Số phận của thủy thủ trên tàu Galaxy Leader bị Houthi bắt giữ ở Biển Đỏ
Thủy thủ đoàn nhiều quốc tịch làm việc trên tàu Galaxy Leader dần hết hi vọng được trả tự do sớm. Họ bị Houthi giữ làm con tin từ tháng 11/2023 tới nay.
Theo kênh CNN, ông Eduardo de Vega, một nhà ngoại giao cấp cao Philippines, cho rằng Houthi sẽ không thả các thuyền viên nói cho đến khi chiến tranh ở Gaza kết thúc. Phía Houthi tuyên bố số phận của các thuyền viên này đang nằm trong tay lực lượng Hamas.
Trước đó, ngày 19/11/2023, Houthi đã cướp tàu chở hàng Galaxy Leader khi tàu đang đi trên Biển Đỏ. Các tay súng đáp xuống từ trực thăng, bắt giữ thủy thủ đoàn gồm 17 người Philippines, hai người Bulgaria, ba người Ukraine, hai người Mexico và một người Romania.
Đã qua 118 ngày kể từ vụ bắt giữ tàu Galaxy Leader và không có dấu hiệu nào cho thấy Houthi sẵn sàng thả họ cho đến khi chiến sự ở Gaza kết thúc.
Ông Eduardo nói: “Thực sự không thể làm được gì nhiều để gây ảnh hưởng đến họ, bởi vì chúng tôi nhận được tin từ Houthi là họ sẽ tiếp tục giữ con tàu và tất cả thủy thủ đoàn cho đến khi chiến sự ở Gaza chấm dứt”.
Houthi đã tấn công các tàu ở Biển Đỏ kể từ cuối năm 2023, hành động mà họ cho là để trả thù Israel vì chiến dịch quân sự của nước này ở Gaza.
Ngày 14/3, Houthi thông báo họ đã trao cho Hamas quyền quyết định khi nào thả tàu Galaxy Leader. Phát ngôn viên của Houthi, ông Nasr Al-Din Amer nói với CNN: “Con tàu và thủy thủ đoàn nằm trong tay những người anh em trong phong trào Hamas và Lữ đoàn Al-Qassam”. Ông này cho biết thêm là đã thảo luận trực tiếp và liên tục với Hamas về việc có nên thả họ hay không. Ông nói: “Chúng tôi không tuyên bố sở hữu con tàu này”.
Theo ông Eduardo, Houthi có thể cũng muốn các nước chính thức công nhận họ là chính phủ Yemen để đổi lấy con tin, nhưng điều đó khó có thể xảy ra. Ông cho rằng sẽ khó có chính phủ nào công nhận một chính phủ tấn công tàu thuyền trên biển. Vì vậy đàm phán là không có ích gì, ngoại trừ đàm phán đề đảm bảo các điều kiện nhân đạo cho con tin.
Philippines đưa gần nửa triệu thuyền viên đi khắp thế giới mỗi năm, chiếm hơn 1/5 nhân lực ngành hàng hải. Số lượng lớn thuyền viên này có nghĩa là người Philippines phải đối mặt với những nguy hiểm lớn hơn nhiều khi lực lượng Houthi tấn công các tàu ở Biển Đỏ.
Sau vụ cướp tàu Galaxy Leader, đoạn video do nhóm Houthi công bố cho thấy các chỉ huy Houthi chào đón thủy thủ đoàn và hứa coi họ như những vị khách. Một người nói: “Các anh cần bất cứ thứ gì thì chúng tôi sẵn sàng cung cấp”.
Theo ông Eduardo, các thuyền viên được ăn uống đầy đủ, một số thậm chí còn tăng cân và không có dấu hiệu bạo lực. Họ được gọi điện hàng tuần với gia đình.
Hầu hết thuyền viên và tất cả người Philippines đều bị giam giữ trên tàu Galaxy Leader và có thể tự do di chuyển trên boong. Thỉnh hoảng, Houthi giam giữ các thủy thủ đoàn khác trên bờ.
Video tay súng Houthi chiếm tàu Galaxy Leader (nguồn: Houthi)
Ông Mohammed Al-Qadhi, một nhà phân tích xung đột Yemen ở Cairo (Ai Cập), nhận định: “Tôi nghĩ việc đối xử tốt với thuyền viên là vì lợi ích của Houthi. Những người đó là nạn nhân. Houthi không muốn các thuyền viên có hình ảnh xấu về mình”.
Philippines không có liên hệ ngoại giao trực tiếp chính thức với lực lượng Houthi nhưng làm việc thông qua một lãnh sự danh dự. Đây là một công dân Yemen được trao địa vị đặc biệt để đại diện cho Philippines và người này đã đến thăm các con tin vào tháng 1.
Tuy nhiên, vì lãnh sự danh dự đang ở Aden – nơi hoạt động của chính phủ Yemen được quốc tế công nhận và là đối thủ của Houthi, nên khó tiếp cận.
Theo chuyên gia Al-Qadhi, ngay cả khi chiến tranh ở Gaza kết thúc, Houthi có thể không thả con tin ngay lập tức: “Họ không muốn nhượng bộ ngay bây giờ mà không nhận lại được gì. Vì vậy, tôi nghĩ không có khả năng các thuyền viên sẽ được thả trừ khi có một thỏa thuận lớn hơn được dàn xếp trên phạm vi quốc tế, liên quan đến Gaza hoặc thậm chí với chính Houthi”.
Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, Galaxy Leader do công ty Nhật Bản Nippon Yusen điều hành. Theo công ty quản lý rủi ro hàng hải Ambrey Analytics, tàu này thuộc Ray Car Carriers, một công ty có liên quan tới một công dân Israel là Abraham Ungar.
Giờ đây, thay vì vận chuyển xe cộ đi toàn thế giới, tàu Galaxy Leader đã trở thành điểm thu hút khách du lịch đối với người dân Yemen tò mò. Họ đi thuyền nhỏ ra chỗ tàu Galaxy Leader để chụp ảnh.
Theo dữ liệu vệ tinh, khoảng hai tuần trước, Houthi đã cho di chuyển con tàu này từ vị trí ngoài khơi khoảng 2km đến vị trí cách thành phố cảng Hodeidah chỉ 500m.
Các cuộc tấn công của Houthi vào tàu thương mại đã ảnh hưởng đến một trong những tuyến đường sầm uất nhất thế giới thông qua Kênh đào Suez, buộc nhiều công ty phải chuyển hướng tàu đi đường dài hơn qua châu Phi.
Dữ liệu của Ambrey Analytics cho thấy đã xảy ra gần 100 sự cố nhằm vào các tàu thuyền ở khu vực Biển Đỏ và Eo biển Bab al-Mandab kể từ khi bắt đầu xung đột ở Gaza.
23 tàu đã bị hư hỏng do tên lửa hoặc máy bay không người lái của Houthi, có 3 tàu đã ghi nhận thương tích sau các cuộc tấn công. Con tàu Rubymar mang cờ Anh đã bị đánh chìm gần như hoàn toàn sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi vào cuối tháng 2.
Mỹ và Anh đã tiến hành nhiều đợt không kích vào các vị trí của Houthi ở Yemen kể từ tháng 2 nhưng điều đó không ngăn được các cuộc tấn công.
Hai người Philippines và một thuyền viên Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Houthi vào tàu M/V True Confidence ngày 6/3. Tàu bị trúng tên lửa chống hạm của Houthi và lửa nhanh chóng lan rộng trên tàu. Thủy thủ đoàn còn lại được Hải quân Ấn Độ giải cứu và đưa về Djibouti để điều trị.
Sau đó, người phát ngôn của Houthi là Yahya Sarea cho biết con tàu trên bị tấn công vì nó là của Mỹ. Ông nói: “Các hoạt động ở Biển Đỏ và Biển Arab sẽ không dừng lại cho đến khi không còn hành động bạo lực với người Palestine và Gaza không còn bị bao vây”.
Cuộc tấn công gây chết người nói trên đã đánh dấu leo thang bạo lực đáng kể.