Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa quyết định có tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden hay không. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đề cập khả năng tổ chức cuộc mít tinh để thông báo kế hoạch tái tranh cử năm 2024 ngay trong Ngày Nhậm chức 20-01-2021.
Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về quy trình chuyển giao quyền lực giữa hai đời tổng thống Mỹ, trong đó có bàn giao "quả bóng hạt nhân", chiếc vali da màu đen cho phép ông chủ Nhà Trắng phát động một cuộc tấn công hạt nhân khi không có mặt tại trung tâm chỉ huy cố định.
"Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ", ông Hans Kristensen, chuyên gia vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho biết.
Trong những lễ nhậm chức trước đây, một trợ lý quân sự cấp cao sẽ đi cùng tổng thống mãn nhiệm tới dự buổi lễ chuyển giao quyền lực tại tòa nhà quốc hội ở thủ đô Washington. Người này sẽ mang theo túi da, bên trong chứa "quả bóng hạt nhân", cùng một thẻ kỹ thuật số có biệt danh là "biscuit" (bánh quy) chứa các mã số cho phép phát động một cuộc tấn công hạt nhân.
Vào thời điểm tổng thống đắc cử Mỹ tuyên thệ nhậm chức, trợ lý này sẽ lặng lẽ chuyển chiếc vali cho trợ lý quân sự của tân tổng thống, trước khi người này di chuyển đến bên cạnh lãnh đạo mới của Nhà Trắng. Mã số mới của "biscuit" cũng được kích hoạt ngay trong buổi lễ.
Một cuộc họp kín sẽ được tổ chức trước ngày nhậm chức để hướng dẫn tân tổng thống Mỹ cách sử dụng thẻ mật mã và vali, cũng như phổ biến trách nhiệm, quyền hạn của ông với kho vũ khí hạt nhân Mỹ.
Cựu phó tổng thống Mỹ Dick Cheney cho biết việc bàn giao vali hạt nhân thường diễn ra bên lề vào buổi trưa ngày nhậm chức, không nằm trong chuỗi sự kiện công khai trước công chúng.
Trung tá Buzz Patterson, trợ lý phụ trách vali hạt nhân cho cựu tổng thống Bill Clinton, cho biết quá trình này sẽ khác biệt nếu ông Trump không dự lễ nhậm chức của ông Biden, nhưng vẫn sẽ diễn ra nhanh chóng và ít gặp trục trặc. "Quy trình chuyển giao trách nhiệm cần rõ ràng. Nó phụ thuộc vào Lầu Năm Góc, chứ không phải Tổng thống Mỹ", ông nói.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng cơ quan này đã lên kế hoạch chuyển giao vali hạt nhân, nhưng từ chối công bố chi tiết.
Ông Kristensen cho rằng phương án của Lầu Năm Góc cũng tương tự kế hoạch dự phòng khi tổng thống Mỹ đột ngột qua đời hoặc mất khả năng điều hành, vốn đòi hỏi lập tức chuyển quyền chỉ huy lực lượng hạt nhân cho phó tổng thống hoặc "người sống sót được chỉ định", quan chức sẽ trở thành tổng thống trong trường hợp tất cả lãnh đạo cấp cao của Washington bị tấn công và thiệt mạng.
Ông Stephen Schwartz, nhà nghiên cứu thuộc Trang tin Các nhà khoa học Hạt nhân, cho rằng Mỹ đang duy trì ít nhất 3 vali hạt nhân cho tổng thống, phó tổng thống và người sống sót được chỉ định.
"Nếu chưa có sẵn vali hạt nhân, quân đội có thể chuẩn bị thêm một chiếc cho lễ nhậm chức. Trợ lý quân sự sẽ lập tức theo sát Biden ngay khi ông ấy tuyên thệ, đồng thời quyền chỉ huy lực lượng hạt nhân của Trump sẽ bị vô hiệu hóa. Hy vọng Tổng thống Trump sẽ có mặt trong buổi lễ và tiến hành chuyển giao như truyền thống hàng chục năm qua", ông Schwartz nói.
Chiếc cặp da màu đen cho phép tổng thống Mỹ phát động một cuộc tấn công hạt nhân khi không có mặt tại trung tâm chỉ huy cố định. Những gì bên trong vali hạt nhân chưa bao giờ được Chính phủ Mỹ công bố, tuy vậy vẫn có một số phỏng đoán.
Vali hạt nhân có biệt danh "The Football". Nó được đặt trên máy bay, trực thăng, xe hơi và thang máy cạnh tổng thống. Tại Nhà Trắng, chiếc vali được cất ở một vị trí bí mật.
Bên trong vali là mã cần thiết để phóng vũ khí hạt nhân chiến lược vào danh sách các mục tiêu được thiết lập từ trước. Nguồn gốc ra đời của vali hạt nhân cũng khá lý thú. Mỹ là quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và cũng là nơi khai sinh chiếc vali hạt nhân đầu tiên.
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Tổng thống John F. Kennedy lo ngại những phần tử cực đoan trong giới lãnh đạo Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Liên Xô mà không được sự chấp thuận của ông. Ngoài ra, ông cũng muốn mình có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân chiến lược ở mọi nơi. Vali hạt nhân ra đời từ đó.
Trong khi đó, tên gọi "The Football" xuất phát từ “Dropkick”, mật hiệu của một kế hoạch chiến tranh hạt nhân tối mật, theo cựu Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara. Để khởi động Dropkick, cần một trong số những chiếc vali "The Football" này.
Binh sĩ được lựa chọn để xách chiếc vali tối quan trọng của tổng thống phải trải qua huấn luyện để có thể hỗ trợ ông chủ Nhà Trắng trắng ngay lập tức trong trường hợp tấn công hạt nhân xảy ra.
Tuy Mỹ chưa bao giờ công bố những gì có trong chiếc vali nhưng người ta cho rằng nó chứa các thiết bị phát sóng vệ tinh và tài liệu, giúp tổng thống Mỹ đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân vào mục tiêu nào.
Một số nguồn tin cho biết, vali hạt nhân được làm bằng chất liệu titan siêu chắc, nặng 18 kg, kích thước 45x35x25 cm.
Nó được khóa mật mã và luôn ở bên tổng thống Mỹ. Mỗi chuỗi mã phóng ứng với một hoặc một loạt vũ khí hạt nhân nhằm vào các mục tiêu đã định trước.
Để khởi động một cuộc tấn công hạt nhân, Tổng thống Mỹ phải xác nhận danh tính bằng cách sử dụng mã số in trên tấm thẻ. Công nghệ tiên tiến của Mỹ giúp chiếc vali luôn được kết nối Internet để ông tổng thống Mỹ có thể truy cập trang web chứa mã phóng ở mọi nơi trên thế giới.
Việt Hùng