Kỷ niệm trận 'Điện Biên Phủ' trên không 47 năm về trước, xin giới thiệu bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Oleg Kaptsov.
Một trong những máy bay mạnh nhất và hiện đại nhất thời bấy giờ, ông tổ của lớp máy bay ném bom chiến thuật có khả năng cơ động động tốt, đồng thời có thể tự bảo vệ được mình nếu cần phải không chiến. "Chiếc dùi có nhân hạt nhân", được trang bị tổ hợp ngắm bắn và điều khiển hiện đại để thực hiện các cú đột phá tốc độ cao ở độ cao thấp xuyên qua hệ thống phòng không dày đặc của đối phương.
Máy bay chiến đấu một động cơ lớn nhất trong lịch sử hàng không quân sự thế giới (chỉ F-35 có trọng lượng lớn nó, không một máy bay nào có kích thước lớn hơn nó). Sức mạnh tấn công chủ yếu của Không quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Tên của phép màu nói trên là “Republic F-105 Thunderchief” hoặc đơn giản hơn - chỉ là"Thud" cùng nhiều biệt danh khác.
Chiếc máy bay độc đáo này do một người đồng hương cũ của chúng ta (Nga) là nhà thiết kế máy bay Alexandr Kartveli (Kartvelishvili- 1896-1974, Công trình sư, nhà sáng chế, phi công thử nghiệm, kỹ sư người gốc Georgia thuộc Đế quốc Nga khi đó- ND) chế tạo. Cùng với một người di tản gốc Nga khác là Alexandr Seversky, ông đã thành lập hãng Republic Aviation và đã chế tạo được các siêu phẩm hàng không như: máy bay tiêm kích hộ tống hạng nặng P-47 Thunderbolt, “Kẻ hủy diệt” chủ yếu trong Chiến tranh Triều Tiên F-84 “Thunderjet”, phiên bản cánh hình mũi tên của nó (F-84) là F-84F “Thunderstreak”, máy bay trinh sát RF-84F “Thunderflash” và máy bay tiêm kích - ném bom F-105 “Thunderchìef”. Sản phấm sáng tạo cuối cùng của Kartveli là máy bay cường kích chống tăng A-10 “Thunderbolt II”.
Các công tác nghiên cứu- thiết kế Dự án №63 (“Thunderchief” ) được công ty Republic Aviation chủ động thực hiện mà không chờ đơn đặt hàng từ phía Không quân Mỹ. Ngay từ 10 năm trước khi chiếc máy bay trinh sát tầm cao U-2 do phi công Mỹ Powers điều khiển bị bắn hạ trên bầu trời Sverdlovsk, Liên Xô (nay là thành phố Ekacherinburg-ND), Kartveli đã nhận ra rằng bay ở độ cao lớn- đó là một cái chết chắc chắn và không thể tránh khỏi. Sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống phòng không và kỹ thuật radar không cho phép tiếp tục thiết kế máy bay theo hướng này (bay ở độ cao lớn). Cứu cánh duy nhất – bay ở độ cao thấp và cực thấp, nơi sóng radar không thể với tới.
Học thuyết chế tạo máy bay ném bom mới cũng đòi hỏi phải từ bỏ ý tưởng chế tạo các “pháo đài bay" bay chậm. Máy bay tấn công mới phải có được tất cả các tính năng cần thiết của một máy bay tiêm kích, để nếu cần thiết, sẵn sàng tiến hành một trận không chiến với đối phương. Hình thuôn dài như thú săn mồi. Các “răng nanh” của bộ hút khí nhô về phía trước. Trọng lượng cất cánh tối đa- tới 23,8 tấn. Tốc độ tối đa- 2,08 M. Một động cơ. Một phi công. Hệ thống ngắm bắn- điều khiển NASARR R-14A của radar dải sóng centimet AN / AGC-19 chuyên phát hiện các mục tiêu tương phản radar trên mặt đất (đường ô tô, các khúc lượn trên sông, các công trình xây dựng, cầu cống) và hiệu chỉnh hệ thống dẫn đường Doppler.
Ngoài ra, radar trên máy bay có thể xác định cự ly từ máy bay đến mục tiêu, cảnh báo chướng ngại vật trên đường bay khi bay ở độ cao thấp và ngắm bắn mục tiêu trong các trận không chiến. Ngoài ra, trong hệ thống điện tử hàng không của F-105 còn có máy tính cắt bom AN / ASG-19 “Thunderstick” kết nối với một thiết bị tự động điều khiển bay đảm bảo cho F-105 khả năng ném bom tự động cả khi đang bay ngang, khi đang lấy độ cao và cả khả năng “ném bom qua vai”.
Vũ khí: pháo sáu nòng “Vulcan" với cơ số đạn 1.028 viên. Khoang bom bên trong dài 4,5 mét và 5 móc treo bom bên ngoài. Tải trọng tác chiến- 6,7 tấn. Bán kính tác chiến khi mang (một) bom nhiệt hạch Mk.28 và ba thùng dầu phụ là 1.252 km. Với phiên bản quy ước (mang vũ khí thông thường): 16 quả bom 750 cân Anh và thùng nhiên liệu trong khoang bom, bán kính tác chiến của “Thud” - 500 km. Có hệ thống tiếp nhiên liệu khi bay. Alexandr Kartveli quả thực là có cái gì đó để tự hào.
Chuyến bay của nguyên mẫu đầu tiên YF-105A được thực hiện năm 1955. Máy bay được sản xuất hàng loạt từ năm 1958 và kéo dài 6 năm tiếp theo, cho đến khi “Thunderchief” được thay thế bằng “Phantom” phổ biến hơn. 833 chiếc máy bay tiêm kích -ném bom ba biến thể chính (F-105B, F-105D và F-105F) đã được xuất xưởng và hai chương trình hiện đại hóa (EF-105F và F-105G) đã được thực hiện.Đến đầu thập niên 60,các máy bay tiêm kích- ném bom F-105 (phiên bản mang vũ khí hạt nhân) đã được triển khai tại các căn cứ không quân ở Tây Âu, Bắc Phi và Viễn Đông,- chúng luôn trong tình trạng sẵn sàng trở thành lực lượng nòng cốt cho một cuộc tấn công nhằm vào Liên Xô. Nhưng "những thời khắc lịch sử" của “Thud” lại là cuộc chiến tranh Việt Nam.
Chính “những anh hùng khiêm tốn” F-105, chứ không phải là những “Con ma” (“Phantom”) “Pháo đài bay” 'B-52 quá khét tiếng, mới là lực lượng tấn công chủ yếu trong những năm đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam (chúng thực hiện75% các nhiệm vụ tấn công). Kể cả về sau này, khi “người kế nhiệm” là “Phantom” và máy bay ném bom thế hệ mới F-111đã đến Chiến trường Việt Nam để thay thế chúng. Chúng bay nhiều giờ nhất, được “tin tưởng” giao những nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm nhất và được lệnh tấn công những mục tiêu khó nhằn nhất. Ảnh: “Thunderchief” cơ động tránh tên lửa phòng không.
Kho chứa dầu chính ở ngoại ô Hà Nội (kho xăng Đức Giang-ND), nhà máy luyện kim (gang thép) Thái Nguyên, cây cầu đường sắt bắc qua sông Hồng gần biên giới với Trung Quốc, sân bay Cát Bi, nơi lắp ráp các máy bay lên thẳng do Liên Xô cung cấp, căn cứ chính của "MiG", tức căn cứ không quân (sân bay) Phúc Yên... Nhưng những cuộc không kích cực kỳ ác liệt của chúng (F-105) đã vẫn không thể bẻ gãy được ý chí của quân dân Bắc Việt. Ảnh: МiG-17 trúng đạn pháo sáu nòng của "Thud", trận không chiến ngày 3/6/1967.
Người Mỹ (nguyên văn- Yankee) vấp phải sự kháng cự khủng khiếp (nguyên văn- điên cuồng) của đối phương: tại khu vực Hà Nội, Bắc Việt đã bố trí một hệ thống phòng không mật độ dày đặc chưa từng có trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới: hơn 7.000 pháo phòng không cỡ nòng trên 37 ly, các tổ hợp tên lửa phòng không (trong những năm chiến tranh, Bắc Việt đã được Liên Xô cung cấp 60 tiểu đoàn (cơ số) tên lửa phòng không S-75 với 7.500 quả tên lửa phòng không), các máy bay tiêm kích MiG.
Tổn thất (F-105) của người Mỹ trên bầu trời Việt Nam thật khủng khiếp- theo số liệu chính thức, Mỹ đã mất tới 382 chiếc “Thunderchief” tại Việt Nam (theo một số nguồn khác, 395 chiếc) – chiếm gần một nửa số máy bay ném bom tiêm kích-ném bom loại này được chế tạo.Trong dố đó, có 17 chiếc bị tên lửa phòng không bắn hạ, 11 chiếc là nạn nhân của các máy bay tiêm kích MiG và số còn lại- hỏa lực của pháo phòng không. Về phần mình, “Thud” đã thực hiện khoảng 20.000 lần xuất kích tác chiến trên bầu trời Việt Nam; Theo số liệu của Không quân Mỹ, F-105 đã đượctính là giành được 27,5 chiến thắng trên không.
Những tổn thất rất nặng nề như trên không phải là kết quả của bất kỳ một tính toán sai lầm nào khi thiết kế “Thunderchief”. Hoàn toàn ngược lại, F-105 có khả năng sống sót đáng kinh ngạc đối với các máy bay một động cơ. Một trường hợp được biết là “Thud” đã trở về được căn cứ với 87 lỗ thủng trên thân máy bay - mặc dù bị thương ở tay và chân, viên phi công Mỹ lái chiếc F-105 này vẫn tiếp được nhiên liệu cho chiếc máy bay bị thương từ máy bay tiếp dầu KC-135 và bay về căn cứ tạiThái Lan. Một lần khác, một F-105 bị gãy đuôi do “Phantom” phóng nhầm tên lửa “Sparrow” vẫn trở về được căn cứ. Và còn một số trường hợp khác.
Phi công và các nhân viên kỹ thuật tại các căn cứ không quân chỉ “phàn nàn” về một số vấn đề như độ ồn cao bất thường, tốc độ hạ cánh cao, công tác bảo dưỡng kỹ thuật phức tạp do có quá nhiều thiết bị vô tuyến điện tử (thời gian đầu cần tới 150 giờ bảo dưỡng/một giờ bay!), cũng như động cơ hoạt động không ổn định do pháo bắn với tốc độ quá nhanh.
Trang thiết bị vô tuyến điện tử trên "Thunderchief" Nhưng trên thực tế, F-105 có hai nhược điểm nghiêm trọng khác. Ngay các chuyến xuất kích tác chiến đầu tiên đã cho thấy điểm yếu của “Thunderchief” là có quá ít nhiên liệu. Khi tiến hành các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, các máy bay F-105 mang bom cần hai lần tiếp nhiên liệu cho mỗi chuyến xuất kích: chiều đi và chiều về. Trong trường hợp ngược lại, lượng nhiên liệu hạn chế không cho phép máy bay tăng tốc và tham gia vào các trận không chiến. Máy bay ném bom với hệ thống nhiên liệu bị hỏng không có cơ hội nào quay trở lại căn cứ.
Nhược điểm thứ hai liên quan đến việc không có hệ thống điều khiển cơ dự phòng. Các kỹ sư của Republic cho rằng chỉ cần có hệ thống điều khiển thủy lực dự phòng trên máy bay là đủ, nhưng cuộc chiến thực sự đã chứng minh điều ngược lại: trong một số trường hợp, chỉ một quả đạn cũng có thể làm hỏng cả hai hệ thống thủy lực – và chiếc máy bay ném bom không kiểm soát được cùng viên phi công sẽ làm cú bổ nhào lần cuối cùng.
Cùng với sự leo thang của cuộc xung đột tại Đông Nam Á, “Thunderchief” buộc phải nhận thêm một nhiệm vụ thậm chí còn phức tạp và nguy hiểm hơn- Các phi đội F-105 đặc biệt có nhiệm vụ chính là chế áp các hệ thống phòng không, trước hết là các trận địa tên lửa phòng không Bắc Việt. Thời kỳ đầu, các F-105 hành động vô cùng “xấc xược” và đơn giản. Do không có phương tiện phát hiện sớm các trận địa tên lửa phòng không, “Thud” bay đến khu vực được cho là có trận địa của đối phương, nhưng lúc nào cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động để “né” các tên lửa phòng không phóng vào chúng.
Trong khi một biên đội nghi binh liên tục cơ động để thu hút sự chú ý của đối phương , biên đội tấn công công kích các trận địa tên lửa phòng không bằng hỏa lực từ pháo (4000-6000 phát / phút.), bom chùm thông thường và các tên lửa. Bước phát triển hợp lý tiếp theo là kết hợp các chức năng của cả hai máy bay vào một chiếc- “hai trong một” – một biến thể F-105F “Combat Martin” do hai phi công điều khiển được mệnh danh là “thợ săn radar” đã được phát triển từ máy bay chiến đấu- huấn luyện.
Các trang thiết bị mới trên máy bay này- thiết bị định vị nguồn phát sóng vô tuyến và thiết bị phát nhiễu làm gián đoạn các kênh liên lạc giữa sở chỉ huy với phi công lái MiG Việt Nam. Vũ khí chủ yếu là tên lửa chống radar AGM-45 "Shrike" và tên lửa hạng nặng AGM-78 Standard ARM (biến thể tên lửa phòng không Standart trang bị cho các tàu được lắp đầu tự dẫn “lần” theo tín hiệu radar). Từ năm 1970, nhiều chiếc “Thunderchief” hiện đại hơn được điều đến tham chiến tại chiến trường Đông Dương - đó là F-105G (Wild Weasel III). Nhưng than ôi, dù cực kỳ mạnh và rất hoàn hảo, những “Thunderchief” mới dù rất hiện đại này cũng đã không thể nào thực hiện nổi nhiệm vụ vô hiệu hóa lưới lửa phòng không Việt Nam. Số lượng “Thợ săn” trở thành “con mồi” ngày càng nhiều.
Những chuyến xuất kích tác chiến cuối cùng của F-105G được thực hiện tháng 10/1974. Sau đó không còn chiếc máy bay nào kiểu này tham gia vào bất kỳ hoạt động tác chiến nào nữa. Chúng cũng không được xuất khẩu. “Thunderchief” dần lạc hậu được đưa đi niêm cất bảo quan hoặc bàn giao cho các phi đội không quân Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ. “Thunderchief” cất cánh lần cuối cùng tháng 1/1984. Đến thời điểm hiện tại, đã không còn một chiếc F-105 nào bay nữa, những chiếc máy bay từng “lừng lẫy” những năm 60 giờ đã là hiện vật của nhiều bảo tàng không quân trên thế giới.