Số phận những con cá heo và người dân trên hòn đảo đang chìm
Người dân tại đảo Fanalei thuộc Quần đảo Solomon xem nghề săn cá heo là nguồn sống và là nguồn hy vọng giúp họ tiếp tục cuộc sống, trong bối cảnh hòn đảo đang dần bị nước biển nhấn chìm.
Đảo Fanalei là một hòn đảo nhỏ thuộc Quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương và đang đối mặt nước biển dâng. Tại đó, mỗi đêm, khi tiếng kèn vỏ ốc được vang lên, những người săn cá heo thức dậy và đi ra khỏi giường. Dưới ánh trăng, 6 người đàn ông lê bước đến nhà thờ làng.
Ở đó, một vị linh mục hướng dẫn họ cầu nguyện thì thầm. Sau đó, họ chèo thuyền gỗ ra xa bờ hàng km.
Sau nhiều giờ quan sát đường chân trời, ông Lesley Fugui – một trong những người đi săn – nhìn thấy một chiếc vây cắt ngang mặt nước phẳng lặng. Ông giơ một cây sào tre dài 3 m có gắn vải lên cao, báo cho những người khác về phát hiện của mình. Sau đó, ông gọi điện cho vợ báo rằng đã tìm thấy cá heo. Từ đây, cuộc săn sẽ bắt đầu.

Đảo Fanalei nhìn từ trên cao. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Nguồn sống
Những người đàn ông này nằm trong số những người đi săn cá heo cuối cùng của Quần đảo Solomon. Một số nhà bảo tồn cho rằng những cuộc đi săn cá heo thế này là tàn ác và không cần thiết.
Nhưng đối với khoảng 130 cư dân của Fanalei, hoạt động săn cá heo truyền thống đã trở nên cấp thiết trở lại khi biến đổi khí hậu đe dọa ngôi nhà của họ. Họ cho biết họ cần cá heo để lấy răng nhằm mua đất ở vùng đất cao hơn và thoát khỏi ngôi nhà đang chìm dần của họ.
Mỗi chiếc răng có giá 3 đô la Quần đảo Solomon (khoảng 0,36 USD). Đây là mức giá do các tù trưởng Fanalei đặt ra. Một cuộc săn bắt khoảng 200 con cá heo có thể mang lại hàng chục nghìn đô la quần đảo Solomon, nhiều hơn bất kỳ hoạt động kinh tế nào khác trên đảo.
Theo thời gian, răng cá heo đã giúp dân làng có tiền xây nhà thờ mới, kè chắn sóng và mở rộng trường tiểu học địa phương.
"Chúng tôi cũng cảm thấy tiếc vì đã giết chết những con cá heo, nhưng chúng tôi thực sự không có lựa chọn nào khác" – ông Fugui nói. Ông cũng cho hay sẵn sàng nghỉ đi săn nếu có một cách khác để đảm bảo tương lai cho gia đình ông.
Theo The New York Times, giờ đây, người dân trên đảo Fanalei không thể trồng trọt trên hòn đảo này được nữa. Vùng đất từng màu mỡ này đã bị hủy hoại do nước mặn xâm lấn và nước biển dâng. Chính phủ đã thúc đẩy nghề nuôi rong biển để tăng thu nhập cho người dân và các nhóm bảo tồn ở nước ngoài chấp nhận chi tiền mặt để chấm dứt nạn săn bắt.
Tuy nhiên, đối với người dân trên đảo Fanalei, đại dương vẫn là mối đe dọa hiện hữu. Nghiên cứu của chính phủ Quần đảo Solomon cho thấy hòn đảo này có thể chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này.
"Đối với một hòn đảo thấp như đảo của chúng tôi, chúng tôi tận mắt chứng kiến mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi như thế nào" – ông Wilson Filei, tù trưởng của Fanalei, cho biết.

Người dân trên xuồng săn cá heo. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tương lai của cá heo và của người dân đảo Fanalei
Trong mùa săn bắt cá heo kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4, người dân ở đây có thể giết tới 1.000 con cá heo. Tuy nhiên, những người thợ săn cho biết thời tiết ngày càng trở nên khó lường, khiến họ khó xác định vị trí và bẫy được một đàn cá heo.
Trong khi thịt cá heo được người dân hòn đảo sử dụng làm thức ăn và trao đổi với các đảo lân cận để lấy thức ăn, hạt cau và các sản phẩm khác, thì răng cá heo mới là phần giá trị nhất sau các cuộc săn bắt. Chúng được sử dụng cho các hoạt động văn hóa. Ngoài ra, gia đình của những chú rể cũng mua hàng trăm chiếc răng cá heo để tặng cho cô dâu trong lễ dạm ngỏ.

Vòng cổ có gắn răng cá heo được bày bán tại Quần đảo Solomon. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Răng cá heo sau khi được thu thập sẽ được chia cho mọi gia đình theo một hệ thống phân cấp nghiêm ngặt. Theo đó, những người thợ săn sẽ nhận được phần lớn nhất (giải nhất); những người đàn ông đã kết hôn không tham gia săn cá heo sẽ nhận được phần lớn thứ hai; và những chiếc răng còn lại sẽ được chia cho những góa phụ, trẻ mồ côi và những hộ gia đình khác không có đại diện là nam giới.
Những người đứng đầu làng cũng để dành một phần răng vào "giỏ cộng đồng" để làm các công trình lớn. Một ngày nào đó, họ hy vọng “giỏ cộng đồng” có thể giúp họ mua đất để mở rộng một ngôi làng tái định cư trên đảo Nam Malaita rộng lớn hơn.
“Giỏ cộng đồng” là một hy vọng lớn đối với những cư dân như ông Eddie Sua và gia đình ông. Ông Sua từng là một ngư dân và thợ săn cá heo lành nghề. Cách đây 2 năm, ông bị liệt từ cổ trở xuống và phải nằm liệt giường kể từ đó. Những ngày này, khi thủy triều lên, ngôi nhà của ông bị ngập lụt.
"Chúng tôi sợ những trận lụt này” – ông Sua nói.
Cô Florence Bobo – vợ ông Sua – nói rằng việc săn cá heo rất tốt, đặc biệt là khi chồng bà không thể nuôi sống gia đình như trước đây. Cả hai đều hy vọng cuối cùng sẽ có đủ tiền để chuyển khỏi đảo.
“Nếu chúng tôi không có răng cá heo, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ăn đá” – ông Sua nói đùa.
Nhưng săn cá heo thành công không bao giờ là điều dễ dàng.
Điển hình, sau khi phát hiện ra cá heo, ông Fugui và những người thợ săn khác bắt đầu đập những tảng đá to bằng nắm tay dưới nước để tạo tiếng động lùa đàn cá heo vào bờ. Nhưng vào lúc đó, một chiếc tàu đánh cá chạy ngang qua phía sau họ, tiếng động cơ của tàu lấn át tiếng đá chạm nước. Cá heo tản đi và những người đi săn trở về tay không.

Ngôi nhà của ông Eddie Sua ngập nước mỗi khi thủy triều lên cao. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Các chuyên gia cho biết vẫn chưa rõ liệu việc săn bắt cá heo có tác động toàn diện ra sao đến môi trường. Nhà sinh vật học biển Rochelle Constantine cho hay những đàn cá heo bị bắt thường là những quần thể khỏe mạnh, nhưng tác động của việc săn bắt này đối với loài cá heo nói chung dường như vẫn chưa thể đánh giá được.
Tuy nhiên, khi cuộc sống hàng ngày của người dân tại đảo Fanalei vẫn bị nước biển dâng đe dọa thì tương lai của loài cá heo không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ lúc này.
“Săn cá heo có thể là bản sắc của chúng tôi, nhưng mạng sống của chúng tôi và mạng sống của con cháu chúng tôi mới là điều quan trọng” – ông Fugui nói.