Đề án 1232/12321 Aist là loại tàu đổ bộ đệm khí đầu tiên được Hải quân Xô Viết đưa vào biên chế, sử dụng từ năm 1975 và sau đó tiếp tục được Hải quân Nga đưa vào sẵn sàng chiến đấu.
Tàu đổ bộ đệm khí đề án 1232/12321 Aist là loại tàu đệm khí tấn công cỡ lớn đầu tiên được đưa vào sử dụng bởi Hải quân Liên Xô. Đây là sản phẩm được thiết kế bởi Phòng Thiết kế Almaz trong giai đoạn 1964-1965 và đóng mới tại nhà máy đóng tàu Almaz thuộc Leningrad với 20 chiếc đã được chế tạo từ những giữa những năm 1970 cho đến 1985. Ảnh: Tàu đổ bộ đệm khí Aist cơ động tốc độ cao, chuẩn bị ủi bãi.
Lớp Aist có chiều dài 47.3m, rộng 17.8m, lượng giãn nước đầy tải khoảng 350 tấn. Thông số kích thước của tàu khá tương đồng với tàu đệm khí dân sự SR.N4 của Anh chế tạo. Trong tiếng Nga, tên của Aist có nghĩa là tàu đổ bộ cỡ nhỏ đặt trên đệm khí. Ảnh: Tàu đổ bộ đệm khí Aist sau khi đổ bộ lên bờ.
Đề án 1232/12321 được trang bị 2 động cơ Tuabin-khí NK-12MV công suất 9.600 mã lực mỗi chiếc, kết hợp với 2x2 bộ cánh quạt khí mỗi bộ có 4 cánh, hướng ra phía sau giúp cho tàu có thể đạt vận tốc tối đa cực kỳ khủng khiếp lên tới 70 hải lý/h. Tầm hoạt động 120 hải lý với vận tốc 50 hải lý/h. Ảnh: Tàu đổ bộ đệm khí Aist lao lên bờ với tốc độ cực cao.
Tàu cũng có sức tải lên tới 80 tấn hàng hóa, đủ để chở 4 xe tăng hạng nhẹ và 50 chiến sĩ, 2 xe tăng chiến đấu hạng trung với 200 lính hoặc 3 xe bọc thép chở quân (APC) với 100 người. Cùng với đó là thủy thủ đoàn 15 người (3 sĩ quan). Ảnh: Binh sĩ đổ bộ từ khoang tàu Aist.
Về vũ trang, tàu trang bị 2 hệ thống pháo cao tốc AK-230 cỡ 30mm được dẫn bắn bởi radar kiểm soát hỏa lực MR-104 Drum Tilt nhằm chống lại các mục tiêu mặt biển cỡ nhỏ cũng như máy bay, trực thăng bay thấp, ngoài ra một số lượng tàu còn được trang bị thêm giá phóng tên lửa phòng không vác vai tầm thấp Strela-2 cho nhiệm vụ bảo vệ tàu khỏi các mối đe dọa từ trên không trung. Ảnh: Xe tăng hạng nhẹ PT-76 đổ bộ ra từ khoang tàu Aist.
Nguyên mẫu đầu tiên của Aist là đề án 1232 được chế tạo thành công vào năm 1970, sau khi vượt qua các cuộc thử nghiệm thực tế của Hải quân Liên Xô, nó đã chính thức được chọn đưa vào sản xuất loạt với định danh 12321 tại nhà máy đóng tàu Almaz. Đến đầu những năm 1990, đã có tổng cộng 20 chiếc Aist được chế tạo. Ảnh: Sơ đồ cấu tạo bên trong của tàu đệm khí Aist.
Số phận hẩm hiu của những con tàu đệm khí này sau khi Liên Xô sụp đổ, hầu hết chúng đã bị cho loại biên. Cho đến năm 2004, chỉ còn lại 6 chiếc Aist là đang hoạt động trong biên chế Hải quân Nga. Theo ghi nhận, 3 chiếc Aist còn phục vụ đang trong biên chế Hạm đội Biển Baltic và 3 chiếc còn lại thuộc Hạm đội biển Caspian. Các tàu này đã được sửa đổi, nâng cấp tăng lượng giãn nước lên đáng kể giúp chở được nhiều phương tiện hơn tuy nhiên lại giảm tầm hoạt động của con tàu. Ảnh: Biên đội tàu đổ bộ đệm khí Aist của Hải quân Liên Xô.
Trong năm 1980, tàu đổ bộ Aist đã thực hiện nhiệm vụ cơ động lực lượng bao gồm cả binh sĩ, xe bọc thép và xe tăng hạng nhẹ đổ bộ lên bãi biển của Đông Đức trong khuôn khổ cuộc diễn tập chung của các quân đội thuộc khối Waszawa. Đây là một hình ảnh cực kỳ đặc biệt và hiếm hoi, không nhiều người có thể biết về việc đây chính là lớp tàu đổ bộ đệm khí đầu tiên được Hải quân Liên Xô sử dụng. Ảnh: Cơ động phương tiện và người từ trong tàu Aist xuống bãi biển của Đông Đức.
Dẫu vậy, Aist có một số nhược điểm đó là vũ trang cực kỳ hạn chế, chỉ có hai bệ pháo cao tốc AK-230 và một số tên lửa phòng không vác vai. Điều này khiến cho tàu không thể hỗ trợ lực lượng đổ bộ dọn bãi biển, chi viện hỏa lực tiêu diệt vị trí công sự phòng thủ của đối phương bằng các loại pháo phản lực, pháo hạm,.. mà bắt buộc phải có sự phối thuộc của các lực lượng tác chiến khác nếu muốn đảm bảo thắng lợi cao nhất. Ảnh: Xe thiết giáp và binh sĩ Liên Xô đổ bộ từ Aist.
Có thể nói rằng, với việc là tàu đổ bộ đệm khí chiến đấu đầu tiên được sử dụng bởi Hải quân Liên Xô, Aist đã hoàn thành cực kỳ tốt vai trò tác chiến của mình như mang theo được số lượng phương tiện và người, có tốc độ cực cao và có thể leo thẳng lên bãi biển giúp chiến sĩ bớt bị tổn thương bởi hỏa lực phòng thủ của đối phương hơn. Dẫu vậy, không rõ hiện nay liệu Nga có còn sử dụng Aist nữa hay không. Ảnh: Tàu đổ bộ Aist phối hợp tác chiến cùng biên đội trực thăng Mi-8 vũ trang.
Video Những siêu tàu đổ bộ lớn nhất thế giới - Nguồn: QPVN