Số phận của những tù binh Đức Quốc xã ở Liên Xô sau Thế chiến II

Vấn đề giam giữ và sử dụng những tù binh Đức Quốc xã ở Liên Xô sau Thế chiến II không được công bố. Tuy nhiên, tất cả đầu biết rằng, các cựu quân nhân của chế độ phát-xít được dùng vào việc khôi phục những thành phố bị chiến tranh tàn phá, làm việc tại các công trường và nhà máy của Liên Xô.

Theo số liệu chính thức, trong những năm chiến tranh và sau khi Đức Quốc xã đầu hàng, có tổng cộng 3.486.206 quân nhân Đức và các nước chư hầu bị bắt làm tù binh ở Liên Xô, trong đó có 2.388.443 người Đức. Để phân bổ những người này trong hệ thống của Tổng cục quản lý tù binh và người bị giam giữ thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, trên khắp cả nước đã cho lập ra hơn 300 trại tập trung có sức chứa từ 100 đến 4.000 người. Có 356.700 người Đức chết khi làm tù binh, chiếm khoảng 14,9%.

Tuy nhiên, theo số liệu của phía Đức, tại Liên Xô có gần 3,5 triệu tù binh. Điều này được lý giải bởi một số nguyên nhân. Sau khi bị bắt, không phải tất cả tù binh đều vào các trại tập trung của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô. Ban đầu, họ bị giam giữ tại các điểm tập kết tù binh, sau đó là tại các trại tạm của quân đội và từ đó họ được bàn giao cho Bộ Dân ủy Nội vụ. Trong thời gian này, số tù binh giảm xuống (bị bắn, chết vì bị thương, chạy trốn, tự tử…); một số tù binh được thả ngay ngoài mặt trận, phần lớn họ là tù binh của quân đội Rumania, Slovakia và Hungary, vì vậy mà khi bị bắt thì người Đức thường khai mình là người dân tộc khác. Cũng do vậy mà có những số liệu trái ngược nhau theo cách tính số tù binh có liên quan đến các đơn vị khác của quân Đức (như các đội dân quân tự vệ, cảnh vệ, đội xung phong, các đơn vị xây dựng).

Những tù binh Đức sau chiến tranh. Nguồn: Topwar.ru

Những tù binh Đức sau chiến tranh. Nguồn: Topwar.ru

Mỗi tù binh bị thẩm vấn nhiều lần. Nhân viên Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô thu thập lời khai từ cấp dưới của các tù binh và người dân những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nếu phát hiện có bằng chứng liên quan đến tội ác, thì bản án dành cho họ tại tòa tán binh là xử bắn hoặc lao động khổ sai.

Từ năm 1943 đến 1949, Liên Xô đã kết án 37.600 tù binh, trong đó gần 10.700 người bị kết án trong những năm đầu bị bắt và gần 26.000 người bị kết án trong năm 1949-1950. Theo bản án của tòa, có 263 người bị kết án tử hình, số còn lại lao động khổ sai tối đa là 25 năm. Họ bị giam giữ ở thành phố Vorkuta và vùng Krasnokamsk. Tại đây cũng giam giữ những người Đức bị tình nghi có quan hệ với Gestapo (Sở mật thám của phát-xít Đức) và các hành động tàn ác đối với con người, cũng như giam giữ những kẻ phá hoại. Bị bắt làm tù binh của Liên Xô còn có 376 tướng Đức Quốc xã, trong đó có 277 người đã trở về Đức, còn 99 người đã chết (18 người bị treo cổ vì tội ác chiến tranh).

Những tù binh Đức không phải lúc nào cũng tỏ ra tuân lệnh, đã xảy ra những trường hợp bỏ trốn và nổi loạn. Từ năm 1943 đến năm 1948, có 11.403 tù binh bỏ trốn khỏi các trại tập trung, trong đó 10.445 người bị bắt lại, 958 người bị chết và 342 người bỏ chạy thành công. Tháng 1-1945, tại trại tập trung ở ngoại ô Minsk xảy ra một cuộc nổi loạn lớn, các tù binh không hài lòng với chế độ ăn thiếu thốn nên đã dựng chướng ngại vật tại lán gỗ và bắt lính gác làm con tin. Trước tình thế này, binh sĩ của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô đã sử dụng pháo binh tấn công lán gỗ, khiến hơn 100 tù binh thiệt mạng.

Chế đgiamgiữtù binh

Đương nhiên, việc giam giữ tù binh Đức Quốc xã không thể trong điều kiện như nhà điều dưỡng. Đói khát, chật hẹp, mất vệ sinh và bệnh truyền nhiễm là chuyện bình thường. Tỷ lệ chết vì thiếu ăn, bị thương và bệnh tật trong thời gian chiến tranh và những năm đầu sau chiến tranh, đặc biệt là vào mùa đông năm 1945-1946 lên tới 70%. Chỉ đến những năm sau đó con số này mới giảm xuống. 14,9% tù binh bị chết trong các trại tập trung của Liên Xô. Trong khi đó, 58% tù binh Liên Xô đã bị chết trong các trại tập trung của Đức phát-xít, nơi có điều kiện sinh hoạt khủng khiếp hơn.

Tất cả tù binh được sử dụng vào những công việc khác nhau, cho nên họ cần có chế độ ăn uống tối thiểu để duy trì sức lao động. Khẩu phần ăn mỗi tù binh là 400 gam bánh mì (sau năm 1943, tiêu chuẩn này tăng lên 600 – 700 gam), 100 gam cá, 100 gam hạt tấm, 500 gam rau và khoai tây, 20 gam đường và 30 gam muối. Tiêu chuẩn ăn uống thay đổi theo từng năm, nhưng luôn tùy thuộc vào mức sản phẩm. Chẳng hạn năm 1944, 500 gam bánh mì dành cho những tù binh đạt 50% định mức sản phẩm, 600 gam cho định mức đến 80%, 700 gam cho định mức trên 80%.

Cùng với sự đầu hàng của phát-xít Đức, nhiều tù binh sa sút tinh thần khi biết rõ tình trạng không lối thoát của mình. Không hiếm những trường hợp đã tự tử, một số tự chặt đứt vài ngón tay của mình với hy vọng sẽ được trả về nhà, nhưng điều này cũng không giúp được gì.

Sử dụng lao động tù binh

Sau chiến tranh tàn phá và làm mất một lượng lớn đàn ông trai tráng, việc sử dụng lao động của hàng triệu tù binh góp phần đáng kể vào việc khôi phục nền kinh tế quốc dân Liên Xô.

Người Đức làm việc rất tận tâm và có kỷ luật cao, cho nên kỷ luật lao động của họ đã trở thành quy định chung. Tù binh được cấp sinh hoạt phí mỗi tháng là 7 rúp cho cấp lính, 10 rúp cho cấp sĩ quan, 30 rúp cho cấp tướng, và tiền thưởng cho lao động tiên tiến là 50 rúp. Tuy nhiên, cấp sĩ quan bị cấm không được có người phục vụ. Tù binh thậm chí còn được nhận thư và tiền gửi đến từ quê nhà.

Lao động tù binh được sử dụng rộng rãi trên các công trường, nhà máy, khai thác gỗ và ở các nông trang tập thể. Những công trường lớn nhất có tù binh làm việc là Nhà máy thủy điện Kuibyshev và Kakhov, Nhà máy sản xuất máy kéo Vladimir, Nhà máy liên hợp luyện kim Chelyabinsk, các nhà máy cán ống ở Azerbaidjan và tỉnh Sverdlovsk, kênh Karakumsk. Người Đức đã phục hồi và mở rộng các hầm mỏ ở vùng Donbass, nhà máy “Zaporozhstal” và “Azovstal”, các tuyến đường ống dẫn nhiệt và ống dẫn khí. Ở Moskva, họ tham gia xây dựng Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia mang tên Lomonosov và Viện Kurchatovsky, sân vận động “Dinamo”. Họ cũng xây dựng các tuyến đường ô tô Moskva-Kharkov-Simferopol và Moskva-Minsk. Ngoài ra, tại khu vực Kranogorsk ở ngoại ô Moskva, tù binh Đức đã xây dựng trường học, trung tâm lưu trữ tài liệu, sân vận động “Zenit”, nhà ở cho công nhân nhà máy và một thị trấn mới đầy đủ tiện nghi có nhà văn hóa.

Phần lớn tù binh được yêu cầu tham gia vào những công việc khôi phục các thành phố bị chiến tranh tàn phá như: Minsk, Kiev, Stalingrad, Sevastopol, Leningrad, Kharkov, Lugansk và nhiều thành phố khác. Họ xây dựng nhà ở, bệnh viện, công trình văn hóa, khách sạn và hạ tầng đô thị, cũng như tham gia xây dựng tại những thành phố không bị ảnh hưởng do chiến tranh như: Chelyabinsk, Sverdlovsk và Novosibirsk.

Một số thành phố, chẳng hạn như Minsk, 60% công trình là do các tù bình xây dựng. Tại Kiev họ khôi phục trung tâm thành phố và tuyến phố chính Kreschatik, còn ở Sverdlovsk thì toàn bộ các quận đều do bàn tay tù binh xây dựng nên. Năm 1947, cứ 5 công nhân thì có 1 người là tù binh tham gia xây dựng các xí nghiệp luyện kim, trong ngành hàng không thì tù binh chiếm 1/3, còn tham gia xây dựng các nhà máy điện là 1/6.

Lao động tù binh được sử dụng không chỉ vào những công việc tay chân. Trong các trại tập trung Liên Xô, họ làm việc như các chuyên gia trình độ cao và được đăng ký diện đặc biệt để làm việc theo chuyên môn. Theo số liệu tính đến tháng 10-1945, tại các trại tập trung theo diện đặc biệt có 581 chuyên gia thuộc các ngành khác nhau là vật lý, hóa học, kỹ sư, tiến sĩ và giáo sư. Theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, các chuyên gia được tạo điều kiện đặc biệt để làm việc, nhiều người trong số họ được chuyển ra khỏi các trại tập trung và được cấp nhà ở không xa nơi làm việc, được trả lương ngang bằng với mức lương kỹ sư Liên Xô.

Năm 1947, Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh thông qua quyết định hồi hương tù binh Đức, và họ bắt đầu được trở về nước theo nơi cư trú là Đông Đức và Tây Đức. Quá trình này kéo dài đến năm 1950, trong khi những tù binh bị kết án tội ác chiến tranh không được hồi hương. Những người có sức khỏe yếu và bệnh tật được về nước trước, sau đó là những người làm việc ở những vị trí thấp hơn.

Năm 1955, Hôi đồng Tối cao Liên Xô thông qua Sắc lệnh trả tự do trước thời hạn những tội phạm chiến tranh đã bị kết án. Nhóm tù binh cuối cùng được trao trả cho chính quyền Đức vào tháng 1-1956.

Không phải tất cả tù binh đều muốn trở về Đức. Nhiều người (số lượng lên đến 58.000 người) bày tỏ mong muốn được sang nhà nước Israel khi đó vừa mới được thành lập, nơi bắt đầu xây dựng quân đội Do Thái tương lai mà không thể không có sự hỗ trợ của các chuyên gia quân sự của Liên Xô. Và người Đức đã có đóng góp đáng kể trong giai đoạn này.

QUỐC KHÁNH (theo Topwar.ru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/so-phan-cua-nhung-tu-binh-duc-quoc-xa-o-lien-xo-sau-the-chien-ii-657794