So sánh kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga và Hoa Kỳ

Các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân mở rộng của Nga và quyết định triển khai hệ thống này ở Belarus đã khiến kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow trở thành tâm điểm chú ý, theo Newsweek.

Đô đốc Tony Radakin, người đứng đầu quân đội Anh, cho biết “từ Nga, chúng ta đã chứng kiến những mối đe dọa lớn về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn và các cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào các nước NATO”.

Radakin phát biểu tại London rằng “tất cả những điều này đều được thiết kế nhằm ép buộc chúng ta không thể thực hiện hành động cần thiết để duy trì sự ổn định”.

Radakin nói thêm, các nước NATO đang phải đối mặt với "bình minh của kỷ nguyên hạt nhân thứ ba", sau các nỗ lực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, diễn ra sau sự bùng nổ ban đầu của các cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tổng cộng, Nga và Hoa Kỳ kiểm soát khoảng 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới. Bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược và phi chiến lược, hay còn gọi là chiến thuật.

Không giống như vũ khí hạt nhân chiến lược, vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Chúng có sức công phá nhỏ hơn và được thiết kế để sử dụng chống lại các mục tiêu khác nhau so với vũ khí hạt nhân chiến lược, vốn bị hạn chế theo Hiệp ước New START sắp hết hạn vào năm 2026.

Trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược được triển khai trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hoặc từ máy bay ném bom. Vũ khi này có thể san phẳng toàn bộ một thành phố và đe dọa các siêu cường toàn cầu.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ gây ra ít thiệt hại hơn, nhưng những đầu đạn của loại này có thể có sức công phá lên tới 300 kiloton, hoặc gấp 20 lần quả bom đã phá hủy Hiroshima, Nhật Bản.

Trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược bị giới hạn bởi Hiệp ước New START, đầu đạn hạt nhân chiến thuật không bị giới hạn theo bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã chuyển giao hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho đồng minh quan trọng của mình là Belarus.

Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, từng tuyên bố vào giữa năm 2023 rằng những vũ khí hạt nhân chiến thuật được chuyển giao bao gồm những quả bom mạnh gấp 3 lần quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ đã sử dụng để ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945. Putin cho biết Nga vẫn giữ quyền kiểm soát những vũ khí này.

Các quan chức Nga cũng đã công khai cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Moscow đã tổ chức một số vòng tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật trong năm nay để đáp trả những gì mà Điện Kremlin gọi là “những tuyên bố và lời đe dọa khiêu khích” từ các quan chức phương Tây. Nga cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến lược.

Hoa Kỳ tuyên bố “việc ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế trong một cuộc xung đột khu vực là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ và NATO”.

Đầu năm nay, Washington đã nhắc lại ước tính trước đó về kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, đưa ra con số ở đâu đó giữa 1.000 và 2.000 đầu đạn. "Nga có kho vũ khí hạt nhân chiến thuật đang hoạt động lên tới 2.000 đầu đạn", Hoa Kỳ đánh giá vào năm 2022.

Nga không bắt buộc phải tiết lộ kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình, không giống như số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược.

Theo ước tính của các chuyên gia vào năm 2022, Nga có "khoảng 1.912 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, được phân bổ để có thể triển khai bằng không quân, hải quân, lục quân và các lực lượng phòng thủ khác". Con số này có thể bao gồm các vũ khí đang trong quá trình tháo dỡ hoặc ngừng sử dụng.

Đầu năm nay, Liên đoàn các nhà khoa học Hoa Kỳ ước tính số đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga là 1.558.

Trong kho vũ khí hạt nhân chiến thuật có bom trọng lực, tên lửa phòng không, hệ thống tên lửa chống đạn đạo, ngư lôi và mìn hạt nhân, cũng như đầu đạn hạt nhân có thể được phóng bằng các hệ thống của Nga được trang bị đầu đạn thông thường và hạt nhân.

Nhiều hệ thống vũ khí được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động thông thường hoặc các nhiệm vụ không liên quan đến vũ khí hạt nhân.

“Mặc dù ban đầu Nga thực hiện cắt giảm mạnh tương tự đối với lực lượng hạt nhân chiến lược của mình, nhưng họ vẫn giữ lại một số lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến thuật”, Báo cáo Đánh giá về hạt nhân năm 2018 của Hoa Kỳ, được biên soạn dưới thời chính quyền Trump, đánh giá. “Ngày nay, Nga đang hiện đại hóa các vũ khí này cũng như các hệ thống chiến lược khác của mình”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết chính quyền Biden, giống như các chính quyền trước đó, đã cho rằng Hoa Kỳ không cần phải “bắt chước hoặc sánh ngang” kho vũ khí chiến thuật của Nga.

Hoa Kỳ ước tính có khoảng hơn 200 vũ khí hạt nhân chiến thuật, với khoảng một nửa được triển khai tại các căn cứ ở châu Âu. Hoa Kỳ được cho là có khoảng 100 quả bom chiến thuật được triển khai tại 5 quốc gia NATO trên lục địa, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Bỉ.

TD-MD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/so-sanh-kho-vu-khi-hat-nhan-chien-thuat-cua-nga-va-hoa-ky-234834.htm