Số phận của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng sẽ ra sao?

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang lên các phương án để sắp xếp, tổ chức lại các cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án... trên địa bàn.

Theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, sẽ thực hiện sắp xếp lại, tổ chức 1 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên (Ban Quản lý dự án) thuộc UBND cấp xã mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án... trên địa bàn.

Ban Quản lý dự án đầu tư Công trình giao thông thuộc diện hợp nhất.

Ban Quản lý dự án đầu tư Công trình giao thông thuộc diện hợp nhất.

Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh có thể thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Ban quản lý dự án của UBND tỉnh để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.

Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 4 Ban Quản lý dự án trực thuộc UBND tỉnh, 27 Ban Quản lý dự án trực thuộc UBND cấp huyện, 1 Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND thành phố Thanh Hóa, 1 Ban giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư, trực thuộc UBND thị xã Nghi Sơn.

Nhiều công trình đang triển khai cần có cơ chế chuyển tiếp quản lý sau sáp nhập.

Nhiều công trình đang triển khai cần có cơ chế chuyển tiếp quản lý sau sáp nhập.

Đây là các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên với gần 1.000 người làm việc từ nguồn thu sự nghiệp, thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng...

Cơ quan tham mưu đề xuất đối với Ban Quản lý dự án cấp tỉnh sẽ hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án các công trình giao thông thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Thanh Hóa, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của các huyện sẽ không còn.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của các huyện sẽ không còn.

Sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình, Ban Giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư, trực thuộc UBND thị xã Nghi Sơn vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý.

Cái khó nhất vẫn nằm ở Ban Quản lý cấp huyện sau khi cấp huyện giải thể. Phương án sắp xếp, tổ chức lại các Ban Quản lý dự án cấp huyện (bao gồm Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND thành phố Thanh Hóa) thành 166 Ban Quản lý dự án, làm đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, trực thuộc UBND cấp xã mới.

Nhiều công trình hoàn thiện xong chờ thanh, quyết toán.

Nhiều công trình hoàn thiện xong chờ thanh, quyết toán.

Phương án này phù hợp với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã (quyết định chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn); giúp UBND cấp xã mới chủ động, tăng cường khả năng thực hiện chủ đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất... trên địa bàn.

Tuy nhiên, sắp xếp trên cơ sở tổ chức lại các Ban Quản lý hiện nay là không bảo đảm về số lượng người làm việc theo quy định về cơ cấu tối thiểu 15 người/1 đơn vị.

Phương án thứ 2 là sắp xếp, tổ chức lại 27 Ban Quản lý dự án, 26 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và 26 Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành 166 Ban Quản lý (hoặc Trung tâm) trực thuộc UBND cấp xã mới.

Phương án này về cơ bản ưu, nhược điểm tương đồng với Phương án 1, với cơ cấu đa ngành, khác biệt về lĩnh vực, nguồn thu sự nghiệp, khó khăn về bố trí, chuyển đổi vị trí công tác, hỗ trợ nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Tuy nhiên, với mức độ tự chủ chi thường xuyên của Ban Quản lý dự án hiện nay, sẽ bổ trợ cho mức độ tự chủ đang thấp trong cung ứng dịch vụ về nông nghiệp, môi trường, văn hóa, thể thao, giảm yêu cầu về tăng biên chế.

Phương án thứ 3 là sắp xếp, tổ chức lại các Ban Quản lý dự án cấp huyện hiện nay thành lập 27 Ban Quản lý khu vực (hoặc khoảng 10 đến 13 Ban quản lý) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh để thực hiện chủ đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất... trên địa bàn liên xã, phường mới.

Phương án này bảo đảm thực hiện thống nhất quản lý của UBND tỉnh đối với các công trình liên khu vực. Tuy nhiên làm tăng số đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh; không phát huy được tính chủ động của UBND cấp xã mới, nhất là các phường trong việc thực hiện chủ đầu tư dự án; chưa phù hợp với tinh thần đẩy mạnh phân công, phân cấp, tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp cơ sở.

Một phương án khả thi hơn là sắp xếp, tổ chức lại 27 Ban Quản lý dự án cấp huyện hiện nay thành lập các Ban Quản lý khu vực (đề xuất khoảng 10 đến 13 Ban quản lý) trực thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Thanh Hóa (sau khi hợp nhất) để thực hiện chủ đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất... trên địa bàn liên xã, phường mới.

Phương án này bảo đảm tinh gọn tổ chức, thực hiện thống nhất quản lý đối với các công trình liên khu vực. Tuy nhiên, cũng không phát huy được tính chủ động của UBND cấp xã mới, nhất là các phường trong việc thực hiện chủ đầu tư dự án; chưa phù hợp với tinh thần đẩy mạnh phân công, phân cấp, tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp xã.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang xem xét, lựa chọn các phương án hợp lý nhất đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy được vai trò của chính quyền cấp xã mới, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân một cách tốt hơn.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/so-phan-cua-cac-ban-quan-ly-du-an-dau-tu-xay-dung-se-ra-sao-478334.html