Số phận mịt mờ của siêu tàu dầu Iran vừa được thả
Điều gì chờ đợi Adrian Darya 1 trong những ngày tới là một câu hỏi lớn dù con tàu này đã được chính quyền Gibraltar trả tự do.
Adrian Darya 1, tên cũ là Grace 1, bị lực lượng Anh bắt ở ngoài khơi Gibraltar hôm 4/7, với cáo buộc vi phạm lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) vì chở dầu đến Syria. Các nhà chức trách Gibraltar đã tạm giữ tàu 45 ngày rồi thả, bất chấp yêu cầu của Mỹ muốn tiếp tục giữ tàu.
Iran cảnh báo Washington không can thiệp vào hành trình của Adrian Darya 1, trong khi Mỹ dọa sẽ phạt bất cứ bên nào hỗ trợ con tàu.
Báo Bloomberg đặt ra một số vấn đề nan giải với số phận Adrian Darya 1.
Tàu hiện đang ở đâu?
Rời khỏi Gibraltar, Adrian Darya 1 hiện đang di chuyển theo hướng đông trên Địa Trung Hải và phát tín hiệu tới cảng Kalamata của Hy Lạp. Con tàu mang cờ Iran (trước đó mang cờ Panama).
Mỹ sẽ bắt giữ tàu?
Mỹ từng thử điều đó nhưng không thành công. Một tòa án Mỹ đã phê chuẩn đơn bắt giữ con tàu cùng hàng hóa nhưng giới chức Gibraltar không làm theo yêu cầu. Mỹ có thể tìm cách bắt giữ Adrian Darya 1 một lần nữa nếu tàu dừng tại một cảng khác ở Địa Trung Hải. Do vậy, giới chức Iran sẽ cố tránh nguy cơ này.
Bất kỳ nỗ lực nào của Hải quân Mỹ muốn bắt con tàu hoặc cản trở nguồn tiếp tế trên biển đều có thể làm leo thang nghiêm trọng những căng thẳng hiện nay giữa hai nước. Đang nắm trong tay một tàu dầu Anh, Iran gần như chắc chắn sẽ phản ứng bằng cách gia tăng hoạt động ở Eo biển Hormuz.
Tại sao Gibraltar thả tàu Iran?
Chính quyền Gibraltar cho biết, các quy định của EU không cho phép vùng lãnh thổ này xin lệnh tòa án bắt giữ tàu dầu Iran. Đó là do "những khác biệt trong các cơ chế trừng phạt của EU và Mỹ áp đặt với Iran", theo thông cáo từ chính quyền Gibraltar. "Cơ chế cấm vận của EU nhằm vào Iran, có thể áp dụng ở Gibraltar, hạn hẹp hơn nhiều so với những gì được áp dụng ở Mỹ".
Tàu vẫn mang dầu thô Iran?
Có vẻ như vậy. Đồ họa của con tàu – độ sâu choán nước – được báo cáo là 22,1m. Điều này cho thấy nó đang chở tổng lượng hàng khoảng 2 triệu thùng dầu thô. Số liệu được trưởng tàu nhập bằng tay vào Hệ thống nhận dạng tự động của tàu nên có thể không chuẩn, nhưng không có bằng chứng tàu đã xả hàng khi neo đậu ngoài khơi Gibraltar.
Tàu đang đi đâu?
Dữ liệu theo dấu tàu thuyền cho thấy Kalamata là đích đến của Adrian Darya 1 kể từ ngày 25/8. Cảng này có thể không phải là đích đến cuối cùng vì nó quá nhỏ để tiếp nhận con tàu to lớn, và các nhà chức trách Hy Lạp cũng tuyên bố sẽ không trợ giúp con tàu.
Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis nói trong một cuộc phỏng vấn của kênh France 24 TV rằng, con tàu không hướng đến Hy Lạp. Nếu tàu chuẩn bị tới nước này thì một thỏa thuận trợ giúp pháp lý giữa Washington và nước đó có thể phơi con tàu ra cho Mỹ bắt giữ, theo Stephen Askins, một đối tác của hãng luật hàng hải Tatham & Co.
Cyprus cũng sẽ không cho tàu dầu Iran tiến vào lãnh hải của mình nếu nhận được tín hiệu đề nghị từ tàu, theo một nhà ngoại giao của quốc đảo này.
Hàng hóa sẽ tập kết nơi nào?
Hiện vẫn chưa rõ lượng dầu thô trên tàu Adrian Darya 1 sẽ được dỡ ở đâu. Iran cam kết với chính quyền Gibraltar rằng tàu sẽ không tới Syria. Tiến trình hành động có thể nhất là xả hàng cho các tàu nhỏ hơn và những tàu nhỏ này sẽ giao hàng đến đích. Để làm được điều đó, Adrian Darya 1 sẽ phải tắt thiết bị phát tín hiệu định vị và "ẩn mình". Điều này là vô cùng khó đối với một con tàu đang bị theo dõi từng cử động.
Tàu quay về Iran?
Tàu không thể trở về Iran nếu tiếp tục hành trình hiện thời mà không xả bớt một phần hàng hóa. Với kích cỡ và trọng tải hiện nay, nó quá lớn để di chuyển qua kênh Suez. Kể cả Adrian Darya 1 có thể đi qua đó thì hải trình này cũng rất rủi ro nếu tàu bị Ai Cập bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ.
Lựa chọn duy nhất của Iran là trở ngược lại Đại Tây Dương và vòng quanh mũi châu Phi. Hành trình đó tính từ Gibraltar tới Eo Hormuz dài 18.000km. Tàu chắc chắn cần tiếp nhiên liệu thì mới có thể thực hiện được và đây là một vấn đề.
Ai sẽ tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm cho tàu?
Có được nhiên liệu và nhu yếu phẩm là rất khó đối với Adrian Darya 1. Mỹ đã cảnh báo rằng các cảng biển, ngân hàng hay bất kỳ ai giúp đỡ con tàu đều có thể bị trừng phạt. Điều này khiến tàu khó mà được tiếp nhiên liệu ở Địa Trung Hải.
Một lựa chọn là tiếp tế giữa tàu với tàu, tức là dùng một con tàu của một thực thể không liên quan đến Mỹ hoặc sẵn sàng chịu phạt. Tàu Nga hoặc Syria có thể phù hợp trong trường hợp này.