Số phận truân chuyên của siêu tiêm kích MiG-29K Nga
Năm 1988, chiếc máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay đầu tiên của Phòng thiết kế Mikoyan ra đời với tên gọi 'sản phẩm 9-31', sau này gọi là MiG-29K.
MiG-29 ban đầu được cho là không có phiên bản trên boong tàu, vì Phòng thiết kế Mikoyan đang chuẩn bị MiG-23K cho vai trò này. MiG-23K là chiếc đầu tiên bắt đầu huấn luyện tại sân bay Nitka tại Crưm, nhưng sự chậm trễ trong việc chế tạo tàu sân bay đã dẫn đến việc Bộ Quốc phòng Liên Xô quyết định từ bỏ chiếc máy bay này để chuyển sang MiG-29. Hơn nữa, MiG-23 ở nhiều khía cạnh đã không còn làm hài lòng giới quân sự vào đầu những năm 1980.
Theo techinsider.ru, quá trình phát triển máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay MiG-29K bắt đầu vào năm 1984 và tạo ra những khác biệt rất lớn so với MiG-29 cơ bản khi nhận được khung máy bay gia cố bằng vật liệu composite tăng lên 15%, càng đáp được gia cố với thanh chống phía trước hoàn toàn mới, cánh gập và sải cánh khi gập lên tới 7,8 mét.
Ngoài ra, các nhà thiết kế đã loại bỏ dù phanh và thay thế bằng móc phanh, tăng cường bảo vệ chống ăn mòn, cải thiện cơ giới hóa cánh và giảm trọng lượng toàn máy bay. Tất cả những điều này giúp tăng tải trọng và cung cấp nhiên liệu lên 4.500 kg. Máy bay chiến đấu này cũng được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, radar Zhuk-ME mới và động cơ RD-33MK sửa đổi.
Trọng lượng cất cánh tối đa của MiG-29K là 24.400 kg, tầm bay với thùng nhiên liệu ngoài là 1.050 km, tốc độ tối đa 2.200 km/h, trần bay 17.000 mét. Chiếc máy bay này được thiết kế để bảo vệ một nhóm tàu sân bay ở khoảng cách ngắn và giành ưu thế trên không cũng như tấn công các mục tiêu trên biển và mặt đất.
Tuy nhiên, sự phát triển của dự án đã bị ngăn cản bởi việc sụp đổ của Liên Xô, thiếu kinh phí và tình hình kinh tế khó khăn trong những năm 1990, do đó công việc chế tạo MiG-29K bị đình trệ. Giống như nhiều chương trình quốc phòng khác trong những năm đó, triển vọng của chiếc máy bay này là không rõ ràng, và trên thực tế, dự án đang trên bờ vực bị loại bỏ hoàn toàn.
Trong những điều kiện khó khăn khi đó, Nga nói chung không cần tàu sân bay và máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Su-33 trên boong tàu đã được phát triển nên nhu cầu về MiG-29K cũng biến mất.
Vào năm 1999, quá trình phát triển máy bay chiến đấu này đã được nối lại, chủ yếu do Ấn Độ muốn có một tàu sân bay mới, hay nói chính xác hơn là Nga đã đề nghị Ấn Độ chiếc tàu Đô đốc Gorshkov và một không đoàn được trang bị đầy đủ, bao gồm các máy bay chiến đấu loại một chỗ ngồi MiG-29K và loại hai chỗ ngồi MiG-29KUB. Sau đó, chiếc máy bay này vẫn chưa được nhớ tới và phải mất 4 năm nữa chiếc MiG-29K mới cất cánh lần đầu tiên.
Quá trình giao MiG-29K cho Ấn Độ bắt đầu vào tháng 12/2009. Trước khi bàn giao, các máy bay đều được thử nghiệm trên tàu Đô đốc Kuznetsov. Tới tháng 1/2010, Ấn Độ và Nga ký thỏa thuận mua thêm 29 chiếc MiG-29K trị giá 1,2 tỷ USD. Hải quân Ấn Độ bắt đầu biên chế loại máy bay này vào tháng 2/2010.
Tuy nhiên, đơn hàng bị tạm ngừng sau khi một chiếc MiG-29KUB bị rơi trong quá trình thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng vụ tai nạn phủ bóng đen lên độ tin cậy của dòng tiêm kích này. Sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, tới cuối năm 2012, quá trình thử nghiệm trên biển của MiG-29K/KUB của Hải quân Ấn Độ được hoàn tất.
Điều thú vị nhất là với sự chậm trễ gần 20 năm thì vào năm 2012, hợp đồng với Phòng thiết kế Mikoyan về việc cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29K trên tàu sân bay đã được Bộ Quốc phòng Nga ký kết. Như vậy, Nga trở thành quốc gia thứ 2 sau Ấn Độ sử dụng tiêm kích này, dù lần đầu tiên MiG-29K hạ cánh trên boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là vào ngày 1/11/1989.
Theo các chuyên gia, trong những năm dự án bị “đóng băng”, các nhà thiết kế dù chậm chạp nhưng vẫn cải tiến được các đặc tính của máy bay. Điều này không chỉ áp dụng cho việc phát triển phiên bản sửa đổi 2 chỗ ngồi mà còn khiến MiG-29K được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4+.