So sánh bom StormBreaker của Mỹ và Drel của Nga: Loại nào đáng sợ hơn?

Cả 2 loại vũ khí này được dự báo sẽ 'làm mưa làm gió' trên thị trường quốc tế. Vậy ưu điểm và nhược điểm của từng loại ra sao.

Mỹ đã thử nghiệm thành công GBU-53/B StormBreaker, một phần của hệ thống vũ khí chính xác bán tự động Golden Horde. Trong khi đó, quân đội Nga cũng bắt đầu thử nghiệm bom chùm thông minh Drel (Drill), với sức nổ đủ để phá hủy toàn bộ một tiểu đội pháo. Vậy loại vũ khí nào có hiệu quả cao hơn?

Bom Drel Ảnh: TASS

Bom Drel Ảnh: TASS

Bom GBU-53/B StormBreaker – “kẻ thay đổi cuộc chơi”

Mike Jarrett, Phó Chủ tịch phụ trách hệ thống tác chiến trên không của tập đoàn quốc phòng Raytheon mô tả StormBreaker là “kẻ thay đổi cuộc chơi”.

“Chúng tôi gọi SDB II [Small Diameter Bomb II – Bom đường kính nhỏ, tên trước đây của StormBreaker-ND] là “kẻ thay đổi cuộc chơi” vì loại vũ khí này không chỉ đánh trúng tọa độ theo GPS, nó còn có thể tìm kiếm và khóa mục tiêu”, Jarrett nói.

Bom GBU-53/B StormBreaker. Ảnh: Không quân Mỹ

Bom GBU-53/B StormBreaker. Ảnh: Không quân Mỹ

Bom GBU-53/B StormBreaker mới còn được gọi là bom thông minh, do sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động theo dõi mục tiêu để xác định vị trí của vật thể trên mặt đất, và ngay cả khi vật thể xác định di chuyển chệch khỏi hướng ban đầu, bom GBU-53/B StormBreaker vẫn có thể theo dõi chúng.

“Việc nhắm mục tiêu được thực hiện qua hệ thống radar tiên tiến và cảm biến hồng ngoại. Cơ chế nhận diện mục tiêu và xác định bạn hay thù cũng được tiến hành bởi trí tuệ nhân tạo (AI)”, Dmitry Safonov, một nhà phân tích quân sự từng làm cho báo Izvestia nhận định với Russia Beyond.

Theo chuyên gia Safonov, StormBreaker khác với các vật thể tự dẫn đường khác ở một số đặc tính, trong đó bao gồm cả chế độ lượn, cho phép quả bom di chuyển với khoảng cách lên tới 73km để tới mục tiêu, sau đó nó sẽ tự động chuyển sang chế độ tấn công, nhận dạng và phá hủy mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người. Hơn nữa, bom StormBreaker có thể vận hành trong điều kiện tầm nhìn thấp, thời tiết xấu, sương mù hay điều kiện ban đêm.

Như cái tên ban đầu của mình, khá nhỏ gọn, chỉ nặng chưa đến 114kg. Điều này có nghĩa là các chiến cơ có mang được nhiều quả bom StormBreaker. Ví dụ, F-15E có thể mang tới 28 quả bom StormBreaker, còn F-35 có thể mang tới 24 quả.

Trong tương lai, StormBreaker có thể được triển khai trên các máy bay ném bom B-52, B-1B và B-2 và số lượng được triển khai có thể lên tới 100 quả.

Bom chùm thông minh Drel của Nga

Trong khi đó, Nga cũng đang phát triển loại bom tương tự, dự kiến đi vào phục vụ trong quân đội cuối năm 2020.

Drel là loại bom chùm với 15 quả đạn cỡ nhỏ bên trong, có thể tỏa ra nhiều hướng khác nhau với tốc độ 3km/giây và xé toạc bất cứ chiếc xe bọc thép hạng nặng nào của kẻ thù. Drel là loại bom không dẫn đường có chi phí rẻ hơn nhiều so với các tên lửa có độ chính xác cao, trước hết là vì chúng không có động cơ phản lực.

Bom Drel sẽ là vũ khí tiêu chuẩn của Su-57. Ảnh: TASS

Bom Drel sẽ là vũ khí tiêu chuẩn của Su-57. Ảnh: TASS

Drel được thiết kế để có thể thực hiện tấn công bất kể ngày đêm mà không cần xâm nhập vào khu vực có phòng không của đối phương. Loại bom mới này có thể triển khai ở khoảng cách 30km và nhờ hệ thống GLONASS (hệ thống định vị toàn cầu của Nga), nó có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, không giống bất cứ loại bom không dẫn đường nào trước đây.

Theo những thông tin ban đầu, bom chùm Drel được sản xuất với chiều dài 3,1m, đường kính 0,45m. Khối lượng nổ 500kg chiếm tới 70% tổng trọng lượng của bom, giúp tối ưu hóa hiệu quả tấn công.

Cuối năm 2019, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Techmash, ông Alexander Kochkin cho biết, Nga sẽ trang bị cho tiêm kích Su-57 loại bom thông minh Drel.

“Drel có thể được sử dùng trên tất cả các loại máy bay, từ máy bay ném bom chiến lược tầm xa cho đến máy bay tấn công mặt đất và Drel sẽ là vũ khí tiêu chuẩn của Su-57”, ông Kochkin cho biết.

Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng Nga dự kiến trang bị cho bom Drel với động cơ mạnh, giúp cải thiện đáng kể tầm hoạt động của loại bom này.

“Bom Drel của chúng tôi vẫn mạnh mẽ hơn so với vũ khí Mỹ dù đối thủ có tầm xa và chính xác cao hơn, nhưng cũng đắt đỏ hơn về chi phí sản xuất. Tôi nghĩ những thành tựu của Mỹ cũng thúc đẩy chúng tôi và đến khi Drel đi vào phục vụ nó có thể đạt tầm hoạt động như StormBreaker”, Safonov nói.

Theo Hoàng Phạm/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/so-sanh-bom-stormbreaker-cua-my-va-drel-cua-nga-loai-nao-dang-so-hon/20200801084940283