So sánh 2 phim remake Việt hot nhất 2025: Khi công thức cũ không còn hợp thời
Dù được đầu tư bài bản, 2 phim remake Việt hot nhất 2025 vẫn phản ứng vì kịch bản remake lỗi thời.
Làn sóng phim truyền hình remake tiếp tục phủ sóng màn ảnh nhỏ Việt Nam trong năm 2025 với hai cái tên đáng chú ý: Hạnh Phúc Bị Đánh Cắp (remake từ Hàn Quốc) và Cha Tôi, Người Ở Lại (remake từ Trung Quốc). Dù được đầu tư bài bản và gắn với những thương hiệu nổi tiếng, cả hai bộ phim đều nhận về nhiều ý kiến trái chiều sau một thời gian phát sóng. Điểm chung lớn nhất và cũng là yếu tố gây tranh cãi nhất, chính là nội dung gốc đã cũ, lỗi thời và không còn phù hợp với nhịp sống cũng như tiêu chí thưởng thức của khán giả hiện nay.
Kịch bản nhiều nút thắt nhưng thiếu chiều sâu

Ngọc Lan và Hồng Ánh trong "Hạnh Phúc Bị Đánh Cắp". Ảnh: ĐVCC
Hạnh Phúc Bị Đánh Cắp, do đạo diễn/ NSƯT Nhâm Minh Hiền thực hiện, là bản Việt hóa từ bộ phim Hàn Quốc Jang Bo Ri Is Here phát sóng từ năm 2014. Dù từng là hiện tượng tại Hàn Quốc, nhưng khi được tái dựng trên màn ảnh Việt, nội dung phim bị đánh giá là giàu kịch tính đến mức phi lý. Tình tiết con gái thất lạc bị ngăn cản trở về, tranh giành nghề thêu truyền thống được lồng ghép dày đặc khiến mạch phim nặng nề, không còn phù hợp với thị hiếu chuộng sự chân thực, tối giản và giàu tính nhân của thời đại.

Diễn viên trẻ của "Cha Tôi, Người Ở Lại" - Trần Nghĩa, Ngọc Huyền và Thái Vũ. Ảnh: ĐVCC
Tương tự, Cha Tôi, Người Ở Lại do NSƯT Vũ Trường Khoa đạo diễn – remake từ Lấy Danh Nghĩa Người Nhà (2020, Trung Quốc), lại bị cho là “mềm nhũn” và thiếu cao trào. Các yếu tố chữa lành, gia đình dù từng tạo nên sức hút lớn tại thị trường Hoa ngữ, nhưng khi chuyển thể sang bối cảnh Việt Nam lại trở nên lạc lõng, thiếu sức sống. Nhiều khán giả cho rằng, câu chuyện về ba đứa trẻ không cùng huyết thống nhưng sống chung một mái nhà nghe có vẻ nhân văn, nhưng cách triển khai lại rời rạc, thiếu điểm nhấn cảm xúc.
Diễn viên: Kỳ cựu đối đầu thế hệ mới
Điểm chung của cả hai phim là đều kết hợp dàn diễn viên kỳ cựu với lớp trẻ. Tuy nhiên, hiệu quả lại rất khác biệt.
Trong Hạnh Phúc Bị Đánh Cắp, những cái tên như NSND Lan Hương, Hồng Ánh, Ngọc Lan, NSƯT Hạnh Thúy tiếp tục chứng minh đẳng cấp, tuy nhiên lớp diễn viên trẻ như Quỳnh Lương, Bích Ngọc lại vấp phải nhiều phàn nàn. Diễn xuất thiếu chiều sâu, biểu cảm đơn điệu, thoại gượng gạo và lồng tiếng “giả trân” khiến nhiều phân đoạn cảm xúc bị đánh giá là kịch và thiếu tự nhiên. Đây cũng là minh chứng cho thấy việc chọn diễn viên trẻ cho tuyến chính của một bộ phim dài tập cần cân nhắc kỹ về khả năng “gánh” vai và sức bền tâm lý.

Cha Tôi, Người Ở Lại ngược lại không có tên tuổi lớn nhưng lại nhận phản hồi tích cực nhờ sự đồng đều về diễn xuất. Ngọc Huyền được khen là có lối diễn nhẹ nhàng, tinh tế, tạo cảm giác gần gũi; Trần Nghĩa và Thái Vũ dù còn non ở một vài cảnh khó nhưng vẫn truyền tải được tinh thần nhân vật. Bộ phim không đòi hỏi cao về diễn xuất nội tâm phức tạp, nên dễ tạo cảm tình nhờ sự trong trẻo, thật thà của dàn cast.
Công thức cũ không thể chạm tới trái tim mới

Điểm trừ lớn nhất của cả hai phim không nằm ở khâu sản xuất hay diễn viên, mà chính ở lựa chọn nội dung. Khi xã hội đã thay đổi, thị hiếu người xem cũng dịch chuyển rõ, từ thích phim “cao trào” sang tìm kiếm sự đồng cảm, từ mê mô-típ bi kịch sang hướng đến những câu chuyện thực tế và chữa lành. Việc đưa những kịch bản hơn 10 năm tuổi lên sóng trong diện mạo mới là một bước đi nhiều rủi ro.

Thực tế, Hạnh Phúc Bị Đánh Cắp đang bị chê là “drama hóa mọi thứ”, với mô-típ hiểu lầm giữa mẹ con, âm mưu, tranh giành quyền lực từng phổ biến đầu những năm 2000 nhưng nay lại trở nên lỗi thời. Trong khi đó, Cha Tôi, Người Ở Lại lại bị đánh giá là “chạy theo công thức cũ của phim Trung”: tình tiết nhẹ nhàng nhưng thiếu mạch cảm xúc, không đủ để giữ chân khán giả vốn ngày càng khó tính và yêu cầu cao hơn về sự chân thực, tiết tấu và chiều sâu tâm lý.
Đã đến lúc mạnh dạn viết câu chuyện của chính mình
Các nhà làm phim Việt không thiếu chất liệu để kể chuyện. Các vấn đề xã hội hiện đại, khoảng cách thế hệ, khủng hoảng tâm lý trong giới trẻ, đời sống đô thị, tất cả đều đang là đề tài hấp dẫn và có sức lay động thực sự. Thành công của các phim truyền hình thuần Việt như Đừng Làm Mẹ Cáu, Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, Đi Giữa Trời Rực Rỡ… là minh chứng rõ ràng: khán giả sẵn sàng đón nhận những câu chuyện gần gũi, chân thành, miễn là được kể bằng sự tử tế và thấu hiểu.

Hạnh Phúc Bị Đánh Cắp và Cha Tôi, Người Ở Lại không phải là những dự án thất bại, nhưng là minh chứng cho giới hạn của công thức remake khi nội dung gốc không còn phù hợp với hiện tại. Trong thời đại mà khán giả đề cao tính thực tế, sự đồng cảm và chiều sâu xã hội, đã đến lúc truyền hình Việt mạnh dạn rời xa những khuôn mẫu cũ để bước vào hành trình sáng tạo thực sự, viết nên những câu chuyện của người Việt, vì người Việt và cho thời đại hiện nay.
Theo dõi SAOstar để cập nhật thêm nhiều thông tin giải trí mới và hấp dẫn!