra bình luận ngay lập tức. NASA từ chối bình luận.

Cổ phiếu của Boeing đã giảm mức tăng đầu phiên và đóng cửa ở mức tăng nhẹ 0,6% trong phiên đầu tuần.

Bộ phận Phòng thủ và Không gian của Boeing đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ, với doanh số bán hàng quý đầu tiên là 7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo thường niên, Boeing cho biết các hợp đồng của Chính phủ Mỹ chiếm 37% doanh thu của năm ngoái bao gồm cả doanh thu từ nước ngoài. Một báo cáo của Chính phủ cho biết Boeing đã ký được các hợp đồng trị giá 14,8 tỷ USD với Lầu Năm Góc vào năm 2022.

Theo Ben Tsocanos, Giám đốc Hãng hàng không S&P Global Ratings, chi phí tài chính liên quan đến việc nhận tội "vẫn trong tầm kiểm soát so với quy mô và năng lực tài chính của công ty".

"Chúng tôi hy vọng rằng Boeing sẽ vẫn là nhà cung cấp chính các sản phẩm quốc phòng và hàng không sau khi nhận tội,” ông nói thêm.

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết thỏa thuận này cũng có khả năng bị theo dõi chặt chẽ bên ngoài Mỹ, vì Boeing là “ông lớn” trên thị trường toàn cầu.

Chính phủ Canada cho biết họ đang "đợi quyết định về các thủ tục pháp lý này và sẽ đánh giá các phương án sau khi được xác nhận,” đồng thời thông tin việc mua lại máy bay Poseidon P-8A theo kế hoạch vẫn đang được tiến hành.

Tất cả những điều này diễn ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng, khiến nhiều nước đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng.

Trên lý thuyết, Boeing có thể phải đối mặt với các hạn chế đối với việc xuất khẩu sang một loạt thị trường quốc tế trong tương lai, mặc dù việc họ có thực sự bị loại trừ hay không có thể phụ thuộc vào quyền hạn của các cơ quan địa phương và thực tế của thị trường quốc phòng.

Ví dụ, Anh, quốc gia vận hành máy bay tuần tra biển P-8A của Boeing và Liên minh Châu Âu đều có các quy tắc cấm các nhà thầu có tội danh hình sự tham gia đấu thầu các hợp đồng công trên nhiều lĩnh vực trong một khoảng thời gian nhất định.

"Đó là quy định pháp luật,” Keith Hayward, thành viên của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh, người có các nghiên cứu được công bố bao gồm các công trình về địa phương hóa trong ngành công nghiệp quốc phòng, cho biết.

"Phân tích trường hợp xấu nhất là họ đơn giản sẽ bị loại khỏi việc đấu thầu,” ông Hayward nói.

"Nó phụ thuộc vào việc thị trường muốn sản phẩm như thế nào và liệu Boeing có bảo đảm chất lượng một dòng sản phẩm cụ thể nào không, P-8 là một ví dụ tốt, đó một sản phẩm không có nhiều lựa chọn thay thế."

Theo một phần của thỏa thuận, Boeing sẽ trả khoản tiền phạt hình sự 243,6 triệu USD, gấp đôi so với thỏa thuận trước đó.

Boeing cũng đã đồng ý đầu tư ít nhất 455 triệu USD trong ba năm để tăng cường các chương trình an toàn và tuân thủ và để Bộ Tư pháp bổ nhiệm một giám sát viên độc lập giám sát việc tuân thủ trong ba năm.

Vào thứ Hai (8/7), Bộ Tư pháp đã phản đối đề nghị của các gia đình những người thiệt mạng buộc chính phủ phải ngay lập tức bổ nhiệm một giám sát viên để giám sát Boeing trong 5 năm.

Bộ Tư pháp cho biết họ thường mất "một số tháng" để xác định và kiểm tra các ứng cử viên.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/so-phan-cua-boeing-sau-hang-loat-nhung-sai-pham.html