Số phận hẩm hiu của sân bay lớn nhất Hy Lạp

Hellenikon từng phục vụ 10 triệu hành khách/năm, là cửa ngõ thế giới đến với Hy Lạp trong gần một thế kỷ. Nhưng 20 năm qua, sân bay này nằm phủ bụi im lìm.

Một thời hoàng kim

Tọa lạc bên bờ biển phía nam Athens, Cảng hàng không Hellenikon (mang nghĩa là "Hy Lạp") trong nhiều thập kỷ là sân bay quốc tế duy nhất ở Athens.

Bên trong phòng chờ tại sân bay Hellenikon.

Bên trong phòng chờ tại sân bay Hellenikon.

Khu phức hợp sân bay ban đầu được xây dựng từ cuối những năm 1930 khi ngành hàng không Hy Lạp còn trong giai đoạn sơ khai.

Trong Thế chiến thứ II, khi phe Trục (các quốc gia chiến đấu chống lại lực lượng đồng minh) chiếm đóng Hy Lạp, địa điểm này đã được không quân Đức quốc xã sử dụng và trở thành mục tiêu không kích của quân đồng minh. Chiến tranh kết thúc, Hellenikon là nơi phục vụ các lực lượng Hy Lạp, Hoa Kỳ và Anh. Nhưng đến những năm 1950, nơi đây đã trở thành trung tâm hàng không chính của Athens phục vụ thương mại.

Về sau, Hellenikon được chính quyền địa phương tái thiết như mở rộng đường băng và xây thêm một tháp kiểm soát mới, cùng các sảnh nhà ga.

Khi ngành du lịch Hy Lạp phát triển nhanh chóng, Hellenikon đã trở thành cửa ngõ cho hàng triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới khám phá những kỳ quan khảo cổ và những bãi biển thơ mộng đầy nắng và gió.

Tuy nhiên, ngày 30/3/2001 - sau nhiều năm tranh luận và lập kế hoạch - Hellenikon chính thức bị đóng cửa vô thời hạn, nhường chỗ cho một cơ sở lớn hơn, hiện đại hơn.

"Những năm 1990, sân bay đã phục vụ hơn 10 triệu hành khách/năm nhưng khi đất nước phát triển, Hellenikon không thể đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng", ông Vasilis Tsatsaragkos, Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Olympic Airlines chia sẻ với hãng tin CNN.

Kế hoạch tái thiết đình trệ

Năm 2004, một số phần của khu phức hợp bỏ hoang đã được chuyển đổi thành địa điểm tổ chức Thế vận hội Athens, thi đấu các môn bóng chày, đấu kiếm, chèo thuyền kayak và các sự kiện thể thao khác.

Sân bay Hellenikon nằm phủ bụi, im lìm trong 20 năm qua.

Sân bay Hellenikon nằm phủ bụi, im lìm trong 20 năm qua.

Nhưng khi Thế vận hội qua đi, khu đất rộng 1.530 mẫu Anh (619ha) này lại nằm lặng im cả chục năm. Rất nhiều kế hoạch tái thiết, chuyển đổi mục đích sử dụng được nêu ra rồi lại khép lại vì những bất đồng chính trị. Cũng có nguyên nhân khác nữa là Hy Lạp rơi vào hỗn loạn kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Đến năm 2014, một nhóm các nhà đầu tư đã ký thỏa thuận phát triển trị giá 915 triệu euro (tương đương 1 tỷ USD). Theo thỏa thuận, Hellenikon sẽ được chuyển đổi thành một trong những khu nghỉ dưỡng ven biển lớn nhất châu Âu với nhiều khách sạn và căn hộ sang trọng, trung tâm mua sắm, công viên, sòng bạc.

Tuy nhiên, những nỗ lực để khởi động dự án đã nhiều lần bị đình trệ do tranh cãi chính trị và rào cản từ thủ tục hành chính. Có thời điểm, khu vực này được dùng làm khu định cư không chính thức, nơi trú ngụ của hàng nghìn người tị nạn.

Gần đây, chính phủ Hy Lạp đã cam kết đẩy nhanh các thủ tục để khởi công dự án tái phát triển vốn bị trì hoãn thời gian qua. Các đội phá dỡ đã bắt đầu dọn dẹp vào tháng 7/2020, phá khối nhà đầu tiên trong số hàng trăm tòa nhà cần phải dỡ bỏ.

Nhưng đến nay, sau 4 năm, số phận sân bay vẫn hẩm hiu, hoang tàn. Phía bên ngoài sân bay, vẫn còn một vài chiếc máy bay Boeing đã ngừng hoạt động.

Ký ức hãng bay từng thống trị bầu trời Hy Lạp

Trong số các máy bay còn thấp thoáng hình ảnh tàu bay màu xanh trắng rỉ sét thuộc hãng hàng không Olympic Airways (OA). OA do ông trùm kinh doanh Aristotle Onassis sáng lập, bắt đầu hoạt động từ năm 1957 và đã đạt được thỏa thuận cùng chính phủ Hy Lạp để độc quyền vận tải hàng không.

Những chiếc máy bay hoen rỉ của hãng hàng không từng thống lĩnh bầu trời Hy Lạp.

Những chiếc máy bay hoen rỉ của hãng hàng không từng thống lĩnh bầu trời Hy Lạp.

OA đã nhanh chóng mở rộng đội bay và đưa Hy Lạp lên bản đồ du lịch toàn cầu. "Đây là hãng hàng không kết nối Hy Lạp với toàn thế giới", ông Vasilis Tsatsaragkos, Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Olympic Airlines nhớ lại.

OA ghi dấu ấn với thế giới ở dịch vụ khoang hạng sang, phần nào phản ánh phong cách xa hoa của chính người sáng lập. Ông là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới.

Các tiếp viên hàng không của hãng được nhắc đến nhiều khi mặc đồng phục sang trọng của các nhà thiết kế nổi tiếng như Coco Chanel và Pierre Cardin. Còn hành khách khoang hạng thương gia được thưởng thức bữa ăn trên đĩa sứ, cùng dao kéo mạ vàng và ly pha lê.

Sau khi nhà ga phía Đông do kiến trúc sư Saarinen thiết kế được mở cửa vào năm 1969, phục vụ tất cả các hãng hàng không nước ngoài, nhà ga phía Tây của Hellenikon đã được dùng dành riêng cho OA.

Song, một vụ tai nạn đau lòng xảy ra năm 1973 liên quan tới máy bay phản lực Piaggio hai động cơ cướp đi sinh mạng của Alexander, con trai ông Onassis đã gây chấn động Hy Lạp. Vụ tai nạn đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của OA.

Chỉ 2 năm sau, ngày 1/1/1975, ông Onassis chính thức bán công ty cho nhà nước và qua đời 2 tháng sau đó.

Trong 18 năm đầu tiên, OA đã nâng cấp đội bay từ 15 lên 28 chiếc - bao gồm Boeing 747-200B Jumbo (vốn được ví là kỳ quan công nghệ thời bấy giờ). Nhưng hãng hàng không quốc gia này đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tài chính và tình trạng quản lý yếu kém kéo dài.

Năm 2003, hãng được đổi tên thành Olympic Airlines nhưng cuối cùng cũng ngừng hoạt động vào năm 2009, cùng chung số phận với sân bay Hellenikon.

Dù hiện nay, cả sân bay Hellenikon và hãng hàng không OA chỉ còn là cái tên nhưng những ký ức hoàng kim về sân bay bị bỏ hoang và OA sẽ tồn tại mãi mãi, vì mọi kỷ vật liên quan đều được đặt trong một bảo tàng mới.

"Chúng tôi đã thu thập được 23.000 hiện vật ghi lại lịch sử của cả OA, hàng không dân dụng và vẫn đang tiếp tục thu thập tài liệu", ông Vasilis Tsatsaragkos, Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Olympic Airlines cho biết.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/so-phan-ham-hiu-cua-san-bay-lon-nhat-hy-lap-19224080522225162.htm